Dịch Covid-19 - "Gáo nước lạnh" đối với nền kinh tế

  • 08:16 | Thứ Tư, 25/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịch Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình ngay từ những tháng đầu năm. Trong đó, loại hình dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, vận tải và các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Có thể nói, dịch Covid-19 như một “gáo nước lạnh” đối với việc thực hiện nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Dịch Covid-19 làm đảo lộn hoạt động sản xuất, kinh doanh...
 
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Thường trực Công ty TNHH S&D Quảng Bình cho biết, dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung cấp nguyên liệu (chủ yếu từ các bạn hàng Trung Quốc) nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc làm của hơn 1.000 lao động đang làm việc tại Công ty.
 
Sau Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm cung cấp đủ sản phẩm và đúng thời gian theo hợp đồng đã được ký kết. Tuy nhiên, năm nay, mọi kế hoạch đều bị đảo lộn. Hầu hết các bộ phận sản xuất hàng may mặc của Công ty đều chỉ hoạt động cầm chừng bởi thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào và không bảo đảm tiêu thụ được lượng sản phẩm sản xuất ra. Điều này đồng nghĩa với việc hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị bị hạn chế; kéo theo đó là thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng. 
 Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.
Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19.
Lo sợ dịch Covid-19 lây lan, người dân các địa phương trong tỉnh đang cố gắng hạn chế tối đa đến những nơi đông người để mua sắm. Chị Đoàn Thị Hoài Hương, chủ một siêu thị nhỏ kinh doanh hàng tiêu dùng trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới chia sẻ, thay vì trực tiếp đến siêu thị mua sắm, đa số khách hàng đều thực hiện việc giao dịch qua mạng Internet để nhân viên giao hàng tận nhà. Điều này khiến hoạt động kinh doanh trở nên trầm lắng hẳn, ảnh hưởng lớn đến doanh thu cũng như tốc độ luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày, như: lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt...
 
Thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh tháng 2-2020 chỉ đạt hơn 3.300 tỷ đồng, giảm 6,3%; chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,28% so với tháng trước. Hầu hết các siêu thị, cơ sở kinh doanh hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trở nên vắng lặng.
 
Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng đã khiến cho nhiều cơ sở kinh doanh lữ hành buộc phải hủy tour nên doanh thu hoạt động du lịch, lữ hành giảm mạnh.
 
Thống kê số lượt khách du lịch đến Quảng Bình trong tháng 2-2020 ước đạt 278.000 lượt, giảm 17% so cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 17.280 lượt khách, giảm 10% so cùng kỳ. Tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình 2 tháng đầu năm nay ước đạt 578.000 lượt khách, giảm 6%; trong đó khách quốc tế ước đạt 37,63 nghìn lượt khách, giảm 1% so cùng kỳ.
 
Thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), địa danh được ví như “trái tim” du lịch của tỉnh nhà trở nên vắng lặng từ nhiều ngày qua do lượng khách du lịch giảm hẳn. Nhiều cơ sở lưu trú gần như đóng cửa do không có khách thuê phòng. Theo đánh giá của một số chủ nhà hàng, khách sạn, homestay khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng thì lượng khách du lịch giảm khoảng 70% kể từ đầu tháng 2 đến nay. Đây là điều đáng buồn, bởi du lịch đã và đang được xem như mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh.
 
Từ ngày 17-3-2020, Quảng Bình cũng tạm dừng đón khách tham quan, du lịch tại các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
 
Ông Nguyễn Sỹ Đông, Giám đốc Trung tâm dịch vụ và quản lý bến xe, Sở Giao thông-Vận tải cho biết, thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa của người dân thường tăng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên năm nay lượng khách giảm hẳn. Tổng doanh thu vận tải tháng 2-2020 ước tính chỉ đạt 334,3 tỷ đồng, giảm 5,5% so tháng trước. Cũng trong tháng 2, tổng số hàng khách vận chuyển đạt 2,3 triệu hành khách, giảm 5,5%; khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 2,4 triệu tấn, giảm 4,8% so với tháng trước.
 
“Phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhưng tốc độ luân chuyển, lưu thông hàng hóa giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”, ông Đông cho biết thêm.
 
Gỡ khó cho doanh nghiệp
 
Năm 2020, tỉnh Quảng Bình phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,4%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; dịch vụ tăng 7,2%; thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng… Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu này là điều không dễ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành và đã trở thành đại dịch toàn cầu.
 
Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản suất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có các công văn số 884-CV/TU và 310-UBND/KT về thực hiện các biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. 
Cần giải pháp cụ thể, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cần giải pháp cụ thể, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, bởi hầu hết các ngành, lĩnh vực đều phải chịu tác động. Vì thế, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm phạm luật về thuế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng sẽ giải quyết tốt các thủ tục hành chính cho các đối tượng nộp thuế bị ảnh hưởng dịch Covid-19, như: hoàn thuế, gia hạn nộp thuế; đồng thời, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh để gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Quan trọng hơn cả là chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, ngành nghề và doanh nghiệp để kịp thời báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền các phương án hỗ trợ cần thiết”, ông Tuyến nói.
 
Bên cạnh việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa dịch Covid-19, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã lưu ý các lực lượng công an, bộ đội, hải quan và các đơn vị có liên quan triển khai biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nhanh chóng, thuận lợi...
 
Các ngân hàng cần chủ động rà soát, thực hiện miễn, giảm lãi suất, giãn nợ… cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhằm giúp doanh nghiệp sớm triển khai dự án đầu tư, phục vụ tăng trưởng kinh tế của địa phương và tỉnh.
 
Các giải pháp nói trên của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là khá toàn diện. Tuy nhiên, để “gáo nước lạnh-dịch Covid-19” sớm được kiểm soát nhằm bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh thì rất cần sự chung tay, nỗ lực của cả cộng đồng người dân và doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng.
                                                                                                  Nguyễn Hoàng