Công ty Cổ phần Lệ Ninh: Vượt qua khó khăn, nâng tầm vị thế

  • 08:19 | Chủ Nhật, 15/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước những khó khăn do thiên tai, giá mủ cao su trên thị trường giảm sâu..., Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban giám đốc Công ty Cổ phần Lệ Ninh (gọi tắt là Công ty Lệ Ninh) vẫn xác định trồng và chế biến cao su là ngành chính, đồng thời, sắp xếp, tái cấu trúc lại các ngành, nghề sản xuất phụ trợ. Nhờ phát huy truyền thống đoàn kết, chuyển hướng kịp thời, đổi mới công tác quản lý, linh hoạt thực hiện việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, Công ty Lệ Ninh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI của công ty đề ra.
 
Kiên định vượt khó
 
Tan hoang, tiêu điều, ngổn ngang cây gãy đổ... là khung cảnh mà các cơn bão số 10 và số 11 năm 2013 và 2017 để lại sau khi đã tàn phá trên 420ha cao su của công ty, gây thiệt hại trên 120 tỷ đồng. Kéo theo đó là ngổn ngang công việc mà những công nhân cao su cần phải kịp thời xử lý và nhiều nỗi lo "đặt nặng trên vai" Đảng ủy, cán bộ quản lý, lãnh đạo Công ty Lệ Ninh.
 
Mỗi cán bộ, công nhân Công ty Lệ Ninh đều quyết tâm khôi phục, duy trì và phát triển diện tích cao su sau mỗi lần bị thiên tai tàn phá. Họ quyết liệt, khẩn trương, kịp thời chăm sóc vườn cây bị mưa bão tàn phá, trồng mới ở những phần diện tích không thể khôi phục, tái canh các vườn cây già cỗi bằng mọi nguồn lực... Niềm tin về cây cao su-loại cây đã gắn bó hàng chục năm với buồn vui của con người nơi đây làm cho cán bộ, công nhân, người lao động của công ty thêm nung nấu ý chí làm xanh lại những cánh rừng cao su trên vùng đất phía Tây Lệ Thủy. Và sự nỗ lực đó đã được đền đáp bằng màu xanh ngút ngát của những cánh rừng cao su hồi sinh và trồng mới tốt tươi.
Công nhân thu hoạch mủ trên cánh rừng cao su được Công ty trồng mới vào năm 2014 từ diện tích rừng bị cơn bão số 10 (năm 2013) tàn phá.
Công nhân thu hoạch mủ trên cánh rừng cao su được Công ty trồng mới vào năm 2014 từ diện tích rừng bị cơn bão số 10 (năm 2013) tàn phá.
Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, từ năm 2014, công ty chọn lọc đưa vào trồng mới các giống cao su RIM 600, RRIM 712, RIC100, RIC121. Đây là những dòng cao su vô tính do Viện nghiên cứu Cao su Việt Nam nhân giống, chịu được gió, bão và cho năng suất cao, ít nhiễm bệnh phấn trắng và loét sọc mặt cạo. Tổng diện tích công ty đã trồng mới và tái canh là 433,2ha cao su, tất cả đều phát triển xanh tốt và những rừng cao su sau bão đã không phụ công người có tâm khi bắt đầu cho dòng nhựa trắng. Thành quả thể hiện rõ nhất là năm 2019, công ty đã chế biến trên 807,5 tấn mũ cao su, vượt kế hoạch 1,3% chỉ tiêu. Để bảo đảm sản xuất có lãi, công ty đầu tư dây chuyền công nghệ chế biển mủ hiện đại, cải tiến và hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí.
 
Anh Nguyễn Đức Triển, Đội trưởng Đội 2, Công ty Lệ Ninh cho hay, từ thực tiễn sản xuất, cán bộ, công nhân rút ra kết luận, trên vùng đất của công ty, cây cao su là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, mang tính ổn định lâu dài và bền vững. Trong 2-3 năm đầu thời kỳ kiến thiết cơ bản, cây cao su có thể trồng xen các cây trồng ngắn ngày, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.
 
Mạnh dạn tái cấu trúc các ngành nghề sản xuất phụ trợ
 
Đến với những cánh rừng cao su trồng mới chưa khép tán của Công ty Lệ Ninh, mọi người sẽ thấy màu xanh của cây sả dưới những tán cây cao su. Tạo dựng vùng chuyên canh trồng cây lấy hương liệu, lấy tinh dầu và trồng dược liệu là hướng đột phá của công ty. Ngành sản xuất mới mẻ này bước đầu đã chứng minh hiệu quả và là hướng đi đúng. Trên diện tích gần 90ha, công ty trồng giống sả chanh và sả Java, năm 2019, thu hoạch 560 tấn sả lá. Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ này, công ty sản xuất mỗi năm trên 2 tấn tinh dầu sả. Sản phẩm tinh dầu sả của công ty sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó và có mặt trên thị trường nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
 
Cùng với việc trồng và chế biến dược liệu từ cây sả, trong cơ cấu sản xuất của công ty còn xuất hiện một lĩnh vực mới, đó là sản xuất gỗ dăm. Cải tạo hạ tầng của xí nghiệp chăn nuôi lợn mà công ty đã giải thể do hoạt động kém hiệu quả, công ty mạnh dạn đầu tư lắp đặt các dây chuyền chế biến gỗ dăm. Nguyên liệu là gỗ keo tràm khai thác tại các diện tích rừng trồng của cán bộ, công nhân công ty và gỗ keo tràm thu mua từ các hộ dân trồng rừng trên địa bàn 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy. Dây chuyền sản xuất gỗ dăm của công ty đi vào hoạt động cũng đã đưa lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Năm 2019, công ty đã chế biến và xuất bán trên 23.000 tấn gỗ dăm, doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng.
Chế biến gỗ dăm là ngành nghề mới mang lại doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm cho Công ty.
Chế biến gỗ dăm là ngành nghề mới mang lại doanh thu trên 50 tỷ đồng/năm cho Công ty.
Ông Trần Công Văn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Lệ Ninh cho hay, xác định đúng ngành nghề kinh doanh, lựa chọn đúng cây trồng, ngành nghề phù hợp để đưa vào sản xuất có hiệu quả, cùng với bề dày kinh nghiệm của một đơn vị làm nông lâm nghiệp lâu năm là "chìa khóa" để công ty tìm ra lời giải cho "bài toán" vượt lên thách thức từ thiên tai và từ những bất ổn cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Trải qua không ít lần thất bại, kinh doanh thua lỗ, đến hôm nay, công ty đã định hình rõ nét "tam giác" phát triển với nền tảng là trồng cao su, chế biến mủ cao su, theo đó là đẩy mạnh trồng, chế biến dược liệu cùng với trồng rừng lấy gỗ, chế biến gỗ dăm.
 
Vững vàng với vị thế mới
 
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lệ Ninh khẳng định, với việc tìm lời giải đúng đắn cho sản xuất kinh doanh, công ty dần hồi phục, làm ăn có lãi, bảo đảm ổn định việc làm và cải thiện mức thu nhập cho công nhân lao động. Thêm vào đó, việc tái cấu trúc hợp lý ngành nghề sản xuất đóng vai trò quan trọng để công ty vững vàng sau những trận bão thiên nhiên và "bão" giá thị trường. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ, sự điều hành của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc và trên hết là sự đoàn kết, đồng lòng, đồng sức của tập thể cán bộ, công nhân viên của công ty cùng những quyết sách đúng đắn, linh hoạt, công ty đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng và không ngừng nâng cao vị thế trên thương trường.
 
Thành quả đó thể hiện rõ nét trong 5 năm qua, tổng giá trị tài sản doanh nghiệp đầu kỳ là 144,83 tỷ đồng thì nay đã tăng lên 218,6 tỷ đồng, tăng 150,9%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 14,7%/năm; doanh thu đạt 267,507 tỷ đồng, đạt và vượt kế hoạch  115,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 3,87 tỷ đồng, đạt và vượt 242,2%; nộp thuế 11,56 tỷ đồng, đạt và vượt 169,7%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,4 triệu đồng/người/tháng, đạt và vượt chỉ tiêu 135,8%...
 
Đặc biệt, công ty về đích năm 2019 với những chỉ báo đáng phấn khởi: doanh thu trên 96 tỷ đồng; nộp ngân sách 5,73 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 1,2 tỷ đồng...
 
Đứng lên sau bão, thủy chung với cây cao su và định hình tái cơ cấu, chuyển dịch ngành nghề sản xuất hợp lý là sự tiếp nối "bài ca lao động" đáng tự hào của các thế hệ cán bộ, công nhân lao động Công ty Lệ Ninh. Nhờ đó, trong 5 năm qua, công ty luôn được UBND tỉnh đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, nhiều năm được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc.
                                                                                                Đức Thành