Người lan toả nghề nuôi hươu thoát nghèo

  • 14:41 | Thứ Hai, 24/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi hươu sao, nhiều năm qua, ông Nguyễn Viết Nghĩa và bà Lê Thị Cầu ở thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh (Quảng Ninh) đã góp phần lan tỏa phong trào nuôi hươu trên toàn huyện, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Hiệu quả kinh tế cao
 
Ông Nguyễn Viết Nghĩa quê xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, lớn lên đi bộ đội và đóng quân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Sau một thời gian ở đây, ông kết duyên cùng với cô giáo Lê Thị Cầu và sinh sống ở xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu. Nơi đây có nghề nuôi hươu lấy nhung rất phát triển nên ngoài việc dạy học, ông bà đã mua hươu về nuôi để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế. Năm 1996, khi nghỉ  hưu, ông bà chuyển về Duy Ninh sinh sống và cũng không quên việc đưa 2 con hươu giống về nuôi thử nghiệm. Kết quả tốt hơn cả sự mong đợi bởi hươu thích nghi và phát triển khá tốt.
 
Bà Lê Thị Cầu cho biết: "Do nguồn thức ăn cho hươu khá dễ (hơn 100 loại rau, củ, quả) nên lúc mới đem giống về Quảng Bình tôi cũng không lo lắng nhiều về vấn đề này. Chúng tôi chỉ lo lắng về việc tiêu thụ nhung hươu, bởi người dân nơi đây vẫn còn lạ lẫm với món ăn bổ dưỡng này. Lứa nhung đầu tiên, chúng tôi quyết định dành toàn bộ số tiết nhung và nhung để chiêu đãi bạn bè, đồng đội cũ ở Quảng Bình. Đây cũng chính là dịp để chúng tôi “quảng bá” thêm về nghề nuôi hươu của mình".
 
Theo bà Cầu thì nuôi hươu hiệu quả kinh tế cao hơn những vật nuôi khác rất nhiều. Hươu đực hàng năm cho nhung còn hươu cái để sinh sản, bán con giống, nuôi con đực hay con cái đều có lãi. Chu kỳ sinh nở của hươu cái mỗi năm đẻ 1 con/lần, mỗi lần mang thai khoảng gần 4 tháng. Còn hươu đực 2 năm tuổi là đã cho nhung. Mỗi năm một con hươu cho nhung 1 lần.
Ông Nguyễn Viết Nghĩa là tấm gương sáng trong phong trào lan tỏa mô hình nuôi hươu ở huyện Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Viết Nghĩa là tấm gương sáng trong phong trào lan tỏa mô hình nuôi hươu ở huyện Quảng Ninh.
Năm 2019, với 9 con hươu đực, với giá bán 1,3 triệu/lạng nhung hươu, ông bà thu về gần 100 triệu đồng. Hiện nay, vì tuổi đã cao nên ông bà chỉ còn nuôi 7 con hươu đực. Nhung hươu là dược liệu quý và được người tiêu dùng ưa chuộng, nên hầu hết nhung cắt bán đều có khách đặt trước. Tham quan mô hình, chúng tôi nhận thấy nuôi hươu nhàn hơn các vật nuôi khác vì chúng ăn ít, thức ăn đa dạng, phong phú, bên cạnh đó, chuồng trại không cần lớn nên không chiếm diện tích nhiều, khâu dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại cũng đỡ vất vả…
 
Như vậy, việc mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của gia đình ông Nghĩa đã mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương, thu nhập kinh tế khá lên nhờ có đầu ra, tiêu thụ ổn định.
 
Lan tỏa phong trào và không giấu nghề…
 
Thấy việc chăn nuôi hươu hiệu quả, các hộ dân ở trong xã, huyện... đã tìm đến gia đình ông Nghĩa, bà Cầu để mua hươu giống về nuôi phát triển kinh tế gia đình. Ngoài bán con giống, ông bà cũng không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, kỹ thuật lấy nhung; đặc biệt là chế độ chăm sóc khi hươu bắt đầu mọc nhung để nhung đạt chất lượng...
 
Để lan tỏa phong trào nuôi hươu lấy nhung trong huyện cũng như toàn tỉnh, năm 2002, ông Nghĩa đã đề xuất với Hội Nông dân huyện thành lập chi hội nuôi hươu huyện Quảng Ninh với 15 thành viên nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nuôi hươu cũng như giúp người dân áp dụng mô hình nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Năm 2012, chi hội nuôi hươu chuyển thành Hợp tác xã (HTX) nuôi hươu huyện Quảng Ninh, do ông Nguyễn Viết Nghĩa làm Giám đốc.
 
Để mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con yên tâm chăn nuôi, ông Nghĩa còn mời cán bộ khuyến nông huyện Quảng Ninh về tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc hươu cho hội viên. Bên cạnh đó, HTX còn đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An tuyển chọn và mua hươu giống bảo đảm chất lượng cung cấp cho bà con, đồng thời liên hệ với các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nhung hươu…
 
Đặc biệt, HTX nuôi hươu huyện Quảng Ninh không chỉ kết nạp hội viên trong huyện mà bà con ở các huyện khác nếu muốn học hỏi mô hình nuôi hươu thì HTX cũng tạo mọi điều kiện để tham gia. HTX hiện có 1 hội viên ở Tây Trạch (Bố Trạch). Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên các thành viên trong HTX đều là hộ khá giả, đời sống ngày càng được nâng cao, con cái học hành thành đạt, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiện nay, HTX có 17 thành viên, nuôi 86 con hươu, năm 2019, thu được 96kg nhung, theo giá thị trường hiện nay thu về hơn 1,2 tỷ đồng.
 
Không chỉ thành lập HTX để lan tỏa mô hình, ông còn giúp đỡ, hỗ trợ con giống cho những hộ gia đình khó khăn muốn thoát nghèo bền vững. Ông Nghĩa cho biết, mỗi con hươu giống bán cho các hộ gia đình khoảng hơn 10 triệu đồng nhưng trước mắt ông bà  chỉ lấy một nửa tiền, phần còn lại khi nào hươu cho nhung thì các hộ hoàn đủ. Điển hình có hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Võ (Mỹ Thủy, Lệ Thủy), ông Võ từng là đồng đội của ông Nghĩa, sau khi trở về quê hương, bạn bè gặp nhau, thấy ông Võ chăn nuôi gà vất vả mà lời lãi không được bao nhiêu, nên ông đã giúp đỡ.
 
Vợ chồng ông Nghĩa không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình mà còn giúp đỡ, hỗ trợ và động viên đồng đội cũ, bà con nuôi hươu thoát nghèo và làm giàu cho quê hương. Nhiều năm liền, ông Nghĩa được các cấp hội, như: Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Hội Cựu chiến binh…,tặng nhiều giấy khen. Đặc biệt, năm 2017, ông Nghĩa vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, phát triển sản xuất.
 
Thời gian tới, ông bà mong muốn có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan, ban, ngành liên quan để xây dựng thương hiệu nhung hươu, tìm khâu kết nối với các doanh nghiệp lớn để thực hiện chuỗi liên kết sản phẩm cho người nuôi hươu nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của sản phẩm này. Đặc biệt,ông bà kỳ vọng, không chỉ ở huyện Quảng Ninh, nghề nuôi hươu còn lan tỏa đến nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Thanh Hoa