Hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

  • 17:43 | Thứ Ba, 11/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
1. Giới thiệu về bệnh Cúm gia cầm
 
1.1. Khái niệm về bệnh
 
a) Bệnh Cúm gia cầm (Avian Influenza) là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người). Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người (vi rút cúm A/H7N9).
 
b) Sức đề kháng của vi rút: Vi rút thường sống lâu hơn trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Vi rút có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh. Vi rút dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70°C trong 05 phút. Trong tủ lạnh và tủ đá, vi rút có thể sống được vài tháng. Chất sát trùng thông thường như: xút 2%, phoóc-môn 3%, crezin 5%, chloramin B 3%, iodin 1%, halamid 20%, cồn 70° - 90°, vôi bột hoặc nước vôi 10%, nước xà phòng đặc,...
 
1.2. Nguồn bệnh và đường truyền lây
 
a) Loài mắc: Động vật mắc bệnh cúm gia cầm là các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt vi rút có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người.
 
b) Nguồn bệnh: Vi rút có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, có nhiều trong phân, dịch tiết như nước mũi và nước bọt của con vật mắc bệnh. Trong thiên nhiên, các loài chim di trú, thủy cầm hoang dã mang trùng vi rút cúm là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu cho gia cầm nuôi. Trong chăn nuôi, thủy cầm mang trùng vi rút cúm được xem là nguồn lây nhiễm bệnh chính cho gia cầm nuôi nhốt.
 
c) Đường truyền lây: Trong cơ thể gia cầm mắc bệnh, vi rút cúm được nhân lên trong đường hô hấp và đường tiêu hóa, sau đó được bài thải qua phân, nước mũi và nước bọt; sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp.
 
- Lây trực tiếp: Do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm hoặc động vật mắc bệnh, động vật mang trùng vi rút cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua các chất bài tiết từ đường hô hấp hoặc qua phân, thức ăn và nước uống bị nhiễm vi rút cúm.
 
- Lây gián tiếp: Qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển,... bị nhiễm phân, dịch tiết có chứa vi rút cúm của động vật mắc bệnh bài thải ra.
 
1.3. Triệu chứng lâm sàng
 
Gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 - 03 ngày và có thể dài hơn tùy theo độc lực của vi rút. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày; gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.
 
1.4. Bệnh tích: Khí quản xuất huyết, túi khí dày đục, phổi viêm xuất huyết; dạ dày tuyến xuất huyết, manh tràng, ruột non xuất huyết, hậu môn xuất huyết, gan, lách, thận sưng hoặc xuất huyết; màng bao tim, cơ tim xuất huyết; tim nhão, bao tim chứa nhiều dịch thẩm xuất màu vàng; buồng trứng, dịch hoàn xuất huyết; màng não xung huyết, một số xuất huyết dưới da chân.
 
2. Các biện pháp phòng bệnh 
 
2.1. Thông tin, tuyên truyền 
 
- Tuyên truyền cho người chăn nuôi biết tính chất nguy hiểm của loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cách phát hiện và biện pháp phòng, chống dịch bệnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, tờ rơi, áp phích...
 
- Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
 
2.2. Giám sát dịch bệnh
 
- Giám sát lâm sàng: Được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt là số lượng gia cầm nhập vào địa bàn, mới nuôi, vùng có ổ dịch cũ, có nguy cơ cao; hệ thống giám sát được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp xã, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện, báo cáo kịp thời thông tin dịch bệnh.
 
- Giám sát sự lưu hành mầm bệnh: Được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất để phát hiện sự lưu hành và biến đổi của mầm bệnh nhằm đề xuất biện pháp phòng, chống dịch thích hợp.
 
- Giám sát sau tiêm phòng: Được thực hiện sau mỗi đợt tiêm phòng vắc xin  để đánh giá kết quả tiêm phòng và khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm. 
 
2.3. Công tác tiêm phòng vắc xin 
 
Thực hiện tiêm phòng vắc xin cho gia cầm vào 02 đợt chính trong năm, ngoài ra thực hiện tiêm phòng bổ sung cho gia súc mới sinh, gia cầm nhập mới hoặc chưa tiêm được trong đợt tiêm chính.
 
2.4. Kiểm dịch vận chuyển
 
- UBND cấp huyện, cấp xã quản lý chặt chẽ hoạt động các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm.
 
- Cơ quan thú y cấp tỉnh thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào địa bàn, đặc biệt là gia cầm giống.
 
- Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầmđảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định.
 
2.5. Công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc 
 
Tổ chức thực hiện các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT. Riêng các cơ sở ấp nở gia cầm, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật, địa điểm thu gom, chợ buôn bán, nơi cách ly kiểm dịch động vật phải định kỳ tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y.
 
Theo tài liệu tuyên truyền do Sở Thông tin & Truyền thông cung cấp