Chanh tứ mùa và những kỳ vọng bước đầu

  • 14:38 | Thứ Ba, 18/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã chủ động chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có múi có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Tiêu biểu là mô hình trồng chanh tứ mùa của anh Lê Quang Hoản ở thôn Sen Thượng 1, xã Sen Thủy.
 
Trong chuyến đi miền Nam để tìm hiểu, học cách phát triển kinh tế vườn, anh Hoản được tham quan nhiều vườn mẫu trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Đặc biệt, anh rất tâm đắc với giống chanh tứ mùa cho quả quanh năm. Vì thế, ý tưởng về phát triển mô hình trồng chanh tứ mùa nhen nhóm trong anh.
 
Anh Hoản cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy, trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có nhiều mô hình cây ăn quả cho thu nhập cao với các loại cây trồng chủ yếu, như: ổi, cam, dưa lưới…Tuy nhiên, chỉ có cây chanh tứ mùa là chưa có ai trồng đại trà. Cây chanh truyền thống cho 1 vụ quả trong năm, giá bán chưa cao, trong khi nhu cầu sử dụng chanh trên thị trường diễn ra quanh năm.Từ suy nghĩ đó, tôi đưa cây chanh tứ mùa từ miền Nam về trồng”.
Chanh tứ mùa quả to, mọng nước, có vị chua thanh và mùi thơm đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng
Chanh tứ mùa quả to, mọng nước, có vị chua thanh và mùi thơm đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng
Năm 2017, anh mạnh dạn cải tạo 0,5ha diện tích đất vườn đồi sang trồng thử nghiệm 150 gốc chanh tứ mùa. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc nên cây chanh tứ mùa phát triển tốt. Sau 1 năm, vườn chanh đã cho thu hoạch, khác với chanh truyền thống, chanh tứ mùa cho thu hoạch quanh năm, trong đó, có 2 vụ chính từ tháng 12 đến tháng 2 và tháng 4 đến tháng 7.
 
Mỗi năm, vườn chanh của anh cho thu hoạch trên 2,5 tấn, quả to, mọng nước, có vị chua thanh và mùi thơm đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Chanh chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố khác, như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng. Giá bán giao động từ 15-40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm, anh thu lãi hơn 50 triệu đồng.
 
Anh Hoản cho biết thêm: “Hiện có rất nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản sạch muốn ký hợp đồng cung cấp chanh thường xuyên, tuy nhiên, vì không đủ số lượng nên tôi từ chối. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thêm 1 ha, trồng 1.000 cây, hàng cách hàng 4m, cây cách cây 3m, tôi tính nhẩm, 3 năm sau sẽ thu khoảng 1 tỷ, trừ chi phí lãi 500 triệu đồng, gấp 10 lần so với trồng rừng”.
 
Kết quả bước đầu của mô hình trồng chanh tứ mùa của gia đình anh Lê Quang Hoản ở thôn Sen Thượng 1, xã Sen Thủy, sẽ mở ra hướng phát triển và làm giàu mới cho người nông dân từ việc cải tạo vườn đồi để trồng các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để mô hình phát huy hiệu quả hơn và có thể nhân rộng, vẫn rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn cũng như quy hoạch vùng trồng và đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm.
 
Vân Anh
(Đài TT - TH Lệ Thủy)