Bố Trạch: Vào mùa xuống giống cây dược liệu...

  • 08:27 | Thứ Năm, 27/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khác với những năm trước, mùa xuân năm nay, khi các loại cây trồng đang đơm hoa kết trái, trên những vùng đất đồi khắc nghiệt của huyện Bố Trạch, người dân cũng đang vào mùa xuống giống các loại cây dược liệu quý...
 
Với diện tích đất gò đồi phía Tây khá rộng lớn, những năm qua, huyện Bố Trạch đã khẳng định được hướng đi đúng khi đưa vào trồng thử nghiệm các loại giống cây dược liệu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn. Một số loại cây trồng kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt được người dân dần thay thế và mở rộng diện tích trồng các loại dược liệu quý. Sau thời gian trồng thử nghiệm, đầu năm 2020, các mô hình trồng dược liệu trên địa bàn Bố Trạch đồng loạt xuống giống với diện tích khá lớn.
 
Các mô hình trồng dược liệu trên địa bàn huyện Bố Trạch đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Các mô hình trồng dược liệu trên địa bàn huyện Bố Trạch đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Một trong những mô hình trồng dược liệu phát triển sớm, đưa lại hiệu quả kinh tế cao là mô hình ở Hợp tác xã dược liệu và kinh doanh nông nghiệp sạch xã Cự Nẫm (HTX dược liệu Cự Nẫm). Năm nay, trên vùng đất đồi ở xã Cự Nẫm, nhiều hộ dân đã đầu tư mở rộng, xuống giống hàng trăm nghìn gốc cà gai leo. Không còn bao lâu nữa, màu xanh mát của cây dược liệu sẽ phủ xanh vùng đất đồi vốn khô khốc nơi đây.
 
Vào những ngày đầu tháng 2-2020, tranh thủ thời tiết tương đối thuận lợi, HTX dược liệu Cự Nẫm đã mở rộng diện tích trồng dược liệu trên khu đất mới hơn 3ha, xuống giống khoảng 130.000 gốc cà gai leo. Dự kiến, đến tháng 7 năm nay sẽ cho thu hoạch. Hiện, đã có thêm 3 hộ gia đình ở xã Vạn Trạch, Hưng Trạch đăng ký với HTX để tiến hành trồng loại dược liệu được thị trường ưa chuộng này. Trong tháng 3-2020, HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng 1ha cà gai leo, 1ha dây thìa canh và các cây dược liệu khác, như: lạc tiên, đinh lăng, chè vằng tại các xã Phú Định, Sơn Trạch...
 
Chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX dược liệu Cự Nẫm cho biết, từ 0,5ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, HTX đã liên kết với 30 hộ dân trên địa bàn trồng trên 14ha cây cà gai leo và đều đang sinh trưởng phát triển tốt; mỗi năm thu hoạch 2 vụ, sản lượng 20 tấn thô/năm. Qua quy trình chế biến công phu, bảo đảm sạch, cứ mỗi tấn dược liệu thô sẽ cho khoảng 1.500 lọ cao (dung tích 100ml), giữ nguyên giá trị dược liệu.
 
Ngoài sản phẩm cao cà gai leo, HTX dược liệu Cự Nẫm còn trồng và sản xuất các loại dược liệu khác, như: cao lạc tiên dành cho người mất ngủ; cao lá vằng cho phụ nữ và viên tinh nghệ mật ong... HTX đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh các loại sản phẩm dược liệu. Thông qua các hội chợ giới thiệu sản phẩm, HTX cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp thức uống cho các văn phòng, doanh nghiệp… và các cửa hàng thực phẩm sạch, hiệu thuốc tây tại Đồng Nai, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
 
Từ số vốn ban đầu không nhiều, đến nay, HTX dược liệu Cự Nẫm đã có nguồn vốn trên 2 tỷ đồng; cơ sở vật chất, như: máy móc thiết bị và nhà xưởng..., trị giá trên 1 tỷ đồng. Quan trọng hơn, HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động thường xuyên và 25 lao động thời vụ ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.
 
“Thời gian sản xuất chưa nhiều, nhưng HTX dược liệu xã Cự Nẫm cũng đã chuyển giao thành công kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà gai leo cho các hộ dân ở xã Xuân Trạch, Hòa Trạch. Và để tạo điều kiện cho những người dân có tiềm năng về đất đai và nhu cầu sản xuất nhưng không đủ vốn, HTX sẽ cho ứng trước nguồn vốn và hỗ trợ giống cây trồng để tổ chức sản xuất; đồng thời thực hiện cam kết cùng các hộ sản xuất nhận cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm”, chị Nguyễn Thị Giang chia sẻ thêm.
 
Tại xã Sơn Lộc, mô hình trồng sâm Bố Chính của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Quảng Bình (Công ty Nông nghiệp xanh) tiếp tục khẳng định được sức sống của cây dược liệu quý trên vùng đất khó của huyện Bố Trạch.Ông Phan Văn Tiến, đại diện Công ty, cho hay, trước đây, diện tích này chủ yếu trồng cao su, nhưng do thời tiết, khí hậu không thuận nên Công ty đã nghiên cứu và quyết định chuyển đổi sang trồng dược liệu. Những năm trước, Công ty tiến hành thử nghiệm các mô hình trồng cây dược liệu. Đầu năm nay, Công ty đã đầu tư xuống giống 9ha sâm Bố Chính, 1ha cà gai leo. Dự kiến, trong thời gian tiếp theo, sẽ xuống giống 10ha cà gai leo, 2ha kim tiền thảo và 1ha chè vằng. Từ mô hình này, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động và 20 lao động thời vụ, mức lương trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng.
 Công ty Nông nghiệp xanh ở Sơn Lộc hoàn tất việc xuống giống 9ha sâm Bố Chính.
Công ty Nông nghiệp xanh ở Sơn Lộc hoàn tất việc xuống giống 9ha sâm Bố Chính.
Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, toàn huyện hiện có gần 100ha cây dược liệu, trong đó, có 30ha thuộc danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2016-2020, gồm: cà gai leo, chè hòe, đinh lăng, kim tiền thảo và ba kích. Trên địa bàn huyện cũng đã thành lập 5 tổ hợp tác trồng cây dược liệu, 1 cơ sở sản xuất, cung ứng cây giống dược liệu và 3 cơ sở tham gia trồng, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu; thu nhập bình quân của các hộ tham gia trồng cây dược liệu đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm.
 
Đánh giá về hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Các mô hình thử nghiệm cho thấy điều kiện thổ nhưỡng ở Bố Trạch phù hợp với các loại cây dược liệu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phần lớn diện tích trồng cây dược liệu ở huyện Bố Trạch đều đã có sự liên kết và hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu ra luôn ổn định. Hiện nay, thị trường rất ưa chuộng tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ dược liệu, điều này sẽ mang lại nguồn thu nhập khá, lâu dài cho bà con. Trong thời gian tới, Bố Trạch sẽ có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển, nhân rộng, mở rộng các mô hình trồng các loại dược liệu quý; đặc biệt là đối với diện tích đất đồi ở các xã, thị trấn phía Tây của huyện, như: Phú Định, Nông trường Việt Trung, Cự Nẫm, Sơn Lộc...”.
Hương Trà