Bố Trạch: Tích cực hỗ trợ các mô hình sản xuất mới

  • 14:16 | Thứ Năm, 20/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ nguồn vốn khuyến nông, khuyến ngư của huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bố Trạch đã tích cực hỗ trợ người dân đầu tư phát triển các mô hình sản xuất mới, hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình trồng keo nuôi cấy mô được kỳ vọng là bước đi đột phá trong trồng rừng gỗ lớn ở Bố Trạch.
Mô hình trồng keo nuôi cấy mô được kỳ vọng là bước đi đột phá trong trồng rừng gỗ lớn ở Bố Trạch.
Được hỗ trợ 50% giống và phân bón trị giá gần 40 triệu đồng, nên sau khi thu hoạch xong giống keo được trồng bằng kỹ thuật hom, gia đình bà Hoàng Thị Liệu ở thôn Tròn, xã Vạn Trạch đã quyết định chuyển sang trồng keo nuôi cấy mô. Mặc dù thời gian thu hoạch dài hơn, nhưng theo đánh giá của cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bố Trạch, mô hình trồng keo bằng nuôi cấy mô dự kiến sẽ cho năng suất cao, lợi nhuận lớn hơn nhiều so vớigiống keo được trồng bằng kỹ thuật hom. Bên cạnh đó, giống keo nuôi cấy mô cũng có những đặc điểm vượt trội, đáp ứng yêu cầu rừng trồng sản xuất gỗ lớn.
 
Theo bà Liệu, so với giống keo được trồng bằng kỹ thuật hom, thì keo nuôi cấy mô có tỷ lệ sống cao hơn, cây phát triển nhanh hơn, chống chịu được với thời tiết khắc nghiệt. Hiện nay, nhiều gia đình trên địa bàn cũng đã bắt đầu chuyển sang trồng keo nuôi cấy mô.
 
Xuân Trạch là địa phương có nhiều đồi núi, có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào và các điều kiện về thổ nhưỡng, môi trường để phát triển đàn dê sinh sản. Sau một thời gian khảo sát, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bố Trạch đã hỗ trợ 12 con dê sinh sản cho 2 hộ dân trên địa bàn xã Xuân Trạch. Đến nay, đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, một số dê cái đã bắt đầu sinh sản.
 
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ phát triển đàn dê sinh sản ở xã Xuân Trạch là hướng đi khá phù hợp. Bởi với các yếu tố tự nhiên thuận lợi, Xuân Trạch đã trở thành địa phương có đàn dê sinh sản lớn nhất huyện Bố Trạch với hơn 300 con. Đây cũng là đối tượng được địa phương chọn để phát triển "mỗi xã một sản phẩm"-OCOP. Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, cho hay: "Xác định dê núi là sản phẩm chủ lực, chúng tôi đang cố đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển đàn dê nhằm cung cấp nguồn thực phẩm cho một số địa bàn lân cận và khách du lịch".
 
Vài năm trở lại đây, gần 20 mô hình kinh tế mới đã được huyện Bố Trạch triển khai, trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả khá cao, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập và bắt đầu được nhân rộng tại một số địa phương khác. Ông Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bố Trạch cho biết, bằng nguồn kinh phí của tỉnh và huyện, trong năm 2020 này, Trung tâm đã phối hợp một một số công ty giống triển khai xây dựng mô hình giống lúa mới có nhiều triển vọng, như: TBR 279, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, Đài Thơm 8… Hiện nay, các mô hình này đang sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Cũng theo ông Vinh, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Với số vốn ít ỏi, mỗi năm khoảng 100 triệu đồng, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện chỉ hỗ trợ được vài mô hình có quy mô nhỏ, những mô hình có quy mô lớn, công nghệ cao rất khó thực hiện nếu không được sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành.
 
Thành Vinh
Đài TT-TH Bố Trạch