Start-up Quảng Bình… xuất ngoại!

  • 08:51 | Thứ Tư, 29/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với những người trẻ, nuôi dưỡng và biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa thỏa sức khát khao cống hiến cho cộng đồng và đó là cả một quá trình lâu dài, bền gan với đam mê, thách thức. Trong hơn 400 mô hình khởi nghiệp của Quảng Bình thời gian qua, không ít bạn trẻ đã mạnh dạn "nghĩ lớn", không chỉ phát triển thị trường nội địa mà còn vươn đến "chân trời" ngoại quốc. Quan trọng hơn, họ đã biết gắn kết, tập hợp, tương trợ lẫn nhau để cùng lan tỏa mạnh mẽ thông điệp khởi nghiệp.
 
Hơn 3 năm qua, những chiếc ống hút tre nhỏ nhắn của thương hiệu Nông trại An Mã (Bamboo Straws from A.M Farm) đã có cơ hội chu du khắp trời Tây, từ châu Mỹ, châu Âu rồi cả nước Úc xa xôi (hơn 20 nước). Dù điểm đến là đâu, cây ống hút nhỏ bé không chỉ mang đến thông điệp xanh từ mảnh đất miền Trung nắng gió, mà còn "chuyên chở" cả "giấc mơ" của cô gái nhỏ nhắn Hoàng Thị Thủy (SN 1989, Văn Thủy, Lệ Thủy). Khởi điểm cách đây ba năm, từ một lần lang thang trên mạng tìm thông tin, Thủy nhận thấy nhu cầu mạnh mẽ của thị trường thế giới về ống hút tre-vật dụng thân thiện với môi trường. Đón đầu xu hướng sử dụng vật liệu xanh này, Thủy nung nấu theo đuổi và đạt được những thành công bất ngờ.
 
Đơn hàng xuất khẩu đầu tiên với 6.000 ống hút tre đi nước Anh vào tháng 7-2018 để lại những ấn tượng khó quên với Thủy và cộng sự. Tất nhiên, để có được đơn hàng này là biết bao tâm huyết mà Thủy cùng đội ngũ đã bỏ ra để quảng bá, giới thiệu thông tin trên Facebook, khảo sát, thử nghiệm với những đơn hàng nhỏ lẻ…
 
Để hoàn thành đơn hàng, cô và những người bạn hầu như thức xuyên đêm, cập nhật từng khâu thực hiện cho khách hàng, từ chọn lựa cây tre đủ độ tuổi, theo đúng kích cỡ yêu cầu; cắt đoạn tre; chà lớp vỏ bụi, mài ống; phơi khô và sấy ống cho đến đóng gói sản phẩm, xuất xưởng.
 
Với vốn tiếng Anh của mình, Thủy phải tự tìm hiểu các quy trình xuất khẩu sản phẩm. Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ đối tác nước bạn, đơn hàng đầu tiên đã được chấp nhận, sản phẩm ống hút tre đã tạo được niềm tin với khách hàng, đồng thời mở ra một "chân trời" xuất khẩu.
 
Kinh nghiệm rút ra từ đơn hàng này đối với Thủy và các cộng sự chính là vai trò quan trọng của tác phong chuyên nghiệp trong công việc; sự tỉ mỉ, cẩn trọng với từng khâu, công đoạn, đặc biệt luôn phải minh bạch mọi thông tin về sản phẩm. 
Nhiều máy móc hiện đại được A.M Farm đầu tư để mang lại những sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật khắt khe.
Nhiều máy móc hiện đại được A.M Farm đầu tư để mang lại những sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật khắt khe.
Đơn hàng "khó nhằn" nhất, có lẽ là của một khách hàng đến từ nước Pháp với hơn 20.000 ống hút tre vào giữa năm 2019. Khách hàng rất kỹ tính, yêu cầu rất cao, không chỉ đòi hỏi cập nhật thông tin từng khâu, công đoạn mà còn khắt khe ở giai đoạn đóng gói. Thủy và các bạn của mình đã phải tỉ mẩn làm sạch, đóng gói riêng từng lô ống để khách hàng hài lòng. Và cuối cùng, lô hàng được xuất khẩu trong niềm vui vỡ òa của Thủy sau nhiều đêm thức trắng.
 
Thành công từ ống hút tre, nhận thấy đây là trào lưu có thể thoái trào, Thủy mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều sản phẩm hợp thời, thân thiện với môi trường, như: túi vải, bút tre, lọ hoa tre, cốc tre… và nhất là ý tưởng dài hơi xây dựng A.M Farm thành nông trại sinh thái du lịch trong tương lai.
 
Thủy chia sẻ, để ý tưởng khởi nghiệp xuất ngoại không phải là điều dễ dàng, nhưng nếu dám nghĩ lớn, dám mạnh dạn thực hiện thì không gì là không thể. Sắp tới, Thủy và cộng sự sẽ hoàn thiện các thủ tục để đưa sản phẩm của A.M Farm lên trang bán hàng trực tuyến của Amazon (Hoa Kỳ), Taobao (Trung Quốc)…
A.M Farm của Hoàng Thị Thủy tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương.
A.M Farm của Hoàng Thị Thủy tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương.
Đó cũng là suy nghĩ của Trần Mạnh Thịnh (SN 1988, TP. Đồng Hới), Giám đốc Công ty TMDV Mai Thịnh. Quyết định về quê khởi nghiệp sau 5 năm trời công tác tại một Viện nghiên cứu thủy sản ở Nha Trang, "lăn lộn" với thị trường thủy sản ở một số công ty phía Nam, Thịnh hiểu rằng, để tìm đường xuất ngoại cho ý tưởng khởi nghiệp là cả một quá trình lâu dài và gian khó. Lựa chọn con cá chình-"vua nước ngọt", nhưng vẫn còn khá xa lạ với người dân Quảng Bình để khởi nghiệp đã là lựa chọn táo bạo và tiếp đó, "ôm ấp" giấc mơ xuất khẩu cho loại cá này lại càng "không tưởng" hơn, Thịnh thổ lộ.
 
Thành lập Công ty vào tháng 3-2018, Thịnh quyết tâm xây dựng chuỗi giá trị cá chình ở Quảng Bình. Công ty của Thịnh chuyên cung cấp giống cá chình, đồng thời, tư vấn kỹ thuật, cách thức chăm sóc cho người dân và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Âm thầm, lặng lẽ triển khai, đến nay, Thịnh đã bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ dân nuôi cá chình ở Tiến Hóa (Tuyên Hóa), Nhân Trạch, Đại Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch), Mỹ Thủy (Lệ Thủy)… Hiện, Thịnh liên kết với 7 nhà phân phối thủy sản rộng khắp cả nước và sở hữu 2 cửa hàng kinh doanh thủy hải sản sạch ở TP. Đồng Hới và TX. Ba Đồn.
 
Tuy nhiên, để sản phẩm cá chình có thể xuất khẩu, Thịnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn và dự tính phải mất từ 1,5 đến 2 năm nữa, "giấc mơ" này mới thành hiện thực. Anh sẽ phải gỡ "nút thắt" ở các giấy tờ kiểm định chất lượng, bảo đảm số lượng lớn cá đủ cung cấp cho thị trường xuất khẩu, xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu… Thịnh đang gấp rút hoàn thiện với những định hướng rõ ràng và kỳ vọng sẽ không lâu nữa, "cá chình tiến vua" sẽ xuất hiện trên bàn ăn của các thị trường khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Anh Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Cộng đồng khởi nghiệp Quảng Bình cho biết, những ý tưởng dám nghĩ khác, làm lớn như Thủy và Thịnh chính là hình mẫu để các mô hình khởi nghiệp khác noi theo. Nhiều mô hình khởi nghiệp của Quảng Bình rất có tiềm năng xuất ngoại, như: ẩm thực, nuôi trồng thủy sản, mộc mỹ nghệ…
 
Để hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp giàu tiềm năng, Cộng đồng khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ tích cực mảng đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành viên, đồng thời, thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể để giúp sức cho các hội viên tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
 
Đặc biệt, mới đây, website thương mại điện tử chuyên giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp Quảng Bình đã chính thức hoàn thiện và góp phần trở thành một kênh quảng bá hiệu quả, vươn tầm thế giới. Tín hiệu vui là những người trẻ Quảng Bình đã không còn "đơn độc", họ đã biết cách liên kết, gắn bó, tương trợ và cùng hướng đến những mục tiêu xa hơn.
Mai Nhân