Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị:

Nâng tầm giá trị nông sản Tuyên Hoá

  • 08:56 | Thứ Hai, 20/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được xem là hướng đi hiệu quả giúp người nông dân huyện miền núi Tuyên Hóa nâng cao giá trị sản phẩm bền vững. Đặc biệt, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ hiện nay, liên kết là nhu cầu tất yếu, đóng vai trò quyết định đối với lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản.
 
Với 1ha đất vườn đồi, trước đây, gia đình anh Trần Ngọc Hợp, ở thôn Tân Sơn, xã Sơn Hóa dùng để trồng cây keo và sắn nguyên liệu, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 20 đến 25 triệu đồng. Năm 2019, được tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Hợp đã đăng ký tham gia dự án xây dựng chuỗi giá trị cà gai leo do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa triển khai.
 
Tham gia dự án này, từ tháng 10-2019, anh Trần Ngọc Hợp đã trồng được 80.000 gốc cà gai leo. Qua hơn 3 tháng trồng và chăm sóc, đến nay, diện tích cà gai leo của anh Hợp đang phát triển tốt, dự kiến sẽ thu hoạch vụ đầu tiên vào tháng 3-2020.
 
Anh Trần Ngọc Hợp cho biết: “Trồng cây cà gai leo tương đối dễ. Chỉ cần chọn giống tốt và thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn thì cây phát triển tốt. Cây cà gai leo có thể lưu gốc đến 2 năm nên chỉ trồng một lần mà thu hoạch được nhiều vụ. Chúng tôi cũng không lo đầu ra vì đã có hợp tác xã ký kết bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là 30.000 đồng/kg cây cà gai leo khô hoặc 7.000 đồng/kg cây tươi”. 
Mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cà gai leo của anh Lê Đức Hà, thôn Xuân Tổng, xã Văn Hóa hứa hẹn mang lại hiệu quả cao.
Mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cà gai leo của anh Lê Đức Hà, thôn Xuân Tổng, xã Văn Hóa hứa hẹn mang lại hiệu quả cao.
Cũng như gia đình anh Trần Ngọc Hợp, năm 2019, anh Lê Đức Hà, ở thôn Xuân Tổng, xã Văn Hóa đã mạnh dạn đầu tư trồng cây cà gai leo ở đồng Rì Rì. Trong quá trình trồng, anh Hà đã đăng ký tham gia chuỗi giá trị cà gai leo do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa triển khai.
 
Anh Hà cho biết, đồng Rì Rì là vùng biền bãi dọc sông Gianh, đất pha cát nhiều nên các loại cây trồng khó phát triển. Trước đây, người dân chỉ trồng ngô một vụ sau đó bỏ hoang cả năm. Nhận thấy vùng đất này phù hợp trồng cà gai leo, nên năm 2019 anh Hà đã thuê lại 7 ha của người dân trong xã. Hiện nay, anh đã trồng được 3ha cà gai leo đang phát triển tốt. Dự kiến, năm sau anh Hà sẽ trồng hết diện tích còn lại.
 
Hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 5 hộ tham gia dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cà gai leo với tổng diện tích 6ha, sản lượng thu hoạch ước tính từ 12 đến 15 tấn/vụ.
 
Theo ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa, cà gai leo là loại cây dược liệu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Tuyên Hóa. Dự tính, cứ mỗi ha cà gai leo cho thu nhập 60 triệu đồng/vụ, mỗi năm thu được hai vụ, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số cây trồng truyền thống. Các hộ dân tham gia dự án được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ một phần về giống, phân bón, kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm. Trung tâm đã ký kết hợp đồng với Hợp tác xã Phúc Đồng, có địa chỉ ở huyện Bố Trạch để cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Gia đình ông Trần Xuân Hợi, thôn Đồng Tâm, xã Nam Hóa được bao tiêu đầu ra cho gà thịt khi tham gia dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Gia đình ông Trần Xuân Hợi, thôn Đồng Tâm, xã Nam Hóa được bao tiêu đầu ra cho gà thịt khi tham gia dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Gia đình ông Trần Xuân Hợi ở thôn Đồng Tâm, xã Nam Hóa chăn nuôi gà từ nhiều năm nay nhưng do kỹ thuật còn hạn chế, đầu ra không ổn định nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019, ông Hợi được tham gia dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gà do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa triển khai. Qua quá trình thực hiện, ông Hợi nhận thấy, khi tham gia chuỗi giá trị này, người chăn nuôi sẽ được hưởng nhiều lợi ích cũng như yên tâm hơn để phát triển sản xuất.
 
Ông Hợi cho hay, ngoài được hỗ trợ một phần về giống, thức ăn, tập huấn kỹ thuật,trong quá trình nuôi, người dân còn được cán bộ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp nên tỷ lệ gà sống cao, phát triển ổn định. Đặc biệt,  gia đình đã được ký hợp đồng bao tiêu đầu ra nên chúng tôi rất tin tưởng, yên tâm sản xuất.
 
Với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2019 huyện Tuyên Hóa đã đầu tư 3,4 tỷ đồng để triển khai 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gồm: cà gai leo, cây ăn quả có múi, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi gà đồi và chăn nuôi bò lai.
 
Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị có tiềm năng trên địa bàn nhằm góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo chương trình OCOP; qua đó, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, giúp người dân áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, tổ chức sản xuất theo hợp đồng, tránh tình trạng được mùa, mất giá.
X.Phú