Không cho đất nghỉ...

  • 07:44 | Chủ Nhật, 12/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hồng Thủy được biết đến là vùng trồng rau màu lớn của huyện Lệ Thủy, chuyên cung cấp cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Với diện tích 210 ha đất cát pha màu, xã hiện tập trung phát triển sản xuất, đa dạng hóa các loại rau màu theo hướng công nghệ cao. Dù vất vả, nhưng những người nông dân Hồng Thủy vẫn cần mẫn chăm chỉ với cây rau, góp phần nâng cao thu nhập.
 
Đất không phụ công người
 
Ông Châu Văn Sông, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đã tạo nên những cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Toàn xã hiện có 210 ha đất tập trung phát triển rau màu, trong đó, 169 ha có giá trị thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, 14 ha trồng hoa cho thu nhập 250 triệu đồng/ha/năm, 55 ha trồng khoai lang cho thu nhập 100-110 triệu đồng/ha/năm. Nhờ biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân ở đây quanh năm trồng rau theo hình thức thâm canh, xen vụ, gối vụ, mỗi năm quay vòng từ 8-9 vụ (tùy loại rau), hệ số sử dụng đất của xã lên tới 3-4 lần/năm”.
Những cánh đồng rau xanh mướt đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân Hồng Thủy.
Những cánh đồng rau xanh mướt đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân Hồng Thủy.
Đất pha cát ở Hồng Thủy rất phù hợp với thâm canh rau màu, cho nên người dân không bao giờ để đất nghỉ. Hôm nay thu hoạch xong, ngày mai trồng ngay lứa khác. Ranh giới giữa thời vụ chính xuân-hè, hè-thu và vụ đông hàng năm bị xóa nhòa. Mỗi m2, có thể thu hoạch được tiền triệu/năm, do đó, dù đất sản xuất hay đất vườn, người dân tận dụng từng cm để trồng rau. Các loại rau được trồng rất đa dạng, từ cây gia vị đến khoai, mướp đắng, su hào...
 
Người trồng rau ở đây chẳng khác gì "nuôi con mọn". Từ sáng sớm, người nông dân đã phải ra đồng làm đất, nhổ cỏ, tưới nước..., công việc luôn tay. Có lẽ, thấu hiểu được những khó nhọc, vất vả của người nông dân mà cánh đồng rau màu cũng tươi tốt hơn. Người dân trồng rau theo nhu cầu của thị trường, mùa nào cây nấy, nông dân không cho đất nghỉ nên đồng ruộng bốn mùa xanh tươi. Công sức của họ đã được đền đáp xứng đáng khi mức thu nhập ngày càng được nâng cao.
 
Đặc biệt, hiện nay, nhiều hộ trồng rau trên địa bàn xã đều chuyên canh rau theo quy trình sản xuất rau an toàn, lắp đặt hệ thống tưới phun sương nhằm tiết kiệm lượng nước, nhân công lao động, thời gian; sử dụng phân chuồng ủ với nấm vi sinh bón cho rau, hạn chế phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó nâng cao giá trị và sản lượng. Ngoài ra, các hộ còn học hỏi kỹ thuật ươm cây giống nhằm phục vụ cho quá trình phát triển vườn rau, giảm chi phí đầu tư.
 
Ðất chẳng phụ công người, chỉ với vài sào rau màu mà cuộc sống của người dân đã khấm khá, có điều kiện nuôi các con ăn học và tích lũy. Những năm gần đây, nhờ vào đặc thù đồng đất màu mỡ, kinh nghiệm thâm canh của người dân nên cánh đồng rau đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, hiện toàn xã chỉ còn 2,7% hộ nghèo, 4% hộ cận nghèo theo chuẩn mới.
 
Triệu phú rau màu
 
Trồng rau màu đang ngày càng chứng tỏ là hướng đi hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở xã Hồng Thủy. Với giá trị kinh tế cao của rau màu, nhiều nông dân miệt mài gắn bó với đồng ruộng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
 
Người trồng rau màu ở xã Hồng Thủy luôn vất vả, cần mẫn suốt ngày đêm.
Người trồng rau màu ở xã Hồng Thủy luôn vất vả, cần mẫn suốt ngày đêm.

Nhờ trồng rau màu thành công, mỗi năm, gia đình anh Nguyễn Thế Thuận, chị Phạm Thị Hoa, thôn An Định thu nhập gần 100 triệu đồng. Gia đình anh chị có 5 sào đất, mỗi năm trồng 8-9 vụ rau nối tiếp nhau với các loại rau chủ yếu là cải ngọt, cải mầm, su hào, hành…, cung cấp cho thị trường gần 10 tấn rau xanh các loại.

Để có được chất lượng rau tốt, an toàn và ít sâu bệnh, trong quá trình chăm sóc, gia đình anh chị luôn thực hiện khoa học quy trình sản xuất từ khâu làm đất, lựa chọn cây giống phù hợp cho đến kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, anh chị còn thực hiện trồng rau cùng thời điểm, cùng cây giống và cùng sử dụng chế phẩm sinh học nhằm bảo đảm khung lịch thời vụ. Vì thế, năng suất, chất lượng rau của anh chị bảo đảm các tiêu chí, như: an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân tươi tưới cho rau.

Vụ đông năm nay, gia đình anh chị trồng hơn 10.000 cây hoa cúc và hơn 3 sào cây hành, ngò nhằm cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Vừa tưới nước cho cánh đồng rau màu đang lên xanh tốt, chị Hoa vui vẻ chia sẻ: “Năm nay, do mưa bão nên chúng tôi xuống giống chậm hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, nếu thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định, chúng tôi sẽ có một cái Tết đầy đủ và đầm ấm”. Nhờ trồng rau mà kinh tế gia đình anh Thuận chị Hoa đã khá giả hơn, nuôi 4 con ăn học, trưởng thành.
 
Không riêng gì gia đình anh Thuận, chị Hoa, nhiều gia đình ở xã Hồng Thủy cũng nhờ rau màu mà kinh tế ổn định, vươn lên làm giàu, như: gia đình anh Lê Suýt, chị Phạm Thị Hiền ở thôn Mốc Thượng 2, gia đình anh Phạm Kế ở thôn Mốc Định, gia đình anh Nguyễn Văn Thuận ở thôn Đồng Hải…
 
Ông Châu Văn Sông cho biết thêm, tuy nhiên, để vùng chuyên canh rau màu phát triển bền vững, vấn đề mấu chốt vẫn là đầu ra, là thị trường. Bởi trong vòng đời của cây rau, từ khi xuống giống cho đến lúc bước vào bếp nấu ăn của các gia đình thì người dân chỉ chủ động được công đoạn xuống giống, chăm bón đến lúc thu hoạch còn hậu thu hoạch hầu như phụ thuộc vào thương lái và thị trường. 
 
Phạm Hà