Chuyện quản lý:

Tự tin OCOP!

  • 14:24 | Thứ Sáu, 31/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (tên tiếng Anh là One commune one product, gọi tắt là OCOP) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (trong đó, ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
 
Thông qua chương trình này nhằm từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo tồn giá trị truyền thống riêng có của làng quê trong cả nước.
 
Sản phẩm dầu lạc nguyên chất Nông Việt do Công ty TNHH Diến Hồng (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa) sản xuất là 1 trong 24 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng.
Sản phẩm dầu lạc nguyên chất Nông Việt do Công ty TNHH Diến Hồng (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa) sản xuất là 1 trong 24 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng.

Để thực hiện OCOP, tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành đề án giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030, triển khai tại 136 xã khu vực nông thôn với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng (2018-2020).

Mục tiêu của đề án đến năm 2020 là hình thành hệ thống OCOP từ tỉnh đến xã theo hướng gọn nhẹ; đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý, sản xuất kinh doanh cho cán bộ quản lý Nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất; phát triển mới và củng cố các cơ sở kinh tế sản xuất sản phẩm OCOP... Và, phấn đấu đến năm 2030, OCOP sẽ trở thành phong trào thi đua khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh có sức lan tỏa trong toàn tỉnh.

Với hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản khá đa dạng, đến nay, toàn tỉnh đã có 24 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng, trong đó, có 1 sản phẩm 4 sao (trà nấm linh chi Tuấn Linh) và 23 sản phẩm 3 sao (hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP có 5 hạng sao).
 
Cụ thể các sản phẩm này, bao gồm: thị xã Ba Đồn có tỏi đen Quang Minh (phường Ba Đồn), đũa gỗ Quảng Thủy (xã Quảng Thủy); huyện Quảng Trạch có dầu lạc nguyên chất Trường Thủy (xã Quảng Trường), bánh mè xát Tân An (xã Quảng Thanh); huyện Minh Hóa có dầu lạc nguyên chất Nông Việt (thị trấn Quy Đạt); huyện Tuyên Hóa có mật ong Tuyên Hóa (thị trấn Đồng Lê), mật ong Thanh Hóa (xã Thanh Hóa), đồ thủ công mỹ nghệ trang trí Vân Sơn (xã Kim Hóa); huyện Quảng Ninh có thịt thỏ Ruby (xã Vạn Ninh), cá bờm trắng, tôm khô, khoai deo Như Mận, nước mắm cá (xã Hải Ninh); huyện Lệ Thủy có gạo sạch Lệ Thủy (xã An Thủy), khoai gieo Lâm Hường (xã Thanh Thủy); huyện Bố Trạch có cao cà gai leo Thanh Bình (xã Cự Nẫm), trà túi lọc cà gai leo HNT (xã Sơn Lộc), hạt tiêu Phú Quý (thị trấn nông trường Việt Trung), rau sạch An Nông (xã Hòa Trạch), rượu sim Xuân Hưng (xã Mỹ Trạch), trà rau má, trà nấm linh chi Tuấn Linh (xã Sơn Lộc) và TP. Đồng Hới có rượu sim Hùng Nhung, khoai gieo Hải Ninh, đều ở phường Bắc Lý.
 
Đây là kết quả đáng ghi nhận của hệ thống vận hành OCOP từ tỉnh đến cơ sở, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
 
Tuy nhiên, để duy trì thứ hạng sản phẩm sau 3 năm kể từ ngày có quyết định công nhận, các sản phẩm OCOP này cần được quản lý chặt chẽ bằng kiến thức và chuyên môn sâu, thực hiện logo nhận diện thương hiệu và đăng ký bản quyền sản phẩm cũng như tổ chức kiểm tra định kỳ hàng năm đối với sản phẩm...
 
Trần Minh Văn