Xã Thượng Hóa:

Đổi thay nhờ mô hình trồng rừng và chăn nuôi

  • 08:56 | Thứ Tư, 04/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế địa hình đồi núi, đồng cỏ tự nhiên rộng lớn ở địa phương, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) đã xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng từ mô hình trồng rừng, phát triển chăn nuôi.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn cho biết: “ĐBDTTS ở xã Thượng Hóa trước đây chủ yếu sống bằng việc phát nương, làm rẫy và trồng sắn, ngô, vì vậy, cuộc sống luôn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 100%. Hàng năm, Nhà nước phải hỗ trợ lương thực từ 3 đến 6 tháng, sản xuất và chăn nuôi lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp.

Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao KHKT trồng trọt và chăn nuôi, nhiều hộ ĐBDTTS đã đầu tư phát triển mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi”.

Thượng Hóa có tổng diện tích tự nhiên 35.474 ha, có 6 thôn, 4 bản với 808 hộ và 3.576 khẩu. ĐBDTTS của xã có 217 hộ, 919 khẩu (chủ yếu là người: Sách, Rục, Khùa, Mày, ARem...), sinh sống tập trung ở 4 bản: Phú Minh, Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ.

Từ mô hình chăn nuôi, ông Trần Xuân Tư có thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Từ mô hình chăn nuôi, ông Trần Xuân Tư có thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Với lợi thế địa hình đồi núi và đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, đồng thời, thực hiện chủ trương của huyện Minh Hóa về trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, thôn, bản xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện.

Đảng ủy, UBND xã đã xác định rõ trồng rừng và chăn nuôi là thế mạnh của địa phương, đặc biệt là với ĐBDTTS ở 4 bản. Riêng trong năm 2019, từ nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình 30a được phê duyệt là 995.000.000 đồng (trong đó nguồn ngân sách Nhà nước 90.000.000 đồng và nguồn huy động từ đối tượng tham gia dự án 405.000.000 đồng), trên cơ sở lấy ý kiến của nhân dân, UBND xã đã xây dựng phương án mua bò giống hỗ trợ cho 81 gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, ĐBDTTS với định mức hỗ trợ 1 con/hộ.

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí thuộc các chương trình:135, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, năm 2019, xã đã mua các loại cây giống, con giống, như: keo, ngô, lúa, ổi, bưởi, bò Lai Sind, dê… để hỗ trợ cho nhân dân. Riêng nguồn kinh phí từ chương trình 135 đã hỗ trợ cho 258 hộ nghèo và 248 hộ cận nghèo trên địa bàn xã.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, cùng với lợi thế điều kiện tự nhiên thuận lợi, sự đầu tư chăm sóc chu đáo của người dân, các loại cây giống và con giống đều sinh trưởng và phát triển tốt, đời sống của ĐBDTTS từng bước được cải thiện. Theo kết quả điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo năm 2019, xã Thượng Hóa hiện còn 21% hộ nghèo (giảm 11,3% so với năm 2018), 41,6% hộ cận  nghèo (giảm 1,6%), có 305 hộ thoát nghèo trong năm, chiếm 37,5%.

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn, chúng tôi tìm về bản Ón để tìm hiểu về mô hình phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi của ông Trần Xuân Tư. Ông Tư chia sẻ: “Năm 2010, sau khi được tuyên truyền, tham gia các lớp tập huấn về trồng rừng, tôi đã mạnh dạn vay 50.000.000 đồng để đầu tư trồng rừng kết hợp chăn nuôi. Trên diện tích đất 4,5ha, tôi đầu tư trồng keo lai kết hợp với chăn nuôi 30 con lợn rừng, 20 con dê, 6 con trâu và gà thả vườn”.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, đến nay, vườn keo của ông đã cho thu nhập 500 triệu đồng; thu nhập từ chăn nuôi lợn rừng, dê, trâu và gà mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ngoài việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Tư luôn hỗ trợ, giúp đỡ bà con về con giống, kỹ thuật trồng rừng kinh tế, kết hợp với chăn nuôi. Từ hộ nghèo, đến nay, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, là hộ dân tiêu biểu trong sản xuất và chăn nuôi giỏi của xã Thượng Hóa.

Sự thành công và hiệu quả kinh tế từ mô hình phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi của ông Trần Xuân Tư đã tạo động lực để cho các hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã làm theo, từng bước xóa bỏ tập quán du canh, du cư, chặt phá rừng làm nương rẫy, nêu cao tinh thần bảo vệ rừng. Đến nay, đa số các hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã đã biết trồng rừng kết hợp với chăn nuôi mang lại thu nhập cho gia đình, từng bước ổn định đời sống.

Trên địa bàn 4 bản hiện có 165 ha rừng kinh tế, 158 con trâu, 360 con bò, trên 180 con lợn và đàn gia cầm 1.105 con. Ngoài trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, các hộ ĐBDTTS ở 4 bản còn nhận khoán tham gia bảo vệ rừng, mỗi năm cho thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/hộ.

Chính quyền xã Thượng Hóa đang tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi hiệu quả, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tư tưởng trong chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực ứng dụng giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

H.Chi