Trồng cỏ trên lèn đá để "chống rét" cho trâu, bò!

  • 08:30 | Thứ Ba, 10/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Để bảo vệ đàn trâu, bò khỏi bị chết rét, người dân ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã nghĩ ra nhiều cách, như: cho bò uống mật ong, nấu cháo cho trâu bò ăn…Những năm gần đây, người dân Tân Hóa còn phát quang những thửa đất ít ỏi trên lèn núi đá để trồng cỏ cho trâu, bò ăn. Vì chỉ khi được ăn no, đàn trâu, bò mới có sức đề kháng để chống chọi với cái rét khốc liệt nơi đây…

Nỗi lo trâu, bò chết rét

Xã Tân Hóa nằm giữa thung lũng bốn bề núi đá, được coi là "rốn lũ" của huyện miền núi Minh Hóa. Hầu như năm nào cũng vậy, người dân Tân Hóa phải hứng chịu những trận lũ lụt, ngập úng…, vì thế, các bãi cỏ dại đều bị vùi lấp, không sống nổi. Sau lũ lụt thường là cái rét thấu xương toát ra từ những dãy núi đá vôi nơi vùng đất khắc nghiệt này. Thức ăn cho đàn trâu, bò càng trở nên ít ỏi.

Ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cho biết, do khí hậu khắc nghiệt như thế nên hầu như năm nào Tân Hóa cũng có tình trạng trâu, bò bị chết rét. Cao điểm như năm 2010, sau trận lũ lịch sử cuốn trôi hơn 600 con trâu, bò, đến mùa rét lại có hơn 200 con trâu, bò của xã Tân Hóa bị chết rét. Năm đó, đàn trâu, bò của xã Tân Hóa xem như bị xóa sổ, phải gây dựng lại từ đầu.

Theo ông Bình, là một xã sản xuất nông nghiệp, đàn trâu, bò có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác giảm nghèo và phát triển của xã. Chính vì vậy, tình trạng trâu, bò bị chết rét hàng năm là nỗi lo không chỉ của các hộ chăn nuôi mà còn là trăn trở chung của chính quyền xã Tân Hóa.

“Trồng được cỏ, có đủ thức ăn cho trâu, bò, bà con không lo chúng chết rét nữa”, bà Trương Thị Kim Ninh (Tân Hóa, Minh Hóa) hồ hởi nói.
“Trồng được cỏ, có đủ thức ăn cho trâu, bò, bà con không lo chúng chết rét nữa”, bà Trương Thị Kim Ninh (Tân Hóa, Minh Hóa) hồ hởi nói.

Hàng năm, chính quyền địa phương và người dân đã tìm đủ mọi cách để chống rét, cứu đàn trâu, bò như: vào rừng cắt cỏ, chặt chuối, nấu cháo cho trâu, bò ăn; may bạt che chắn chuồng trại, “mặc áo” cho trâu, bò; nhiều người còn cho trâu, bò uống cả mật ong…Thế nhưng, do thời tiết quá khắc nghiệt, lũ lụt đã vùi lấp đồng cỏ, cuốn trôi thức ăn dự trữ (rơm)…, nên nhiều năm trước đây, người dân Tân Hóa dù nỗ lực hết mình vẫn phải đắng lòng nhìn “đầu cơ nghiệp” của mình ra đi.

"Ăn no không lo chết rét!"

Đối với người dân Tân Hóa, con trâu, con bò được xem là nguồn tài sản lớn và quý giá. Ngoài việc kéo cày đồng áng, trâu, bò còn là nguồn thu lớn của hầu hết người dân Tân Hóa bằng việc bán bê, nghé hàng năm. Chính vì vậy, không khi nào người dân Tân Hóa chịu ngồi yên nhìn thiên tai lấy đi “cơ nghiệp” của mình, họ luôn tìm mọi cách để giữ lấy đàn trâu, bò.

Trong "cái khó ló cái khôn", những năm gần đây, người dân Tân Hóa nhận ra rằng, cách “chống rét” hiệu quả nhất cho đàn trâu, bò chính là phải cho chúng ăn no. Để bảo đảm đủ nguồn thức ăn cho trâu bò, cách duy nhất là trồng cỏ. Tuy nhiên, do địa bàn xã Tân Hóa là vùng trũng, năm nào, cũng ngập lũ nên việc trồng cỏ ở những cánh đồng của xã là không khả thi. Người dân Tân Hóa đã nghĩ ra cách phát hoang những thửa đất nằm cheo leo trên sườn núi đá vôi dựng đứng để trồng cỏ VA06.

Hiện tại, trên các lèn núi đá bao quanh xã Tân Hóa hầu như không có mảnh đất nào trống, tất cả đều được bà con tận dụng để trồng cỏ. Theo thống kê của UBND xã Tân Hóa, hiện toàn xã trồng trên 30 ha cỏ để làm thức ăn cho đàn trâu bò.

Trên ngọn lèn Cây Ngá, bà Trương Thị Kim Ninh đang cắt cỏ từ đám cỏ mà gia đình bà trồng trong suốt 4 năm nay. Bà Ninh cho biết, gia đình bà có 5 con trâu, ngoài việc cày bừa, mỗi năm, gia đình bà thu được vài chục triệu đồng từ việc bán nghé con. Mấy năm trước, hầu như năm nào, gia đình bà cũng bị tổn thất do trâu chết rét.

Những năm gần đây, cùng với nhiều người dân khác, bà Ninh khai hoang đất trên lèn đá để trồng cỏ, nguồn thức ăn được bảo đảm nên đàn trâu của bà không mất con nào. “Cho chúng ăn no, che chắn chuồng trại cẩn thận thì không lo chúng chết rét nữa mô!”, bà Ninh chia sẻ.

Cũng giống như bà Ninh, ông Cao Văn Bê nhà ở thôn 3 có đến 8 con cả trâu và bò. Ông Bê khai hoang được gần 1.000 m2 đất trồng cỏ ở các lèn núi nên đã đủ nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, không chỉ những ngày mưa lũ, rét buốt mà chủ động quanh năm.

“Xã Tân Hóa hiện có tổng đàn trâu, bò trên 2.000 con. Chủ trương của chúng tôi là ổn định và nâng cao chất lượng đàn trâu, bò cho thật tốt. Có thể nói, từ khi người dân trong xã trồng được cỏ trên các lèn đá núi để chủ động nguồn thức ăn, tình trạng trâu, bò chết rét hàng năm của xã đã giảm đáng kể; thậm chí những năm gần đây, không có con trâu, bò nào của xã bị chết rét nữa …”, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa.

Phan Phương