Lệ Thủy: Đột phá với tiêu chí thủy lợi

  • 08:56 | Thứ Ba, 03/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Xác định thủy lợi là khâu quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời, là tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Lệ Thủy đã chú trọng quan tâm, đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi. Hệ thống thủy lợi được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới còn là cơ sở để huyện Lệ Thủy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

HTX SXKD DVNN Thượng Phong, xã Phong Thủy là một trong những đơn vị đi đầu về sản xuất lúa ở huyện Lệ Thủy với năng suất hàng năm bình quân đạt 75 tạ/ha. Hàng năm, HTX gieo trồng 250ha lúa vụ đông-xuân, trong đó, thực hiện trồng 40ha lúa giống để cung cấp cho Công ty Giống cây trồng Quảng Bình. Để hoàn thành mục tiêu này, HTX quan tâm đầu tư cho hệ thống thủy lợi nội đồng.

Ông Võ Văn Khinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: “Năm 2010, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, HTX Thượng Phong có 50% số kênh mương kiên cố. Đến cuối năm 2014 khi về đích nông thôn mới, con số này tăng lên 75%, bảo đảm đủ tưới tiêu nước cho 100% diện tích lúa trên các cánh đồng. Hiện nay, HTX đang tích cực nâng cấp, tu bổ cho hệ thống thủy lợi, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới”.

Lệ Thủy là huyện trọng điểm lúa, luôn dẫn đầu về diện tích, năng suất và sản lượng lúa của cả tỉnh. Trong kinh nghiệm sản xuất, huyện xác định việc kiên cố hóa kênh mương đóng vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thành công phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chính vì vậy, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi bị hư hỏng để khắc phục, sửa chữa, bảo đảm sản xuất.

Nông dân HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy chăm sóc lúa đông-xuân.
Nông dân HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy chăm sóc lúa đông-xuân.

Tuy nhiên, huyện cũng xác định đây là tiêu chí khó bởi yêu cầu đầu tư lớn, trong khi đó, nguồn lực kinh tế của huyện còn hạn hẹp. Mặc dù là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng khi bước vào xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm của tiêu chí số 3 về thủy lợi còn thấp.

Toàn huyện mới chỉ có 3/26 xã đạt tiêu chí này, nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ lâu đã xuống cấp; một số trạm bơm đã vận hành phục vụ sản xuất hàng chục năm nên thiết bị, máy móc đã hư hỏng, xuống cấp, hiệu suất bơm thấp. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nông thôn mới theo cơ chế linh hoạt, huyện Lệ Thủy đã kêu gọi các xã tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng để huy động, bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp cho tiêu chí này.

Hàng năm, huyện đã dành một nguồn ngân sách, đồng thời tranh thủ nguồn hỗ trợ của cấp trên, huy động nguồn đóng góp của HTX, người dân để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi. Trong 10 năm, huyện đã xây dựng được hơn 97km kênh mương, đầu tư xây mới và sửa chữa nâng cấp hơn 250 công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất. Đến cuối năm 2015, toàn huyện có 9 xã đạt tiêu chí này, tăng 6 xã so với năm 2011, đạt tỷ lệ 35%. Và đến tháng 6-2019, toàn huyện đã có 25/26 xã đạt tiêu chí thủy lợi, đạt tỷ lệ 96%.

Chỉ tính riêng năm 2019, toàn huyện có 72 công trình thủy lợi được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí đạt trên 23,7 tỷ đồng. Tổng diện tích tưới, tiêu cả năm đạt trên 19.420 ha, chiếm trên 98% diện tích sản xuất.

Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, các hộ gia đình cũng đã triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiêu bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương trên một số loại cây ăn quả, góp phần giảm thiểu công lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Hiện nay, huyện Lệ Thủy đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho vụ sản xuất đông-xuân 2019-2020, trong đó thủy lợi là một khâu quan trọng, được các HTX đẩy mạnh thực hiện. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: “Để thực hiện tiêu chí này, trọng tâm trong giai đoạn tiếp theo sẽ là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thủy lợi, nhân rộng, phổ biến những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các loại cây trồng chủ lực”.

An Phương
(Đài TT-TH Lệ Thủy)