Gia tăng nợ xấu từ... "tàu 67"

  • 08:26 | Thứ Năm, 05/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Quảng Bình hiện có 87/90 chủ tàu được các ngân hàng trên địa bàn ký kết hợp đồng tín dụng để đóng mới và cải hoán tàu cá ("tàu 67"). Số tiền giải ngân cho 87 con tàu trên là 989,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn “tàu 67” hạ thủy đi vào hoạt động đã gặp rất nhiều khó khăn và chỉ có 1/3 số tàu hoạt động tương đối ổn định. Những bất cập này đã gây ảnh hưởng lớn đến việc trả nợ đúng hạn cho các ngân hàng.

Thực trạng nợ từ "tàu 67"

Những năm qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá, như: cơ cấu nợ, chấp thuận thời gian trả chậm, cho vay vốn lưu động... Mặt khác, các ngân hàng cũng đã làm việc với từng khách hàng để xác định lộ trình trả nợ quá hạn, tuy nhiên, việc thu hồi nợ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bởi lẽ dù ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ cho khách hàng, nhưng khi biết khoản nợ cơ cấu lại không được hỗ trợ lãi suất, nhiều chủ tàu không chấp nhận cơ cấu lại, không hợp tác, không mua bảo hiểm khi đã hết hạn bảo hiểm; có tư tưởng trông chờ Nhà nước xóa nợ. Cá biệt một số chủ tàu có các nguồn thu khác để trả nợ, nhưng vẫn không đồng ý trả nợ ngân hàng, dẫn đến số nợ xấu ngày càng tăng và kéo dài từ năm này qua năm khác.

Theo báo cáo nhanh từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình, các khoản vay vốn theo Nghị định 67đã giải ngân 988,9 tỷ đồng, hiện đang còn dư nợ 883,9 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu là 375 tỷ đồng, chiếm 42,47% dư nợ cho vay; nợ gốc quá hạn 47 tỷ đồng, chiếm 5,36% dư nợ cho vay theo chương trình và số nợ lãi quá hạn 22 tỷ đồng.

Tâm sự với chúng tôi, anh Lê Văn Chói, một chủ “tàu 67” ở thôn Bàu Bàng, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Gia đình tôi đã dồn hết vốn liếng, vay mượn để đóng tàu sắt với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Đối với mỗi chuyến đi biển, các khoản phí lên đến trên 200 triệu đồng, bao gồm: xăng dầu, đá lạnh, tiền ứng trước cho bạn thuyền và các chi phí khác. Mỗi chuyến đi kéo dài gần nửa tháng, nếu đánh bắt thuận lợi thì cũng vừa đủ trả nợ ngân hàng hàng tháng, nếu không nợ lại chồng nợ...”.

<img alt="Nhiều " tàu="" 67="" "="" cấp="" cảng="" lâu="" ngày="" chờ="" sửa="" chữa,="" không="" thể="" đánh="" bắt="" để="" trả="" nợ="" đúng="" kỳ="" hạn="" cho="" các="" ngân="" hàng.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201912/original/images657465_67__1_.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201912/original/images657465_67__1_.jpg" style="width: 540px; height: 500px;">
Nhiều "tàu 67" cập cảng lâu ngày chờ sửa chữa, không thể đánh bắt để trả nợ đúng kỳ hạn cho các ngân hàng.

Đáng chú ý, khi tham gia đóng tàu theo Nghị định 67, một số khách hàng còn vay vốn từ các đối tượng khác với số tiền lớn, lãi suất cao dẫn đến hạn chế nguồn trả cho ngân hàng. Nhiều chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 gặp rủi ro bất khả kháng, như: chìm tàu, cháy tàu..., đã được cơ quan Bảo hiểm xác định nguyên nhân nhưng thủ tục đền bù bảo hiểm phức tạp, kéo dài, người dân mất nhiều thời gian, tiền của và không thể ra khơi đánh bắt.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Lý, chủ tàu cá QB92557TS ở xã Đức Trạch (Bố Trạch), cho hay: "Các công ty bảo hiểm thực hiện đền bù cho các tàu khi xảy ra hư hỏng chậm trễ, kéo dài thời gian, chủ tàu không khôi phục được tài sản, không đi biển, đời sống càng khó khăn và việc trả nợ bị ứ đọng. Hơn nữa, giá trị tàu tham gia bảo hiểm do cơ quan bảo hiểm định giá thường thấp hơn giá trị vay vốn còn lại của khách hàng".

Khó khăn và giải pháp

Ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Nghị định 67, Quảng Bình đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện. Các công việc từ thẩm định, thiết kế, đóng tàu... cho đến phê duyệt danh sách cho vay đều do Ban chỉ đạo quyết định. Vì thế, các ngân hàng thương mại phụ thuộc, bị động, khó đánh giá được chi phí, nguồn thu, dòng tiền, hiệu quả của dự án và buộc phải theo thẩm định của Ban chỉ đạo. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng cho vay theo Nghị định 67 sau khi giải ngân.

Qua trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Minh Hiền, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Bắc Quảng Bình cho biết: “Hiện nay, riêng tổng số tàu đơn vị đã cho vay theo Nghị định 67 là 34 tàu; trong đó, có 30 tàu vỏ gỗ và 4 tàu vỏ thép. Số tiền giải ngân là hơn 345,2 tỷ đồng, chiếm 99% số tiền cam kết cho vay.

Đến cuối tháng 9-2019, dư nợ đạt 296,8 tỷ đồng; nợ gốc thu được 48,39 tỷ đồng. Thời gian qua, ngân hàng cũng đã tiến hành cơ cấu lại nợ cho khách hàng, nhưng hiệu quả đánh bắt của các tàu cá thấp đã ảnh hưởng đến nguồn thu trả nợ ngân hàng, ngân hàng đã thực hiện giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ...”

Qua tìm hiểu thực tế từ các ngân hàng thương mại trên địa bản tỉnh được biết, dự kiến những tháng cuối năm 2019, nợ cho vay theo Nghị định 67 tiềm ẩn chuyển nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cao đột biến.

Nguyên nhân do nhiều chủ tàu gặp khó khăn về tài chính, một số chủ tàu cố tình không trả nợ đúng hạn, cố tình che dấu nguồn thu sau mỗi chuyến đi biển, thường xuyên báo lỗ, hoặc sử dụng nguồn thu vào các mục đích khác, chủ tàu không hợp tác gây khó khăn trong việc xử lý thu hồi nợ.

Trước những khó khăn từ nhiều phía, nhiều tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại mong muốn Chính phủ có nghị quyết riêng để chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp ngân hàng trong thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; có biện pháp xử lý đối với các chủ tàu cố tình chây ỳ không trả nợ tiền vay; thực hiện cơ chế bắt buộc các chủ tàu phải tham gia bảo hiểm mới được ra khơi.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng cũng đề nghị Chính phủ giữ nguyên mức hỗ trợ bảo hiểm 90% đối với tàu có công suất máy chính từ 400CV trở lên bao gồm cả ngư lưới cụ (theo Nghị Định 67) thay vì hỗ trợ 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt (theo Nghị định 17 sửa đổi bổ sung Nghị định 67).

Cơ quan bảo hiểm cần giải quyết thủ tục bồi thường kịp thời, nhanh chóng. Bộ Nông nghiệp-PTNT tiếp tục cho phép hỗ trợ lãi suất đối với những chủ tàu thực hiện chuyển đổi ngành nghề khai thác đánh bắt không hiệu quả sang ngành khai thác khác có hiệu quả hơn để có nguồn thu trả nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần kịp thời có cơ chế yêu cầu bắt buộc chủ tàu bổ sung tài sản bảo đảm tiền vay ngoài tài sản là con tàu được hình thành từ vốn vay nếu tàu giảm sút giá trị. UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp cưỡng chế thu giữ hoặc răn đe những chủ tàu có nợ quá hạn, nợ xấu, cố tình chống đối, chây lỳ, không hợp tác với ngân hàng; thực hiện cấm xuất bến những tàu không thực hiện mua bảo hiểm tàu cá hoặc mua bảo hiểm với mức thấp.

Mặc dù thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cố gắng phấn đấu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào năm 2020, tuy nhiên, trước tình trạng nợ “leo thang” như hiện nay, mục tiêu này rất khó thực hiện.

Hiền Phương