Xã Hóa Hợp: Tạo đột phá từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

  • 07:55 | Thứ Bảy, 16/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xã Hóa Hợp (huyện Minh Hóa) luôn xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi đúng để nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới…
 
Nhiều mô hình hiệu quả
 
Xã Hóa Hợp có 988 hộ với 3.952 khẩu, trong đó có hơn 90% người dân sản xuất nông nghiệp. Là một xã nghèo (hiện còn 70 hộ nghèo và 558 hộ cận nghèo), Hóa Hợp đang được hưởng lợi nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình 30a, 135…Từ các nguồn vốn này, xã Hóa Hợp đã sử dụng để hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
 
Ông Đinh Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Hóa Hợp tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa. Xã khuyến khích và hỗ trợ người dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các loại cây, con kém hiệu quả sang các giống cây, con đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2016, 4,2 tỷ đồng (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 3,6 tỷ đồng, nhân dân đối ứng 600 triệu đồng) đã được hỗ trợ cho hàng chục hộ gia đình nghèo, cận nghèo xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp; nhiều mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân.
 Xã Hóa Hợp khuyến khích và hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Xã Hóa Hợp khuyến khích và hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Trước đây, gia đình chị Cao Thị Hà nằm trong danh sách hộ nghèo của xã Hóa Hợp. Năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chị Hà được hỗ trợ cây giống, phân bón để thực hiện mô hình trồng cây thanh long. Trên diện tích đất trước đây trồng lạc, chị Hà đã cải tạo để trồng thanh long. Đến nay, gia đình chị đã có trên 220 trụ thanh long ruột đỏ, trong đó có 120 trụ đã cho thu hoạch 3 năm nay.
 
Không chỉ thành công từ trồng trọt, năm 2016, chị Hà mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuồng trại nuôi lợn bản, đào ao nuôi cá. Ban đầu, chị mua 5 con lợn bản giống về nuôi, nhờ tích cực trau dồi, tích lũy kinh nghiệm thông qua các lớp tập huấn, nay chị đã phát triển được 7 con lợn nái. Nhờ được chăm sóc tốt, mỗi năm lợn đẻ 3 lứa, mỗi lứa bình quân trên 120 con lợn con. Ngoài bán lợn giống, chị Hà còn giữ lại để nuôi lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng hàng chục con lợn thịt. Lợn được nuôi theo hướng hữu cơ sạch nên dù được bán với giá 150 nghìn/kg hơi (gấp gần 3 lần so với thịt heo thông thường), nhưng thương lái đến thu mua ngay tại chuồng. Chị Hà cho biết, mỗi năm trừ hết chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình đã cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
 
Tương tự như gia đình chị Hà, gia đình ông Đinh Gia Vương ở thôn Đa Thịnh (xã Hóa Hợp) trước đây cũng là một hộ nghèo. Năm 2011, ông Vương là một trong những hộ nghèo được xã Hóa Hợp tập trung hỗ trợ để thoát nghèo. Từ nguồn vốn của các chương trình 135, 30a và nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi và trồng rừng gỗ lớn.
 
Hiện nay, gia đình ông Vương đang có 1 trang trại nuôi lợn khép kín và 1ha rừng trồng bằng giống cây cấy mô để làm cây gỗ lớn. Ngoài ra, gia đình ông cũng là hộ có diện tích trồng lạc lớn, mỗi năm thu trên 40 triệu đồng. Tổng các nguồn thu, mỗi năm của gia đình ông Vương hơn 100 triệu đồng và hiện nay đã thoát khỏi diện hộ nghèo, trở thành một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, mô hình trồng rừng và chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Vương đã trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nông dân trong huyện.
 
Hình thành “vựa” cây ăn quả của huyện
 
“Điểm sáng" trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở xã Hóa Hợp chính là việc phát triển và dần hình thành “vựa” cây ăn quả của huyện. Đến nay, toàn xã Hóa Hợp đã chuyển đổi 25ha đất vườn sang trồng các loại cây ăn quả, như: thanh long, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, mít Thái… Những năm tiếp theo, xã Hóa Hợp tiếp tục chuyển đổi đất vườn tạp và vườn cao su kém hiệu quả để trồng các giống cây ăn quả có chất lượng…
 
Năm 2016, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học-Công nghệ và Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Minh Hóa, xã Hóa Hợp đưa vào trồng thử nghiệm mô hình cây thanh long ruột đỏ với 5 hộ được hưởng lợi. Sau khi đánh giá mô hình, nhận thấy cây thanh long ruội đỏ rất thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất và sản lượng cao, xã Hóa Hợp tiếp tục hỗ trợ 16 hộ để phát triển thêm diện tích. Hiện nay, hàng chục gia đình ở Hóa Hợp đã có thu nhập ổn định từ 30 đến 70 triệu đồng/năm từ cây thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, xã Hóa Hợp cũng hỗ trợ 88 hộ dân phát triển mô hình trồng bưởi da xanh, 25 hộ trồng bưởi Phúc Trạch, 48 hộ trồng mít Thái và 50 hộ trồng ổi Đài Loan…Theo đánh giá ban đầu, các mô hình trồng cây ăn quả đều phát triển tốt và bước đầu có thu nhập.
Mô hình nuôi chồn hương cho thu nhập cao của một hộ dân ở xã Hóa Hợp.
Mô hình nuôi chồn hương cho thu nhập cao của một hộ dân ở xã Hóa Hợp.
Ông Đinh Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho biết thêm, ngoài phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, xã cũng định hướng và hỗ trợ bà con chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang gia trại, trang trại thâm canh theo hướng hàng hóa, sản phẩm bảo đảm các yêu cầu chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân chăn nuôi các giống con đặc sản, như: lợn rừng, lợn đen bản địa, hươu sao, chồn hương…Điều nàykhông chỉ tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương, cũng như hoàn thành các tiêu chí thu nhập và giảm nghèo của chương trình nông thôn mới.
 
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp nhấn mạnh: “Hóa Hợp sẽ cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2019 (hiện Hóa Hợp chỉ còn tiêu chí giáo dục chưa đạt vì có 10 phòng học đang xây dựng). Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì xã đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân. Bởi suy cho cùng, xây dựng NTM cũng chính là để nâng cao đời sống cho nhân dân”.
 
Phan Phương