Thương hiệu cá trắm sông Son: Tạo dấu ấn ẩm thực đất di sản

  • 09:15 | Chủ Nhật, 17/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vốn có truyền thống nghề nuôi cá lồng trên sông Son, những năm qua, người dân xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) đã phát triển đa dạng các loại cá, như: trắm cỏ, chình, leo, trắm đen... với mong muốn tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc sản, uy tín để níu chân du khách khi đến với quê hương miền di sản.
 
Những năm qua, hoạt động du lịch ở khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phát triển mạnh mẽ, là điều kiện thuận lợi để người dân Sơn Trạch phát triển mở rộng nhiều ngành nghề, dịch vụ. Ấn tượng nổi bật là nghề nuôi cá lồng trên sông Son, vừa góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa  tạo nên món ăn đặc sản trên quê hương di sản.
 
Ông Nguyễn Văn Mẹo, một hộ nuôi cá lồng ở thôn Na hồ hởi cho biết: “Gia đình tôi có 4 lao động, thả nuôi 3 lồng cá. Công việc không mấy vất vả lại có thu nhập ổn định. Chúng tôi chăm sóc cá bằng thức ăn tự nhiên, gồm thân cây chuối, cám gạo, sắn củ... nên phải sau 2 năm mới có cá xuất bán nhưng bù lại thịt cá dai, thơm ngon, nhất là cá trắm cỏ. Cá trắm cỏ chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn nên được du khách ưa chuộng. Gia đình tôi có cá xuất bán quanh năm, thương lái quanh vùng đến mua và cung cấp cho các nhà hàng trên các địa bàn các xã Sơn Trạch, Hưng Trạch và Liên Trạch. Khi cần thiết, bản thân tôi cũng trở thành thương lái đến nhập cá tại các nhà hàng”.
 Toàn xã Sơn Trạch hiện có 367 hộ nuôi cá lồng với 710 lồng cá, tập trung ở các thôn dọc sông Son.
Toàn xã Sơn Trạch hiện có 367 hộ nuôi cá lồng với 710 lồng cá, tập trung ở các thôn dọc sông Son.
Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch Trần Nam Trung cho biết, toàn xã Sơn Trạch hiện có 367 hộ nuôi cá lồng với 710 lồng cá, tập trung ở các thôn dọc sông Son, như: Xuân Tiến, Na, Xuân Sơn, Gia Tịnh và Trằm Mé. Trong đó, phần lớn là các lồng nuôi cá trắm cỏ-loại cá thích nghi tốt với nguồn nước sông Son và tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có của địa phương. Bình quân mỗi năm sản lượng thu hoạch của các lồng cá ở xã Sơn Trạch đạt hơn 295 tấn. Đầu ra cho sản phẩm cá sông Son ngày càng ổn định do lượng khách du lịch đến với di sản Phong Nha-Kẻ Bàng ngày càng nhiều; thu nhập của các hộ nuôi cá cũng được nâng lên, góp phần nâng mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn lên 43 triệu đồng/người/năm.
 
Theo đánh giá chung, nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao do thiên tai, nhất là khi vào mùa bão lũ. Chính vì vậy, người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật nuôi cũng như áp dụng tốt biện pháp trong phòng, tránh thiên tai.
 
Để hỗ trợ nhau trong phát triển sản xuất, năm 2014, các hộ nuôi cá lồng trên sông Son đã thành lập Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt xã Sơn Trạch. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút hơn 120 hội viên tham gia. 
 

Đặc biệt, để nâng cao thu nhập và đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu của thực khách, xã Sơn Trạch cũng tạo điều kiện cho các thành viên câu lạc bộ tham gia học tập kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật nuôi cá và kinh nghiệm xử lý tình huống khi có thiên tai ở một số tỉnh bạn, đồng thời, nhập về các giống cá có giá trị kinh tế cao, như: cá chình, cá leo và trắm đen về thả nuôi.

Bước đầu cho thấy, các loại cá này thích nghi tốt với môi trường nguồn nước sông Son. Ngoài các lồng cá trắm cỏ, đến nay, xã Sơn Trạch đã phát triển được thêm 15 lồng nuôi cá chình, cá leo và cá trắm đen.

Cá trắm cỏ trên sông Son có hương vị thơm ngon đặc biệt, đủ sức
Cá trắm cỏ trên sông Son có hương vị thơm ngon đặc biệt, đủ sức "níu chân" du khách.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm CLB nuôi cá nước ngọt xã Sơn Trạch, mong muốn thời gian tới, câu lạc bộ sẽ được xã hỗ trợ một ít kinh phí thành lập hợp tác xã để xây dựng chuỗi liên kết, quảng bá sản phẩm cá sạch sông Son… bởi đây là một trong những mô hình có nhiều triển vọng. Với thể tích lồng nuôi từ 15-20 m3 nước, mỗi lồng nuôi cho năng suất cao hơn nuôi tương đương trong nội đồng. Trong số 367 hộ nuôi, tính trung bình một hộ dân có 2 lồng, mỗi lồng thu từ 70-100 triệu đồng/năm.
 
Ông Thái lý giải thêm: “Việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Son ở xã Sơn Trạch không chỉ tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương mà còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho nhu cầu ẩm thực của khách du lịch. Đồng thời, sự lôi cuốn về du lịch được gia tăng khi những lồng cá tạo nên vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên trên sông Son để du khách có thể thưởng ngoạn, khám phá, cũng như góp phần quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trên quê hương di sản”.
 
Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết thêm, hiện không chỉ ở xã Sơn Trạch, những năm qua, Bố Trạch cũng phát triển mạnh mô hình nuôi cá lồng, bè tại địa bàn các xã, như: Liên Trạch, Hưng Trạch và thị trấn Nông trường Việt Trung; đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, rô phi, diêu hồng, cá chép... Riêng môt số hộ dân tại xã Sơn Trạch đã mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi các đối tượng nuôi truyền thống sang các đối tượng mới, tuy có những khó khăn về vấn đề thích nghi ban đầu nhưng lại có giá trị kinh tế cao, như: cá chình, cá leo.
 
Từ năm 2016 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, huyện cũng đã hỗ trợ hàng chục triệu đồng nhằm khuyến khích các hộ nuôi cá lồng đạt tiêu chí về chất lượng giống. Toàn huyện hiện có 1.100 lồng cá, tăng 318 lồng so với năm 2015. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lồng, trong đó có các hộ nuôi cá trắm cỏ tại xã Sơn Trạch. Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và chính quyền xã Sơn Trạch hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã, đẩy mạnh phát triển chuỗi cá trắm, từ đó, xây dựng thương hiệu cá trắm sông Son gắn với phát triển du lịch.
 
Hương Trà