Nông dân xã Thạch Hóa: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi

  • 09:01 | Thứ Ba, 19/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, những năm qua, nông dân xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa đã đầu tư nhiều mô hình kinh tế phù hợp để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. 
 
Xác định ý nghĩa thiết thực của việc đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi về với bà con khó khăn, ngay từ những tháng đầu năm, các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của xã Thạch Hóa đã siết chặt công tác quản lý vốn, giải ngân vốn và thu hồi vốn. Nhờ vậy, nhiều năm qua, Hội không để phát sinh nợ quá hạn, không có dư nợ quá hạn.

 

  Nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, mô hình chăn nuôi bò của chị Trần Thị Phương ở thôn 1 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa) mang lại hiệu quả kinh tế.Nhờ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, mô hình chăn nuôi bò của chị Trần Thị Phương ở thôn 1 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa mang lại hiệu quả kinh tế.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các tổ chức chính trị-xã hội tại xã Thạch Hóa, đặc biệt là Hội Nông dân luôn chủ động nắm bắt, tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức tín dụng để xét cho các hội viên nông dân nghèo vay, đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
 
Theo chân cán bộ tín dụng PGD NHCSXH huyện Tuyên Hóa, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của chị Trần Thị Phương ở thôn 1 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa.
 
Chị Phương vay vốn theo chương trình hộ nghèo với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của chị đã tăng lên 7 con. Nhờ mô hình kinh tế chuyên chăn nuôi bò sinh sản, mỗi năm, thu nhập của gia đình chị đạt từ 60-70 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
 
Một điển hình khác nữa là chị Hà Thị Hải Bình ở thôn 2 Thiết Sơn. Nhận thấy nhu cầu mua sắm tiêu dùng của bà con trong vùng khá cao, để tiết kiệm thời gian đi lại và thuận lợi cho người dân địa phương, chị Bình đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng kinh doanh hàng tạp hóa tổng hợp. Nhờ buôn bán chăm chỉ, khéo léo, mỗi năm chị Bình có mức thu nhập gần 100 triệu đồng...
 
Ông Nguyễn Ngọc Ấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hóa cho biết, ngay sau khi ký hợp đồng ủy thác, Hội Nông dân xã đã kịp thời tham mưu cho Ban giảm nghèo xã, UBND xã chỉ đạo thành lập 10 tổ TKVV tại địa bàn 9 thôn với 490 tổ viên tham gia. Trong 10 tháng năm 2019, tổng doanh số cho vay ủy thác qua Hội Nông dân xã là hơn 6,5 tỷ đồng với 136 lượt hộ vay vốn, bình quân vay 47,8 triệu đồng/hộ. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác do Hội Nông dân xã quản lý là 20.414 triệu đồng với 447 hộ dư nợ, bình quân dư nợ 45,6 triệu đồng/hộ. Điều đáng mừng là từ năm 2004 đến nay, dư nợ do Hội Nông dân xã quản lý duy trì hàng tháng không phát sinh vay nợ quá hạn, không có dư nợ quá hạn, các món vay đến hạn được đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, giải ngân cho vay quay vòng vốn, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.
 
Theo kết quả khảo sát đánh giá hiệu quả vốn đầu tư trên địa bàn xã Thạch Hóa, đã có 285 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, 63 hộ vay vốn chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo; 174 công trình nước sạch và công trình vệ sinh được đầu tư nhờ nguồn vốn vay; 90 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn làm nhà để ở và phòng tránh bão, lụt.
 
Đi đôi với việc giải ngân cho vay, Hội Nông dân xã cũng đã chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hội viên trong quá trình sử dụng vốn. Qua kiểm tra cho thấy, các hội viên đã đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích, đồng vốn đang ngày càng phát huy tốt hiệu quả. Hội cũng tích cực phối hợp, tuyên truyền về chủ trương gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua các tổ TKVV. Đến nay, có trên 97% tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số tiền 564 triệu đồng, bình quân mỗi tổ TKVV có số dư 56,4 triệu đồng. Từ việc tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng thông qua các tổ TKVV, các tổ viên đã có điều kiện tích lũy tiền hàng tháng để trả lãi khi gặp khó khăn, trả dần nợ gốc, tránh áp lực cho kinh tế gia đình phải trả nợ một lần khi đến hạn.
 
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Thạch Hóa sẽ tiếp tục bám sát hợp đồng ủy thác để thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ ủy thác, duy trì và thực hiện tốt chất lượng tín dụng, tranh thủ tối đa nguồn vốn bổ sung để kịp thời phối hợp với NHCSXH huyện giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng; phối hợp với các ban, ngành, như: thú y, nông-lâm-ngư nghiệp tại xã, huyện để hướng dẫn, tập huấn việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với các hội viên, bảo đảm việc vay vốn đầu tư phát huy tốt hiệu quả.
 
Hiền Phương