Mùa cam "ngọt"

  • 11:35 | Chủ Nhật, 10/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù tuổi không còn trẻ, nhưng vợ chồng ông Bế Văn Mai (60 tuổi, tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) vẫn đầy nhiệt huyết, luôn trăn trở để phát triển kinh tế. Ông Mai đã vượt lên nhiều khó khăn để tìm được giống cây phù hợp cho mùa quả ngọt trên vùng đất gò đồi khô cằn với khí hậu khắc nghiệt. 
 
Trước đây, ông Bế Văn Mai từng “thủy chung” với cây cao su và sự thực, cây “vàng trắng” ấy đã mang lại ấm no cho gia đình ông và nhiều gia đình khác trên vùng đất đồi phía Tây huyện Bố Trạch. Cho đến năm 2013, cơn bão đến và mang đi niềm hy vọng của đa số bà con nơi đây.
 
Trăn trở, xót xa trước cảnh hơn 17 ha cao su đang trong thời kỳ thu hoạch của gia đình bị gãy đổ trong chốc lát, ông Mai nghĩ, đã đến lúc cần một sự thay đổi.
 Ông Bế Văn Mai vui mừng bởi “đất đã không phụ công người”, cho mùa cam ngọt.
Ông Bế Văn Mai vui mừng bởi “đất đã không phụ công người”, cho mùa cam ngọt.
Dáng người nhỏ nhắn, ông Mai thoăn thoắt dẫn chúng tôi dạo quanh vườn cam trĩu quả, say sưa kể: “Năm 2014, tôi “cơm đùm, gạo bới” miệt mài, lặn lội đi khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam để tìm hiểu, học hỏi và kiếm loại cây trồng mới phù hợp nhằm thay thế dần diện tích cây cao su. Sau thời gian nắm bắt, tích lũy được kinh nghiệm, sàng lọc về các ưu điểm, nhược điểm của từng loại cây trồng, đem so sánh với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương, tôi quyết định lựa chọn giống cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để gieo với nhiều hy vọng. Bắt đầu với số vốn trên 3,5 tỷ đồng vay mượn từ bạn bè, người thân, tôi đã đầu tư hết vào cây cam”.
 
Với 7 ha đất trồng cao su bị gãy đổ trước đó, hiện nay, gia đình ông Mai đang trồng hơn 3.000 gốc cam các loại, như: cam V2, lòng vàng và cam đường canh. Quy trình kỹ thuật trồng được áp dụng theo hướng VietGAP, bảo đảm cung cấp nguồn cam sạch ra thị trường. Việc phòng trừ sâu bệnh và các loại côn trùng đều được thực hiện bằng phương pháp an toàn sinh học để cây cam đạt năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, để chủ động nguồn nước tưới, ông Mai cũng đào hơn 1ha ao hồ dự trữ nước, đồng thời, đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
“Đây là loại cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật gieo trồng và quy trình nghiêm ngặt, nên bước đầu tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn. Được chuyên gia ở các tỉnh bạn tư vấn phương pháp chăm sóc, tôi tuân thủ sử dụng các loại thuốc sinh học, phân hữu cơ để chăm bón cho cây. Đến nay, đất đã không phụ công người, đưa lại hiệu quả như mong đợi với những mùa cam ngọt, được chứng nhận thương hiệu cam an toàn VietGAP”, ông Mai chia sẻ.
Để chủ động nguồn nước tưới vào những ngày nắng nóng, ông Mai đào hơn 1ha ao hồ dự trữ nước.
Để chủ động nguồn nước tưới vào những ngày nắng nóng, ông Mai đào hơn 1ha ao hồ dự trữ nước.
Để phục vụ tốt cho thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, ông Mai áp dụng phương pháp trồng theo kiểu cuốn chiếu, gối vụ để có cam sạch xuất bán quanh năm. Theo tính toán của ông Mai, nếu thuận lợi, mỗi ha cam trồng sẽ cho thu hoạch từ 30-50 tấn cam quả, mang lại nguồn thu từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.
 
“Nhiều người tiêu dùng và thương lái biết tiếng cam sạch của tôi, nên đến thu mua tận nơi. Chỉ tính riêng từ vụ cam đầu năm 2019 đến nay, vợ chồng tôi đã xuất bán một lượng cam quả ra thị trường trong và ngoài huyện với hơn 30 tấn. Hiện đang vào mùa cam chín, dự kiến thu hoạch khoảng 12 tấn và cuối năm nay sẽ có 15 tấn cam để phục vụ người tiêu dùng đón Tết cổ truyền!”, bà Nguyễn Thị Thành (vợ ông Mai) cho biết thêm.
 
Đã qua nhiều mùa mưa nắng, những đêm trăn trở lo lắng không ngủ vẫn còn hằn sâu trên gương mặt của người nông dân có tuổi này. Ánh mắt vui mừng, ông Mai cho biết, giống cam Cao Phong không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn là giống cây trồng thích ứng điều kiện thổ nhưỡng và có khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu nơi vùng đồi Quảng Bình khắc nghiệt.
Mô hình cam sạch của ông Bế Văn Mai đã mở ra phong trào nông dân xây dựng, phát triển các mô hình trồng cây ăn quả ở TT. Nông trường Việt Trung.
Mô hình cam sạch của ông Bế Văn Mai đã mở ra phong trào nông dân xây dựng, phát triển các mô hình trồng cây ăn quả ở TT. Nông trường Việt Trung.
Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: “Ông Bế Văn Mai là một nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi và mạnh dạn, vượt khó trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc xây dựng thành công mô hình trồng cam quy mô lớn không chỉ giúp gia đình ông Mai có nguồn thu nhập ổn định mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nhiều người dân địa phương. Thời gian qua, đã có nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm mô hình trồng cam của ông Mai. Với những nỗ lực của ông Mai, huyện đã khen thưởng kịp thời để động viên tinh thần vượt khó, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế của ông ở địa phương. Hiện huyện Bố Trạch đang khuyến khích nhân rộng một số mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả cao, như: mô hình trồng tiêu Phú Quý, cam VietGAP!”.
 
Điển hình làm kinh tế giỏi của ông Mai với mô hình cam sạch VietGAP đã mở ra phong trào nông dân xây dựng, phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trong đó có cây cam trên địa bàn thị trấn Nông trường Việt Trung nói riêng và huyện Bố Trạch nói chung. Mô hình đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, thay thế dần các diện tích cây cao su kém hiệu quả, đặc biệt, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường tiêu dùng ngày càng cao.
                                                          Hương Trà