Khởi nghiệp từ nón lá

  • 08:27 | Thứ Sáu, 15/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ những chiếc nón lá quê hương, cô giáo trẻ làng nón Quy Hậu (Liên Thủy, Lệ Thủy)-Nguyễn Thị Thu Hồng bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp bằng việc vẽ, thêu những bức tranh, nét chữ độc đáo lên nón, được nhiều người đón nhận và đánh giá cao. 
 
Năm 2016, cô gái sinh năm 1994, Nguyễn Thị Thu Hồng tốt nghiệp khoa Giáo dục mầm non, Trường đại học Sư phạm Huế, sau đó được nhận vào dạy tại một trường mầm non ở huyện Bố Trạch.
 
Thu Hồng chia sẻ: “Thời học ở Huế, buổi tối đi bộ, tôi thấy khách Tây đội những chiếc nón Huế có thêu, vẽ tranh rất đẹp. Ý tưởng vẽ, thêu tranh lên nón của tôi được nhen nhóm từ đó. Ấp ủ nhiều năm lại có cơ hội tiếp xúc với khách du lịch ở Bố Trạch, tôi quyết định thực hiện ý tưởng của mình”.
 
Với lợi thế là cô giáo mầm non, Hồng đã từng vẽ tranh trên chai, lọ, mẹt…, tạo ra nhiều đồ chơi ngộ nghĩnh cho các em học sinh. Nên việc bắt tay vẽ trên nón đối với Hồng khá dễ dàng. Tuy nhiên, về tranh thêu, Hồng phải tự mày mò, rồi học hỏi từ các chị có tay nghề. Ban đầu, Hồng chỉ thêu những bức tranh đơn giản, như: hình trái tim, hoa lá, chữ “Lệ Thủy”, “Quảng Bình”... Các sản phẩm đầu tay được Hồng chia sẻ trên mạng xã hội và rất được bạn bè quan tâm, yêu thích. Chính điều này đã tiếp thêm “lửa” cho cô giáo trẻ Thu Hồng thực hiện đam mê của mình. 
Những chiếc nón lá được vẽ thêm tranh có sức hấp dẫn với du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến Quảng Bình.
Những chiếc nón lá được vẽ thêm tranh có sức hấp dẫn với du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến Quảng Bình.
Tháng 6-2019, Hồng bắt đầu làm những sản phẩm phức tạp, ấn tượng hơn, chủ yếu là vẽ và thêu những bức tranh về phong cảnh quê hương, đất nước. Theo Thu Hồng, thời gian làm ra một tác phẩm tranh vẽ hoặc thêu tay trên nón sẽ tùy vào kích thước lớn, nhỏ của nón và độ phức tạp của bức tranh. Mỗi ngày, Hồng chỉ làm được vài sản phẩm, thậm chí vài ngày mới hoàn thành một sản phẩm.
 
Hiện tại, các sản phẩm của Hồng đang được tiêu thụ ở Phong Nha, Bố Trạch, chủ yếu phục vụ khách du lịch; một số cửa hàng ở TP. Đồng Hới và thông qua mạng xã hội với giá bán 40-50 nghìn đồng/nón lá, 60-150 nghìn đồng/nón dừa.
 
Với niềm đam mê và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, Thu Hồng cho biết chưa thỏa mãn với những gì mình đang có và sẽ tiếp tục tìm tòi, học hỏi để có những sản phẩm  mang đậm chất quê hương hơn, như: đưa hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sông Kiến Giang, đua bơi thuyền Lệ Thủy…lên nón lá, góp phần quảng bá mảnh đất và con người Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung đến gần hơn với mọi người. 
 
Được biết, làng nón Quy Hậu, huyện Lệ Thủy đã được hình thành từ lâu, tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều người đã không còn mặn mà với nghề, bởi thu nhập từ nón không cao. Như vậy, việc đưa ý tưởng trang trí, làm đẹp thêm cho chiếc nón truyền thống của Thu Hồng đã làm tăng thêm giá trị cho chiếc nón Quy Hậu, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.
 
Vân Anh
Đài TT-TH Lệ Thủy