Để nông sản Quảng Bình "vững chân" trên sàn thương mại điện tử

  • 08:08 | Thứ Sáu, 29/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc quảng bá, mở rộng thị trường, đặc biệt là các mặt hàng nông sản mang đặc trưng địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nắm bắt và khai thác hết lợi thế của TMĐT, chủ yếu vẫn tập trung vào các kênh bán hàng truyền thống...

Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, ở Việt Nam hiện nay, TMĐT đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25%. Năm 2018, doanh thu của TMĐT Việt Nam ở mức 143 tỷ USD, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 160 tỷ USD. Điều đó cho thấy, TMĐT đang là xu hướng chủ đạo không thể thiếu để các doanh nghiệp quảng bá và đưa sản phẩm ra thị trường trong, ngoài nước.

Tại Quảng Bình, những năm gần đây, sự phát triển chung của nền kinh tế dẫn tới sự ra đời của nhiều doanh nghiệp, HTX, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, sản xuất các mặt hàng nông sản mang đặc trưng của địa phương.

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mỗi doanh nghiệp đều có hướng phát triển và xây dựng chiến lược quảng bá, tiêu thụ sản phẩm khác nhau. Nhiều sản phẩm đã dần khẳng định được thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường, như: nấm linh chi các loại (HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh); sâm Bố Chính (Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm), khoai deo (Công ty TNHH Như Mận), miến dong, hạt tiêu (HTX Sinh thái Sông Son), tinh dầu thiên nhiên các loại (HTX dịch vụ nông nghiệp Dinh Trạm)...

Ngoài ra, còn có hàng trăm doanh nghiệp, HTX nổi bật các sản phẩm nông sản của địa phương: cao cà gai leo, cao chè vằng, cao lạc tiên, gà đồi, rượu dược liệu...

Giao diện website được Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ xây dựng, vận hành năm 2019.
Giao diện website được Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ xây dựng, vận hành năm 2019.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực này chủ yếu giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm qua các kênh truyền thống, như: phân phối qua đại lý, mở showroom, tham gia hội chợ, gửi hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại... Trong khi đó, việc xuất hàng hóa thông qua kênh TMĐT vẫn "bỏ ngỏ". Nhiều doanh nghiệp chưa thấy hết hiệu quả mà kênh TMĐT đem lại nên thiếu sự quan tâm, đầu tư để khai thác tối đa thế mạnh của loại hình kinh doanh này.

Anh Phan Văn Tiến, đại diện Công ty TNHH nông nghiệp xanh Quảng Bình (huyện Bố Trạch) chia sẻ, đơn vị chuyên cung cấp những sản phẩm dược liệu từ cà gai leo, sâm Bố Chính, mặc dù nhận thấy rõ lợi ích từ việc giới thiệu, tiêu thụ qua kênh TMĐT và đã tham gia làm thành viên Sàn giao dịch TMĐT Quảng Bình, tuy nhiên, hiện tại, đơn vị cũng đang khá bỡ ngỡ, bởi lâu nay vẫn làm theo các cách truyền thống để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, việc đưa hàng hóa lên sàn TMĐT vừa mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, vừa góp phần giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm. Các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương của Quảng Bình khá đa dạng, có nhu cầu tiêu thụ rất cao, có thị trường rộng khắp cả nước nhưng chưa tận dụng triệt để kênh phân phối TMĐT để đẩy mạnh hơn khả năng tiếp cận khách hàng.

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua, bên cạnh việc mời gọi và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký tham gia thành viên Sàn giao dịch TMĐT Quảng Bình, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, điều tra, đánh giá; đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với mục tiêu đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Trung tâm đã xây dựng, hướng dẫn quản trị và đưa vào vận hành 5 website TMĐT cho 5 doanh nghiệp thành viên Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Bình.

Ông Phan Trung Thông, đại diện HTX Sinh thái Sông Son (đơn vị được hỗ trợ xây dựng website) cho biết, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh luôn được HTX quan tâm chú trọng, tuy nhiên, thời gian qua, đơn vị chỉ mới tiếp cận thông qua các dịch vụ miễn phí của mạng xã hội nên hiệu quả còn hạn chế, chưa thực sự tạo lòng tin đối với khách hàng.

Vừa qua, đơn vị đã nhận được hỗ trợ xây dựng và hướng dẫn quản trị, vận hành miễn phí trang website bán hàng trực tuyến. Nguồn hỗ trợ này được thực hiện rất kịp thời trong bối cảnh đơn vị đang tham gia đánh giá theo tiêu chuẩn OCOP, đồng thời, đây cũng là nền tảng để đơn vị tiếp cận thị trường trực tuyến một cách có hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo ông Thông, với xu thế phát triển nông sản theo hướng bền vững, có truy xuất nguồn gốc như hiện nay, nếu doanh nghiệp phát triển tốt kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm TMĐT thì tương lai sẽ gặp nhiều thuận lợi, nâng cao lợi nhuận, khả năng cạnh tranh hơn.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, TMĐT mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các đơn vị trong lĩnh vực chế biến nông sản, đặc sản địa phương. Nhưng, để làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng những mô hình kinh doanh sáng tạo, phù hợp với thời đại thương mại số hóa.

X.Phú-N.Hải