Chậm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công: Tập trung phối hợp, tháo gỡ vướng mắc

  • 12:22 | Thứ Năm, 14/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngay từ đầu năm 2019, vốn đầu tư công được UBND tỉnh giao cho các địa phương, đơn vị theo các quyết định số: 4709/QĐ-UBND, 4738/QĐ-UBND, 708/QĐ-UBND và 1150/QĐ-UBND là hơn 1.732 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách Trung ương, vốn nước ngoài, Bộ Kế hoạch-Đầu tư giao bổ sung cho tỉnh qua 2 đợt (tháng 6 và 7-2019) là hơn 403,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết quý III năm 2019, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 53,41%. Đây là con số khá thấp so với kế hoạch đề ra.
 
Vì sao giải ngân chậm?
 
Thống kê của Kho bạc Nhà nước tỉnh và báo cáo của các chủ đầu tư cho thấy, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 tính đến hết quý III năm 2019 là 53,41%. Trong đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu đạt 78,41%, ngân sách Trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 41,75%, vốn nước ngoài là 19,86% và vốn cân đối ngân sách địa phương là 74,32%.
 
Để chủ động tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chậm, Sở Kế hoạch-Đầu tư đã làm việc với các ban quản lý dự án ODA nhằm tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án xử lý. Theo đó, một trong những nguyên nhân cơ bản được xác định là tâm lý chủ quan của các địa phương về việc được kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công trong 2 năm theo quy định tại Nghị định 120/2018/NĐ-CP của Chính phủ. 
 Việc thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Việc thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đối với nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, mặc dù được UBND tỉnh giao sớm nhưng cấp huyện cần thực hiện các thủ tục rà soát, cân đối vốn cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp, khởi công mới; trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới năm 2019; lập, phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình rồi mới thực hiện phân bổ vốn cho các dự án khởi công mới nên mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, việc thực hiện các dự án ODA cũng gặp một số vướng mắc liên quan đến ký kết, gia hạn các hiệp định và thỏa thuận vay lại vốn nước ngoài. Hơn nữa, việc Bộ Kế hoạch-Đầu tư giao vốn nước ngoài chậm, rải rác nhiều đợt trong khi các dự án phải thực hiện xong thủ tục đấu thầu mới giải ngân dẫn đến tiến độ chậm.
 
Cũng cần phải nói thêm là các nguyên nhân tồn tại trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để, như: dự kiến nhu cầu vốn chưa sát với tình hình thực tế giải ngân, chậm trễ trong công tác thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo kinh tế-kỹ thuật, chậm triển khai các thủ tục liên quan đến việc nghiệm thu, thanh toán của các dự án. Mặt khác, các công trình có quy mô đầu tư nhỏ thì chủ trương chung là không giải ngân từng phần mà dồn vào cuối năm; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc kéo dài do thiếu sự phối hợp giữa các chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương.
 
Việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 kéo dài sang năm 2019 đến ngày 30-9-2019 cũng chỉ đạt tỷ lệ 23,96%. Trong đó, dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông" có tỷ lệ giải ngân đạt 60,4% tổng mức đầu tư do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, do Bộ Kế hoạch-Đầu tư giao cho tỉnh (đợt 3) vào thời điểm cuối năm 2018 nên cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
 
Về nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án cấp bách, hiện đã có 2 công trình được UBND tỉnh bố trí vốn gồm: dự án "Sửa chữa, khắc phục hư hỏng hệ thống kè cửa sông biển huyện Bố Trạch" và dự án "Đường cứu hộ, cứu nạn từ Quốc lộ 1 đến Di tích lịch sử chiến thắng Xuân Bồ kết nối khu du lịch và khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
 
Ngoài ra, 4 công trình khác cũng đã được bố trí vốn nhưng chủ đầu tư đang trình Bộ Nông nghiệp-PTNT lấy ý kiến tham gia về giải pháp kỹ thuật để triển khai các bước tiếp theo nên chưa giải ngân được. Riêng đối với các dự án: “Sắp xếp, bố trí dân cư vùng thiên tai Lệ Thủy” và “Điểm dân cư tập trung cho các hộ đồng bào dân tộc di cư tự do từ nước Lào về bản Tuộc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch”, mặc dù đã được UBND tỉnh giao vốn từ tháng 1-2019, nhưng các địa phương chậm làm thủ tục triển khai, dẫn đến không giải ngân được.
 
Quyết liệt trong chỉ đạo
 
Xác định việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, ngay từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định giao vốn cho các đơn vị, địa phương để chủ động triển khai. Đặc biệt, trong quý II và III năm 2019, UBND tỉnh đã liên tiếp ban hành 5 văn bản đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, xây dựng, kiểm tra đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và thực hiện các thủ tục nghiêm thu, thanh toán.
Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án
Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án "Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông" để giải ngân vốn đầu tư công.
Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân các dự án để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đối với các dự án vi phạm hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp, UBND tỉnh cũng đã linh hoạt điều chỉnh vốn sang các dự án có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời thực hiện các thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 sang năm 2019 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
 
Tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư vào giữa tháng 10 vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật đã một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đối với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Quan điểm của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là các đơn vị, địa phương phải tập trung phối hợp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chung và yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
 
Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư cần thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh có liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; khẩn trương hoàn tất các thủ tục, hồ sơ đầu tư đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công; tập trung hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình đã hoàn thành; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm xử lý nghiêm các hành vi cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn; theo dõi chặt chẽ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án để có hướng tháo gỡ kịp thời nếu có vướng mắc.
 
Nguyễn Hoàng