Xã Mỹ Trạch:

Thoát nghèo bền vững nhờ chăn nuôi

  • 09:47 | Thứ Sáu, 18/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Mỹ Trạch là một xã bãi ngang thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch. Để giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, từ năm 2016, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được triển khai tại địa phương. Đến nay, qua gần 4 năm thực hiện, chương trình này đã phát huy được hiệu quả tích cực.

Xã Mỹ Trạch có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, bên cạnh đó, do không chủ động được nguồn nước tưới nên chỉ sản xuất được một vụ, Đời sống người dân hết sức khó khăn. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong 4 năm qua, huyện Bố Trạch đã tiến hành giải ngân gần 1,4 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ dân phát triển chăn nuôi.

Người dân xã Mỹ Trạch tích cực chăm sóc đàn gà lai cồ được hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Người dân xã Mỹ Trạch tích cực chăm sóc đàn gà lai cồ được hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Toàn xã Mỹ Trạch có 221 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi, trong đó, 80 hộ được hỗ trợ 1 con bò giống/hộ có trọng lượng 120kg; 42 hộ được hỗ trợ 4 con lợn giống/hộ có trọng lượng 7,5kg và 99 hộ được hỗ trợ mỗi hộ 50 con gà lai ri và gà lai cồ từ 21-40 ngày tuổi. Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ về thức ăn, thuốc thú y và chuồng trại để chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển,Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: “Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trên cơ sở nhiệm vụ do UBND huyện phân công, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai trên địa bàn các xã thụ hưởng chính sách này.

Xã Mỹ Trạch là một xã bãi ngang ven biển còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn khá cao. Vì vậy, ngay từ thời điểm ban đầu triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, Phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương lập kế hoạch và xác định các nhu cầu sản xuất hướng đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Phòng đã hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm giúp bà con vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”.

Gia đình bà Mai Thị Tuyết, ở thôn 5, là một trong những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Mỹ Trạch. Vì thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định nên nhiều năm liền, gia đình vẫn không thể thoát nghèo. Trước hoàn cảnh đó, năm 2018, bà Mai Thị Tuyết được hỗ trợ 4 con lợn giống từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Quá trình nuôi, bà còn được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ cán bộ Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, Hội Nông dân xã, nên sau 4 tháng thả nuôi, số lợn của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi con đạt trọng lượng hơn 60kg. Nhờ nuôi lợn mà đến nay gia đình bà Mai Thị Tuyết đã có cuộc sống ổn định hơn.

Bà Mai Thị Tuyết chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Được cấp trên hỗ trợ 4 con lợn giống, gia đình nuôi 4 tháng thì xuất bán sau đó tiếp tục dùng số vốn đó để đầu tư mở rộng chăn nuôi. Nhờ vậy, gia đình tôi đã thoát được hộ nghèo”.

Qua gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, 100% hộ dân ở xã Mỹ Trạch đều đã sử dụng giống vật nuôi được hỗ trợ đúng mục đích. Đặc biệt, từ số giống vật nuôi ban đầu, nhiều hộ đã tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô nhằm tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho gia đình.

Nhờ nuôi lợn, gia đình bà Mai Thị Tuyết đã thoát nghèo bền vững.
Nhờ nuôi lợn, gia đình bà Mai Thị Tuyết đã thoát nghèo bền vững.

Đến nay, 221/221 hộ dân của xã Mỹ Trạch được hưởng lợi từ Chương trình đã thoát được nghèo. Khi đã có được việc làm, có thêm thu nhập thì ý thức người dân cũng dần được nâng cao, người dân càng có thêm điều kiện để đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo của xã Mỹ Trạch năm 2016 chiếm 27,57%, hộ cận nghèo chiếm 55,94%. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chúng tôi đã sử dụng để triển khai cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển các mô hình chăn nuôi gà, chăn nuôi bò sinh sản và bò tăng trọng, chăn nuôi lợn.

Qua những năm thực hiện, chúng tôi đánh giá các mô hình này đã đem lại hiệu quả rất cao, tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 11,07%, hộ cận nghèo còn 35%”.

Rõ ràng, đây là một Chương trình hết sức đúng đắn, rất sát dân và hợp lòng dân. Đặc biệt, đối với các xã bãi ngang thuộc diện đặc biệt khó khăn như Mỹ Trạch, Chương trình chính là một chiếc "phao cứu sinh" hiệu quả giúp những người nghèo có thêm điểm tựa, có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống, vì một xã hội tiến bộ và phát triển.

Tiến Thành
(Đài TT-TH Bố Trạch)