Vốn tín dụng về với vùng cao Minh Hóa

  • 07:56 | Thứ Năm, 17/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Minh Hóa luôn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số sự quan tâm rất lớn, thể hiện qua việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách. Đặc biệt, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng do PGD Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho vay đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Từ 2 chương trình cho vay đầu năm 2003 với dư nợ 19 tỷ đồng, đến nay, sau gần 17 năm hoạt động, PGD NHCSXH huyện Minh Hóa đang thực hiện 19 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 366 tỷ đồng và trên 9.100 hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng.

Nguồn vốn của NHCSXH đã được tập trung đầu tư để phát triển các chương trình kinh tế trọng điểm của huyện, như: chương trình phát triển chăn nuôi, chương trình phát triển trồng rừng kinh tế, chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

PGD NHCSXH huyện Minh Hóa giải ngân vốn vay ưu đãi tại điểm giao dịch xã Yên Hóa.
PGD NHCSXH huyện Minh Hóa giải ngân vốn vay ưu đãi tại điểm giao dịch xã Yên Hóa.

Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân vốn vay các chương trình tín dụng, NHCSXH huyện luôn chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến các Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn.

Lãnh đạo chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo tích cực và đồng bộ về việc sử dụng vốn tín dụng hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Ông Hồ Hải Dương, Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Minh Hóa, cho biết, những năm 2002 trở về trước, huyện Minh Hoá có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (trên 75%), đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện phát triển kinh tế hộ để vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 100% thôn, bản, đông đảo hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Đồng bào đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đưa nhiều giống mới vào sản xuất, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, như: trồng rừng nguyên liệu, chăn nuôi bò, nuôi lợn bản, nuôi ong lấy mật, xuất khẩu lao động…

Những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự tập trung trí tuệ tập thể của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội từ cấp huyện đến cấp xã; sự phối hợp giúp đỡ nhiệt tình của NHCSXH cấp trên về nguồn vốn và cơ chế, chính sách.

Kết quả trên đã khẳng định nguồn vốn tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được dư luận xã hội, nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Hiền Phương