Trường Xuân trên hành trình giảm nghèo

  • 08:48 | Thứ Hai, 07/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trường Xuân là một trong hai xã miền núi của huyện Quảng Ninh, nơi cư trú của người Kinh và người Vân Kiều anh em. Trong chiến tranh hay ở thời bình, tình cảm đồng bào Trường Xuân luôn cố kết, keo sơn. Trên hành trình giảm nghèo bền vững, tinh thần đoàn kết thêm một lần nữa phát huy sức mạnh.

Còn sức mạnh là không lo đói nghèo

Câu nói đó là của ông Hồ Văn Thương, nguyên trưởng bản Khe Dây trải lòng cách đây khoảng 15 năm về trước. Bây giờ Hồ Lịch, một người Vân Kiều bản Khe Dây đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Xuân nhắc lại, ý tứ không sót chữ nào.

Và đó là nếp nghĩ dung dị của đồng bào Vân Kiều xã Trường Xuân, sức mạnh ở đây chính là niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vào khối đại đoàn kết toàn dân để chiến thắng đói nghèo.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Định tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại bản Khe Ngang, xã Trường Xuân.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Định tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại bản Khe Ngang, xã Trường Xuân.

Từ bản Khe Dây, đi sâu thêm một chút nữa sẽ đến bản Khe Ngang, nơi định cư trên 100 hộ đồng bào Vân Kiều. Trưởng bản Hồ Nam bảo: “Khe Ngang đã qua rồi thời cam khổ, khi dân bản hiện duy trì 16 ha lúa nước, 200 ha đất rừng, biết kết hợp trồng rừng và chăn nuôi. Bây giờ, ở bản Khe Ngang, nhà nào còn đói cái bụng thì nhà đó không biết cách làm ăn, không có ý chí phấn đấu thôi. Chẳng lẽ cứ trông chờ, ỷ lại mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước!”.

Phía bên kia sông Đại Giang là bản Lâm Ninh, dân số của bản trên 50 hộ, gần 200 nhân khẩu. Trưởng bản Hồ Hơn tự hào: “Lâm Ninh là một trong ba bản đồng bào Vân Kiều ở Trường Xuân trồng được lúa nước, hai bản còn lại là Khe Ngang và Khe Dây. Với diện tích trên 5 ha, lúa nước bản Lâm Ninh gieo hai vụ hẳn hoi. Về cơ bản, bà con bảo đảm, chủ động lương thực, không còn chờ cứu trợ như trước đây nữa”.

Theo trưởng bản Hồ Hơn, cái bụng đồng bào vui nhất là khi con đường bê tông phẳng lỳ nối từ chân cầu Long Đại chạy thẳng lên đến tận bản. “Lâm Ninh giờ gần lắm với đồng bằng hơn tất thảy các thôn, bản khác trong xã”, Hồ Hơn tự hào.

Trở lại với bản Khe Dây, Hồ Lịch cho biết: “40 hộ dân của bản canh tác 9 ha lúa, trở thành bản Vân Kiều đầu tiên trong xã làm lúa nước. Hiện tại, cái ăn thì không cần lo lắng nữa. Ngoài ra, bản còn nhận thêm 200 ha rừng, bình quân mỗi hộ khoảng 5 ha để trồng keo, tràm. Nhờ vào trồng rừng, kinh tế bà con cải thiện rất nhiều”.

Ở bản Khe Dây, kinh tế gia đình Hồ Lịch vững nhất, trong vườn trồng hơn 100 gốc tiêu, sở hữu 7 ha rừng trồng keo, mỗi vụ khai thác thu từ 30 đến 40 triệu đồng/ha. Năm 2019, Hồ Lịch mạnh dạn đứng ra đấu thầu mặt nước hồ thủy lợi Khe Dây để thả cá. Đợt thí điểm đầu tay, Hồ Lịch “chịu chơi” chi đến 65 triệu đồng mua các giống cá về thả. Dự kiến, nếu thời tiết thuận lợi, không có lũ lụt, chắc chắn gia đình sẽ có nguồn thu lớn.

Huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Võ Thành Đồng khái quát: “Diện tích tự nhiên toàn xã trên 15.634 ha, trong đó, đất nông nghiệp chỉ 346 ha, còn lại là đất rừng, núi đá vôi. Nói như vậy để thấy tiềm năng kinh tế rừng ở Trường Xuân còn rất lớn, nếu thực hiện tốt chủ trương giao đất, giao rừng cho đồng bào phát triển sản xuất, chắc chắn đây sẽ trở thành một hướng giảm nghèo bền vững. Toàn xã có 9 thôn, bản với dân số 849 hộ, 2.822 khẩu. Đồng bào Vân Kiều sinh sống tại 4 bản: Lâm Ninh, Khe Dây, Khe Ngang, Hang Chuồn với 246 hộ, 795 khẩu".

Huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, trong đó, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh là hướng đột phá để giảm nghèo ở xã Trường Xuân. Giai đoạn 2012-2018, ngân sách Nhà nước hỗ trợ nhiều tỷ đồng xây dựng hồ đập thủy lợi, khai hoang đất sản xuất, kênh mương tưới tiêu nội đồng, công trình nước sạch…

Nhiều hộ đồng bào Vân Kiều xã Trường Xuân đã chú trọng phát triển kinh tế theo mô hình vườn, ao, chuồng.
Nhiều hộ đồng bào Vân Kiều xã Trường Xuân đã chú trọng phát triển kinh tế theo mô hình vườn, ao, chuồng.

Ngoài kênh hỗ trợ từ Nhà nước, xã Trường Xuân còn nhận được sự giúp đỡ thiết thực của các dự án, tổ chức phi chính phủ trong nỗ lực giảm nghèo. Dự án SRDP (Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo) qua 3 năm triển khai giúp người dân Trường Xuân thành lập 30 tổ hợp tác về chăn nuôi bò, nuôi ong, nuôi gà, trồng keo, trồng dược liệu…

Tổng số vốn Dự án SRDP hỗ trợ là gần 2,5 tỷ đồng. Dự án Jica giúp thành lập 21 mô hình nuôi bò, gà cho đồng bào Vân Kiều bản Lâm Ninh. Tổ chức Plan xây dựng 25 mô hình nuôi gà cho đồng bào Vân Kiều tại 2 bản Khe Dây, Hang Chuồn…

Từ trong thực tiễn lao động, sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xã Trường Xuân thành lập được 10 nhóm tiết kiệm tín dụng, huy động vốn tiết kiệm trên 317 triệu đồng và vốn vay 1,6 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Ninh tạo điều kiện cho 575 hộ gia đình vay phát triển sản xuất kinh doanh, tổng dư nợ trên 21.680 triệu đồng. Các kênh hỗ trợ tín dụng giúp người dân xã Trường Xuân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vay và sử dụng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Bằng những nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội cùng “bản lĩnh” từ người dân, nhất là đồng bào Vân Kiều, tỷ lệ hộ nghèo của xã Trường Xuân có chiều hướng giảm mạnh.

Phó Chủ tịch UBND xã Võ Thành Đồng cho biết: “Nghị quyết HĐND xã đề ra là giảm hộ nghèo hàng năm 3 đến 4%, nhưng thực tế kết quả đạt được rất khả quan. Nếu như năm 2015 hộ nghèo chiếm 31,06% với 196 hộ; hộ cận nghèo 11,41% với 72 hộ thì đến năm 2018, hộ nghèo giảm xuống 20,65% với khoảng 145 hộ. Từ đây đến hết nhiệm kỳ, xã cố gắng giảm tiếp hộ nghèo xuống còn khoảng 13%, chỉ còn 98 hộ".

Ngô Thanh Long