Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình

Chung tay thay "áo mới" cho nông thôn Quảng Bình

  • 08:47 | Thứ Hai, 07/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Bình đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Các vùng nông thôn "khoác" lên mình diện mạo tràn đầy sức sống mới với những đổi thay mạnh mẽ trong kinh tế-xã hội nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân...

Đột phá từ cơ chế đặc thù

Bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, Quảng Bình là một trong những địa phương có xuất phát điểm thấp nhất cả nước. Năm 2010, bình quân toàn tỉnh mới đạt 3,6 tiêu chí/xã, 104/136 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có nhiều xã "trắng" về các tiêu chí NTM.

Điều kiện tự nhiên không thuận lợi với nhiều loại địa hình khác nhau dẫn đến sự manh mún trong tổ chức sản xuất, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt; thu nhập bình quân đầu người chưa tới 10 triệu đồng/năm.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, sản lượng.
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, sản lượng.

Bởi vậy, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là các tiêu chí về kết cấu hạ tầng cần nguồn lực đầu tư lớn. Nhưng với truyền thống quê hương "Hai giỏi", Quảng Bình đã có những quyết sách đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn từng địa phương, phát huy tối đa mọi nguồn lực để xây dựng NTM.

Xác định xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là chương trình mang tính lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Tỉnh ủy Quảng Bình đã kịp thời ban hành Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

Cấp ủy các cấp đã chủ động ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình hành động thực hiện chương trình NTM. Ban chỉ đạo xây dựng NTM đã được thành lập ở ba cấp (tỉnh, huyện, xã).

Nhiều sở, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội thành lập tổ giúp việc, một số xã thành lập thêm các tiểu ban giúp việc phụ trách các nội dung, như: xây dựng cơ bản, tuyên truyền, vận động xây dựng NTM...

Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết, chỉ đạo thực hiện các nội dung về huy động và bố trí nguồn lực, phát triển sản xuất. Nhiều địa phương quyết liệt trong luân chuyển, bố trí cán bộ đủ năng lực để xây dựng NTM.

Ngoài ra, công tác đào tạo tập huấn đã được quan tâm triển khai thực hiện từ tỉnh đến xã, góp phần làm thay đổi nhận thức về xây dựng NTM với 664 lớp, gần 30.000 lượt học viên tham gia.

Công tác tuyên truyền về NTM được triển khai có hiệu quả, từ đó nhận thức của cán bộ và người dân đã có chuyển biến rõ rệt. Người dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực, chủ động tham gia với nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động nguồn lực thực hiện Chương trình.

Để huy động nguồn lực, tạo sự đột phá trong xây dựng NTM, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai cơ chế đầu tư đặc thù và kịp thời hướng dẫn theo quy định phù hợp từng giai đoạn của Trung ương.

Những cơ chế đặc thù được áp dụng đã tạo tiền đề vững chắc để các địa phương trong toàn tỉnh phát huy tối đa nội lực, thế mạnh, góp phần khởi sắc diện mạo nhiều vùng quê nông thôn.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014-2016.

Giai đoạn 2016-2020, có 10 loại danh mục được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP. Tỉnh Quảng Bình cũng đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, đồng thời, cho phép UBND các xã được giữ lại 80% tiền đấu giá quyền sử dụng đất để phục vụ cho NTM.

Cùng với đó, nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 7 tỷ đồng/xã đối với các xã thuộc các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, TX. Ba Đồn và 9 tỷ đồng đối với các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa.

Nhiều địa phương đã chủ động ban hành thêm một số chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm huy động các nguồn lực thực hiện, ưu tiên triển khai các nội dung quan trọng, tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu của Chương trình, như: chính sách phụ cấp cho cán bộ văn phòng điều phối; cơ chế hỗ trợ vườn mẫu; khu dân cư kiểu mẫu...

Những kết quả đáng ghi nhận

Có thể nói, phong trào xây dựng NTM đã trở thành một cuộc vận động có tính lan tỏa sâu rộng, góp phần huy động sự tham gia của người dân và nguồn lực xã hội hóa. Mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt vùng miền, tôn giáo đều chung sức, hưởng ứng.

Nhiều tiêu chí khó, như: phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn, môi trường cần nguồn đầu tư lớn, nhưng nhờ sự đồng sức, đồng lòng của người dân đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Trong 10 năm qua, người dân trong toàn tỉnh đã đóng góp trên 870 tỷ đồng (bao gồm hiến đất, tài sản, ngày công, công trình quy đổi thành tiền trên 504 tỷ đồng; tiền mặt là hơn 366 tỷ đồng).

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án về nông nghiệp, nhất là là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển mới.

Trước đây, sản xuất nông nghiệp mang tính chất nhỏ, lẻ, manh mún, nay người nông dân bắt đầu quan tâm, chú trọng liên kết sản xuất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi liên kết.

Tư duy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch được nông dân từng bước tiếp thu, ứng dụng. Nhiều người tích cực học tập khoa học, kỹ thuật, áp dụng nhiều mô hình hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.

Sau một thập kỷ triển khai, đến nay, Quảng Bình đã có 62 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 45,6%, tăng 32 xã so với năm 2015, tăng 62 xã so với trước khi triển khai. Dự kiến cuối năm 2019, có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 74 xã, đạt 54,4%.

Có 1 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là TP. Đồng Hới. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 15,5 tiêu chí, cao hơn 0,2 tiêu chí/xã so với bình quân chung toàn quốc; tăng 11,9 tiêu chí/xã so với trước khi triển khai. Năm 2019, toàn tỉnh có 4 xã phấn đấu đạt xã NTM nâng cao và 3 xã phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu.

Có thể khẳng định, qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình MTQG về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Bình đã thay đổi rõ rệt. Đời sống của người dân được cải thiện, đến cuối năm 2018, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 30,4 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2010, cao hơn 2,5 triệu đồng so với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh, hiện nay chỉ còn 6,14%.

Trong 10 năm, người dân toàn tỉnh đã đóng góp 870 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Trong 10 năm, người dân toàn tỉnh đã đóng góp 870 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, trong đó nổi bật nhất là việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, hàng loạt lễ hội truyền thống tốt đẹp được tổ chức bài bản ở khắp các vùng quê. Phong trào văn nghệ, thể thao được duy trì đều đặn, rộng khắp đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho người dân.

Phát triển theo hướng bền vững

Quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể”, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Quảng Bình sẽ phát động các phong trào thi đua để xây dựng NTM theo hướng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn.

Trong đó, tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp. Quảng Bình quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong giai đoạn mới.

Cụ thể, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 81 xã (chiếm 59% số xã của tỉnh) đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt tối thiểu 16,5 tiêu chí/xã; có 10-14 xã đạt xã NTM nâng cao ; 3 xã đạt xã NTM kiểu mẫu ; 57-79 vườn mẫu NTM; 10-14 khu dân cư kiểu mẫu.

Giai đoạn 2021-2025, có 1-2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 75% số xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM (khoảng 102 xã); có 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (khoảng 28 xã); có 5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (khoảng 7 xã); không có xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế) bảo đảm đồng bộ, liên thông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao; thu nhập bình quân của người dân nông thôn trong vùng đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

X.Phú