Để ngư dân tiếp tục vươn khơi

  • 08:16 | Thứ Ba, 22/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Quảng Bình hiện có 1.438 tàu đánh bắt xa bờ. Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp-PTNT có Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS, ngày 2-5-2019 về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi, Quảng Bình đã có 388 tàu cá không đủ tiêu chuẩn, phải quay về đánh bắt vùng lộng.

Trăn trở của ngư dân

Theo báo cáo từ Chi cục Thống kê tỉnh, trong tháng 9-2019, ước tính sản lượng thủy sản khai thác toàn tỉnh đạt 6.672 tấn, giảm 18% so với tháng trước. Nguyên nhân của sự giảm sút này ngoài yếu tố thời tiết không thuận lợi còn có sự ảnh hưởng không nhỏ của lượng lớn tàu cá buộc phải khai thác từ vùng khơi chuyển vào vùng lộng do không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định mới của Bộ Nông nghiệp-PTNT.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT cho tỉnh cấp 1.043 giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi, số lượng giấy phép được cấp tương ứng với số lượng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hiện đang hoạt động.

Hàng trăm tàu cá lần lượt nằm bờ chờ cải hoán tàu theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp-PTNT.
Hàng trăm tàu cá lần lượt nằm bờ chờ cải hoán tàu theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp-PTNT.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng có chiều dài lớn nhất dưới 15m trước đây được cấp giấy phép hoạt động vùng khơi theo Luật Thủy sản năm 2013, nay không được cấp giấy phép hoạt động vùng khơi, gây khó khăn cho ngư dân khi hoạt động trên biển.

Trò chuyện với ngư dân Nguyễn Văn Thứ trú tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, chủ tàu cá QB98058TS, được biết, tàu của ngư dân này chỉ có chiều dài 14,5m. Theo Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS, tàu của anh Thứ buộc phải khai thác thủy sản vùng lộng, phạm vi đánh bắt bị thu hẹp.

"Tàu của tôi phải cải hoán thêm 50 phân nữa mới đáp ứng tiêu chuẩn. Thời gian cải hoán mất khoảng gần 1 tháng, giai đoạn này, tàu không thể vươn khơi khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, đồng thời việc trả nợ cho ngân hàng bị ảnh hướng rất nhiều", anh Thứ cho biết.

Không chỉ anh Thứ, nhiều ngư dân khác trong tỉnh cũng cho rằng, việc cải hoán tàu cá buộc họ phải vay thêm vốn ngân hàng, tình trạng nợ mới chồng nợ cũ đã tạo thêm gánh nặng cho nhiều ngư dân. Chính vì gặp nhiều khó khăn khi cải hoán nên rất nhiều chủ tàu chấp nhận quay vào bờ đi lộng.

Gỡ khó cho ngư dân

Trước những khó khăn kể trên, UBND tỉnh đã có Công văn số 876/UBND-KT, ngày 10-6-2019 đề nghị Bộ Nông nghiệp-PTNN cấp bổ sung thêm hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho các tàu cá.

Trên cơ sở đề xuất của tỉnh và một số tỉnh khác, Bộ Nông nghiệp-PTNT đã tiếp tục có công văn số 5411/BNN-TCTS (30-7-2019) về việc điều chỉnh cho phép tàu cá có chiều dài dưới 15m nhưng có công suất trên 90CV được tiến hành cải hoán, cơi nới sao cho bảo đảm chiều dài theo quy định được triển khai trong Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức rà soát, hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu để đủ điều kiện cấp hạn ngạch khai thác xa bờ.

Để làm tốt việc này, các ngư dân có tàu dưới 15m nhưng có nhu cầu cải hoán cần trực tiếp đem hồ sơ kỹ thuật tàu đến Chi cục Thủy sản tỉnh đăng ký, xem xét và cấp văn bản chấp thuận để báo cáo Bộ Nông nghiệp-PTNT xem xét cấp bổ sung hạn ngạch. Hạn chót yêu cầu các tỉnh báo cáo trước ngày 31-12-2019  và thời hạn hoàn thành việc cải hoán là ngày 1-1-2020.

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Quảng Bình được cấp giấy phép hoạt động vùng khơi cho 1.043 tàu cá. Tuy nhiên, hiện nay, có gần 388 tàu cá đã nhiều năm tham gia khai thác thủy sản vùng khơi nhưng không đủ chuẩn về kích thước phải quay về vùng lộng hoặc gần bờ. Điều này gây ảnh hưởng đến nguồn thu cho ngư dân khi nguồn lợi thủy sản vùng lộng không dồi dào.

Quảng Bình cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT bổ sung 558 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy vùng khơi. Trong đó, 32 giấy phép xin cho các tàu cá đã được cấp văn bản chấp thuận cải hoán vỏ từ dưới 15m trước thời điểm nhận được công văn 2030/BNN-TCTS (25-3-2019) của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 377 giấy phép cho các tàu cá dài dưới 15m nhưng công suất trên 90CV đã từng được cấp phép khai thác vùng khơi trước đó và 149 giấy phép cho tàu có chiều dài dưới 15m nhưng có chiều dài thực tế từ 15m trở lên.

Đồng thời, để triển khai hiệu quả Công văn số 5411/BNN-TCTS, Sở Nông nghiệp-PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm gỡ khó cho ngư dân trong tỉnh.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, cần chỉ đạo các phòng, ban, chuyên môn, các xã, phường nghề cá khẩn trương thông báo và hướng dẫn cho các chủ tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng có chiều dài lớn nhất dưới 15m có nhu cầu cải hoán lên trên 15m để có đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP đăng ký và lập hồ sơ gửi về Sở Nông nghiệp-PTNT (qua Chi cục Thủy sản) để được thẩm định và cấp văn bản chấp thuận. Đồng thời, cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ việc cấp văn bản chấp thuận cải hoán tàu cá để có đủ điều kiện hoạt động vùng khơi.

Riêng Chi cục Thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ với Phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường nghề cá tuyên truyền, phổ biến cho các chủ tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng có chiều dài lớn nhất dưới 15m được biết để đăng ký và lập hồ sơ cải hoán.

Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tăng cường hướng dẫn, tư vấn và tạo điều kiện cho các chủ tàu lập hồ sơ thiết kế nhanh chóng và kịp thời thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế cho các chủ tàu; Trạm Kiểm soát tàu cá cũng hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các chủ tàu về hồ sơ thủ tục để nhanh chóng nhận được văn bản chấp thuận cải hoán, sớm được vươn khơi.

 Quảng Bình tạo mọi điều kiện cho các chủ tàu có công suất lớn vươn khơi nhằm hạn chế đánh bắt vùng lộng.
Quảng Bình tạo mọi điều kiện cho các chủ tàu có công suất lớn vươn khơi nhằm hạn chế đánh bắt vùng lộng.

Sau khi hoàn thành các bước trên Sở Nông nghiệp-PTNT báo cáo với UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp-PTNT xem xét cấp bổ sung thêm hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho các chủ tàu trên địa bàn toàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Linh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, tính đến thời điểm này, việc thực hiện hỗ trợ ngư dân hoàn thành các thủ tục cần thiết để vươn khơi đánh bắt thủy sản đã có những kết quả nhất định. Trong số 388 tàu cá trước đây có giấy phép khai thác biển xa nay phải cải hoán theo quy định của Bộ Nông nghiệp-PTNT, toàn tỉnh có 240-250 tàu cá đang có nhu cầu cải hoán đủ 15m theo quy định mới.

Hiện toàn tỉnh có 178 tàu đăng ký cải hoán và Sở Nông nghiệp-PTNN đã cấp văn bản chấp thuận cho 161 tàu, trong đó có 20 tàu được cải hoán xong đang chờ cấp hạn ngạch để được khai thác; có 15 tàu đã có hồ sơ thiết kế hoàn chỉnh đang chờ thẩm định và còn nhiều tàu khác đang tiếp tục được hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm giúp bà con ngư dân yên tâm sớm vươn khơi, bám biển.

Mặt khác, để các chủ tàu vươn khơi thuận lợi, yêu cầu các chủ tàu cần cam kết hoạt động đúng nghề, vùng khai thác theo quy định, cải hoán tàu để nâng cao năng lực tàu cá phục vụ sản xuất, bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật khai thác ở vùng khơi.

Các ngư dân không được tự ý cải hoán tàu, những tàu các sau khi được ngư dân tự ý cải hoán sẽ không được cấp phép khai thác vùng khơi do không có hạn ngạch, đồng thời cũng không thể khai thác thủy sản ở vùng lộng do tàu đã cải hoán trên 15m.

Hiền Phương