Thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng

  • 08:50 | Thứ Bảy, 07/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thực hiện đề án "Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải", hiện nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ đang nỗ lực để đạt được chứng chỉ rừng (CCR) tự nhiên và chứng chỉ rừng trồng. Từ đó, các tỉnh sẽ quản lý hiệu quả toàn bộ diện tích rừng hiện có, bảo đảm và nâng cao các giá trị về kinh tế-xã hội, môi trường, phù hợp với yêu cầu và tiến trình phát triển của quốc tế.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, CCR được đánh giá là phương thức để thiết lập quản lý rừng bền vững (QLRBV) nhằm bảo đảm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường và xã hội.

Việc cấp CCR ở nước ta được thực hiện theo hệ thống FSC. Về lợi ích kinh tế, thực tế đã chứng minh gỗ khai thác từ một khu rừng được cấp chứng chỉ FSC có thể mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn gỗ khai thác từ rừng không hoặc chưa được cấp chứng chỉ.

Rừng đạt chứng chỉ FSC tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Rừng đạt chứng chỉ FSC tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Nghiên cứu về mô hình chứng chỉ tại vùng dự án phát triển ngành lâm nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên-Huế) cũng cho thấy các nhóm hộ trồng rừng ở đây khi bán gỗ từ rừng có chứng chỉ mang thu nhập kinh tế cao hơn từ 28% đến 30% so với gỗ từ rừng không có chứng chỉ. CCR cũng nâng cao lòng tin của người tiêu dùng, bảo đảm khả năng thâm nhập thị trường tốt hơn thông qua sự khác biệt do chứng chỉ rừng mang lại.

Những năm gần đây, các thị trường quan trọng, như: Hoa Kỳ và châu Âu, luôn đòi hỏi gỗ và sản phẩm từ gỗ khi thâm nhập các thị trường này phải có nguồn gốc hợp pháp và có CCR do Hội đồng quản lý rừng FSC cấp. Đối với Việt Nam, hai thị trường này là đầu ra cực kỳ quan trọng đối với ngành chế biến khi hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 75% sản phẩm lâm nghiệp vào hai thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Việc thực hiện CCR đóng vai trò quan trọng nhằm giúp bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, phục hồi các giá trị bảo tồn cao, giảm phát thải carbon; đồng thời, giám sát hoạt động sử dụng hóa chất, sinh vật biến đổi gen, chuyển đổi rừng trong các hoạt động QLRBV.

Xác định tầm quan trọng của CCR trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Chính phủ đã có những chính sách để thúc đẩy cấp CCR trên địa bàn cả nước nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Cụ thể, Quyết định 1288/QĐ-TTg, ngày 1-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án QLRBV và CCR; trong đó, định hướng giai đoạn 2018-2020, xây dựng và tổ chức cấp CCR cho 300.000 ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình và ban quản lý rừng phòng hộ; giai đoạn từ năm 2020-2030, xây dựng và tổ chức cấp CCR cho 1.000.000 ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình và ban quản lý rừng phòng hộ.

Năm 2006, đơn vị được cấp CCR đầu tiên ở Việt Nam là Công ty trồng rừng Quy Nhơn liên doanh với công ty New Oji (Nhật Bản) với tổng diện tích 9.762,61 ha rừng trồng với loài cây chính là bạch đàn Urophylla. Tính đến nay, diện tích CCR Việt Nam mới chỉ đạt khoảng gần 237 nghìn ha, trong đó có 151 nghìn ha rừng trồng và gần 86 nghìn ha rừng tự nhiên tại 23 tỉnh trên cả nước.

Con số này còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra, đồng thời chưa đáp ứng được nhu cầu gỗ có chứng chỉ cho xuất khẩu hiện nay. Mặc dù, năm 2018, giá trị xuất khẩu đã đạt 9,382 tỷ USD, vượt so với mục tiêu 7,8 tỷ USD trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản nước ta cũng đang đứng trước những thách thức lớn.

Đó là nhiều thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có những yêu cầu rất cao về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu và các tiêu chuẩn quốc tế về QLRBV, đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải bảo đảm sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ QLRBV thì mới xuất khẩu được sang các thị trường lớn.

Ông Phạm Văn Bút, Trưởng phòng QLBVR và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết thêm, thực hiện đề án "Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải", các tỉnh Bắc Trung Bộ hiện đang nỗ lực để đạt được CCR tự nhiên và CCR trồng.

Theo số liệu năm 2015, tổng diện tích rừng trong vùng là 2,8 triệu ha (độ che phủ rừng là 57%), trong đó rừng tự nhiên chiếm khoảng 74%. Khoảng 1,7 triệu ha đất rừng hiện nay do các tổ chức của Nhà nước quản lý, phần còn lại giao cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức và cộng đồng thôn, bản. Với những đặc điểm về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội, vùng Bắc Trung Bộ có nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển CCR nhằm tiến tới QLRBV.

Tính đến cuối năm 2018, tỉnh Thừa Thiên-Huế có gần 4.000 ha rừng trồng gỗ lớn của các tổ chức, cá nhân được Đoàn tư vấn đánh giá quốc tế (GFA) công nhận và cấp chứng chỉ FSC; trong đó, có 950,98 ha của 241 hộ dân, 3.096 ha của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Tiền Phong...

Hiện mỗi năm Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu hơn 2.000 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC. Quảng Trị cũng là tỉnh có diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC rất lớn, đạt 22.158 ha (chiếm 12% diện tích toàn quốc).

Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị là đến năm 2025, tỉnh có khoảng 42.000 ha rừng trồng gỗ lớn có chứng nhận FSC. Hợp tác xã nông nghiệp Tây Kim của tỉnh Hà Tĩnh là mô hình hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt chứng chỉ FSC vào tháng 4-2019. Mô hình này đang được tỉnh Hà Tĩnh tích cực nhân rộng trên toàn địa bàn…

Diện tích rừng trồng cung cấp gỗ lớn ở Quảng Bình hiện chưa nhiều.
Diện tích rừng trồng cung cấp gỗ lớn ở Quảng Bình hiện chưa nhiều.

Riêng đối với tỉnh Quảng Bình, năm 2014 Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHH MTVLCN Long Đại đạt CCR tự nhiên FSC. Tuy nhiên, hiện nay, Quảng Bình chưa có các mô hình QLRBV đối với rừng trồng và diện tích rừng trồng cung cấp gỗ lớn không nhiều. Đó là một trong những khó khăn mấu chốt khi Quảng Bình tham gia thực hiện chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Theo ông Phạm Văn Bút, để nâng cao diện tích rừng trồng gỗ lớn tiến tới đạt CCR, tỉnh Quảng Bình nhất thiết phải triển khai thực hiện đề án QLRBV và CCR kèm theo Quyết định 4691/QĐ- BNN-TCLN, ngày 27-11-2018 của Bộ NN-PTNT.

Bên cạnh đó, cũng cần nỗ lực liên kết các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu để đạt CCR kèm bao tiêu sản phẩm, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các dự án để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Người dân trên địa bàn cũng cần được hướng dẫn kỹ thuật kinh doanh rừng theo hướng bền vững và nâng cao giá trị lâm sản.

“Việc thực hiện CCR là một quá trình dài hơi cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự lồng ghép của các chương trình dự án và nỗ lực các chủ rừng. Có như vậy, Quảng Bình mới quản lý hiệu quả toàn bộ diện tích rừng hiện có, từng bước bảo đảm và nâng cao các giá trị về kinh tế, xã hội, môi trường của rừng thông qua QLRBV và cấp CCR, phù hợp với yêu cầu và tiến trình phát triển của quốc tế trong việc bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ cho sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản”, ông Phạm Hồng Thái cho nhấn mạnh thêm.

REDD+ là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính: Giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế suy thoái rừng; bảo tồn trữ lượng các-bon rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

Trong đó, quản lý rừng bền vững được xem là hoạt động trọng tâm trong thực hiện REDD+; quản lý rừng bền vững cũng là nguyên tắc xuyên suốt của hoạt động lâm nghiệp trong Luật Lâm nghiệp mới 2017.

QLRBV là mục tiêu, còn chứng chỉ rừng được ví như một trong những công cụ hay biện pháp chủ yếu để đạt mục tiêu đó. Trong đó, chứng chỉ quản lý rừng là giấy chứng nhận cấp cho những chủ rừng được tổ chức quản lý lâu dài bền vững theo Bộ tiêu chuẩn của Tổ chức Quản trị rừng quốc tế hoặc tổ chức được ủy quyền cấp chứng chỉ.

Hương Trà