Phát triển nguồn nhân lực HTX: Cần những "cú hích" mạnh mẽ

  • 08:28 | Chủ Nhật, 15/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, đội ngũ nhân lực các HTX trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận, như: trình độ chuyên môn hóa đạt mức cao hơn; kiến thức, kỹ năng quản lý được bồi dưỡng; độ tuổi được trẻ hóa… Tuy nhiên, trong bối cảnh yêu cầu đặt ra ngày càng cao đối với sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến nâng tầm giá trị nông sản, vẫn còn đó không ít khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp.

Thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) của HTX SXKD DVNN Hàm Hòa, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh có 3 người thì cũng đều trên 55 tuổi; thậm chí, Chủ tịch HĐQT của HTX cũng đã bước qua tuổi 69. Trình độ của thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, kế toán viên… cũng chủ yếu sơ cấp, trung cấp, có thành viên trình độ Cao đẳng nhưng lại chuyên ngành cơ khí (!?).

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các HTX đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các HTX đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng.

Ông Nguyễn Công Luân, Chủ tịch HĐQT của HTX chia sẻ, mặc dù tất cả các thành viên của HĐQT, Ban kiểm soát đều rất nhiệt tình, năng nổ, nhưng trên thực tế, có nhiều phần việc của HTX đòi hỏi phải có kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn cao, đặc biệt trong tính toán sổ sách kế toán, lập kế hoạch, phương án kinh doanh sản xuất...

Mới đây, HTX được giao nhiệm vụ triển khai xây dựng chuỗi giá trị cho dưa hấu Hàm Ninh, tiến tới phát triển thương hiệu nông sản, chủ động tạo liên kết cho đầu ra của sản phẩm. Đây là công việc khó, đòi hỏi không chỉ sự nhiệt tình mà còn cần cả đầu óc kinh doanh nhạy bén, bắt kịp xu hướng thị trường.

Do đó, tập thể thành viên HTX sẽ nỗ lực hết mình, nhưng cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, các cấp ngành, đoàn thể liên quan, đặc biệt các thành viên HTX rất cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo ông Hà Xuân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, trên địa bàn xã có hai HTX nông nghiệp nhưng đều gặp khó về nguồn nhân lực bởi các thành viên quản lý đều cao tuổi, trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế, trong khi yêu cầu công việc lại đòi hỏi cao.

Đây là khó khăn tất yếu trong bối cảnh lao động nông thôn đang có xu hướng xuất khẩu lao động hoặc tìm công việc khác ngoài nghề nông. Trước mắt, bên cạnh hỗ trợ tích cực cho các HTX, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực "tìm kiếm" nhân lực trẻ, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Được biết, ngày 23-1-2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 201/QĐ-UBND phê duyệt danh sách HTX tham gia thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, có 3 HTX tham gia thí điểm, gồm: HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang (xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy); HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh tổng hợp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch) và HTX nuôi ong lấy mật Quyết Thắng (xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa).

Thời gian thí điểm từ tháng 1-2019 đến ngày 31-12-2021. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Trung ương phân bổ hàng năm cho nhiệm vụ hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực phát triển HTX. Đây được đánh giá sẽ là bước thử nghiệm quan trọng để từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ nguồn nhân lực HTX.

Chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1989, TT. Đồng Lê, Tuyên Hóa) là một trong cán bộ trẻ được thí điểm phân công về làm kế toán tại HTX nuôi ong lấy mật Quyết Thắng. Chị chia sẻ, vốn trước đây theo học chuyên ngành kế toán tại Trường đại học Quảng Bình, nên bây giờ chị không gặp nhiều khó khăn trong việc phụ trách mảng kế toán của HTX.

Cái khó nhất là việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống số liệu, báo cáo, bởi trước đây, do thiếu nghiệp vụ, kỹ năng, nên nhiều sổ sách, giấy tờ được thực hiện theo kiểu cũ, "thô sơ", chưa cụ thể, rõ ràng.

Tuy nhiên, chị được các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát… hỗ trợ và tạo điều kiện tích cực trong công việc. Chị chia sẻ thêm, với mức lương 2.290.000 đồng/tháng, chị gặp nhiều vất vả trong ổn định cuộc sống, thậm chí vẫn phải làm thêm để tăng mức thu nhập.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch HĐQT HTX nuôi ong lấy mật Quyết Thắng cho biết, việc phát triển từ mô hình tổ hợp tác lên mô hình HTX đòi hỏi yêu cầu cao về nguồn nhân lực. Trong khi đó, 3 thành viên của HĐQT cũng đã trên 60 tuổi, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu sót, nhiều kiến thức, kỹ năng mới khó cập nhật…

Từ khi chị Hiền được phân công về HTX vào đầu năm 2019, nhiều phần việc khó được giải quyết nhanh chóng, gọn gàng, các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát cũng chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức kỹ năng và có sự trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, nhiệt tình với thành viên mới của HTX.

Theo ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, việc thiếu nguồn nhân lực có đào tạo, bảo đảm chất lượng là vấn đề nan giải của các HTX trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, ngoài các HTX mới thành lập sau này, các HTX đã thành lập trước đó, nhất là HTX nông nghiệp, tỷ lệ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, kế toán… cao tuổi, chưa có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp vẫn ở mức cao.

Được hỗ trợ thêm cán bộ trẻ có chuyên môn, nghiệp vụ, HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá hơn trong thời gian tới.
Được hỗ trợ thêm cán bộ trẻ có chuyên môn, nghiệp vụ, HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá hơn trong thời gian tới.

Để hoàn thiện và nâng cao nguồn nhân lực HTX, một trong những hoạt động vẫn đang được Liên minh HTX phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan tích cực triển khai chính là mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Đồng thời, chủ trương đưa cán bộ trẻ về các HTX được xem là giải pháp phù hợp và cấp thiết.

Tuy nhiên, vẫn cần nhiều cân nhắc. Bởi, mới đây, khi được đề nghị chuyển 1 cán bộ trẻ về công tác, HTX DVNN Đức Ninh (TP. Đồng Hới) đã từ chối. Bà Đặng Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, đội ngũ nhân lực HTX vẫn đảm đương tốt công việc hiện tại và không gặp khó khăn nhiều trong quản lý, điều hành.

Những giải pháp tích cực để giải quyết "bài toán" thiếu hụt nguồn nhân lực HTX sẽ cần nhiều thời gian để chứng minh tính hiệu quả. Do đó, trước mắt, các HTX, nhất là HTX nông nghiệp phải chủ động, linh hoạt hơn nữa trong kiện toàn nhân lực, đồng thời mạnh dạn có những đề xuất, kiến nghị phù hợp.

Bên cạnh đó, rất cần một cuộc khảo sát, điều tra nghiên cứu tổng thể về nhân lực HTX trên địa bàn tỉnh để có những hướng đi, giải pháp hiệu quả hơn trong tương lai.

Quảng Bình hiện có 311 HTX đang hoạt động với 146.057 thành viên và 3.952  lao động. Trong đó, 197 HTX nông lâm nghiệp; 8 HTX thủy sản; 39 HTX TTCN; 13 HTX xây dựng; 12 HTX giao thông vận tải; 11 HTX thương mại-dịch vụ, du lịch; 7 HTX môi trường, nước và 24 Quỹ Tín dụng nhân dân.

Tổng nguồn vốn 4.441.538 triệu đồng.Doanh thu bình quân 2.300 triệu đồng/năm/HTX. Lãi bình quân 230 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân người lao động trong HTX là 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Mai Nhân