Chuyện quản lý:

Khi cộng đồng trách nhiệm không được xác lập!

  • 08:46 | Thứ Sáu, 20/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Vốn là một xã ở vùng đồi núi, khó khăn, trước năm 2017, chính quyền địa phương và người dân xã nọ luôn trăn trở với bài toán nuôi con gì, trồng cây gì. Cho đến một ngày, khi cây lạc cắm rễ trên vùng đồi núi khô cằn này.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế do cây lạc mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây màu khác, ngay sau đó, địa phương đã tiến hành quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung với diện tích gần 30ha.

Cây lạc cũng được xác định sẽ là một trong những cây trồng trọng điểm trong phát triển kinh tế của địa phương. Cơ hội cho cây lạc phát triển chưa dừng lại ở đó, khi có một đơn vị cam kết sẽ hỗ trợ một phần phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Khỏi phải kể hết niềm vui của người nông dân và chính quyền địa phương nơi đây.

Năm 2018, người dân hào hứng bắt tay vào trồng lạc trên quy mô lớn. Đây cũng là năm diện tích lạc trên địa bàn xã tăng cao đột biến. Nếu như trước đây người dân chỉ sản xuất nhỏ lẻ, mang tính cá thể nông hộ, thì giờ đây, chỉ tính riêng diện tích sản xuất tập trung đã lên đến gần 30ha. Tưởng chừng, với người nông dân chỉ cần bấy nhiêu là đủ yên tâm để sản xuất.

Thế nhưng, đơn vị bao tiêu sản phẩm nói trên chỉ giữ được lời hứa trong vụ mùa năm đó. Còn vụ lạc sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, hàng trăm tấn lạc đến kỳ thu hoạch đơn vị này không đến thu mua kịp, người dân buộc phải bán tống, bán tháo cho thương lái. Theo một vị lãnh đạo địa phương, vì lý do đó mà diện tích sản xuất lạc trên địa bàn xã năm 2019 sụt giảm chỉ còn hơn 10ha, vùng quy hoạch sản xuất lạc tập trung mới hình thành có nguy cơ “phá sản”.

Giải thích cho sự thất hứa nói trên, chủ đơn vị bao tiêu, chế biến nông sản này liền nhanh chóng đổ lỗi cho ban cán sự các thôn của địa phương nói trên thông báo ngày thu hoạch quá gấp, nên đơn vị không xoay xở kịp.

Mặt khác, tại thời điểm đó, nhà kho của đơn vị chưa hoàn thiện nên không thể thu mua với số lượng lớn. Vị này còn cho biết thêm, địa phương nói trên được đơn vị xác định sẽ là vùng nguyên liệu lạc trọng điểm. Bởi, lạc ở đây dù không đẹp, nhưng chất lượng tinh dầu cao hơn nơi khác đến gần 30%.

Thế nhưng, khâu yếu của chính quyền địa phương ở đây chính là chưa làm tròn nhiệm vụ kết nối giữa người nông dân và đơn vị bao tiêu, còn người nông dân vẫn làm ăn theo kiểu cò con, thấy ai mua được giá cao hơn thì bán.

Dường như vẫn chưa trút hết cơn giận dữ vì sự “tắc trách” của đội ngũ cán bộ địa phương, vị này tiếp tục tuyên bố: “Chúng tôi không sợ thiếu nguyên liệu. Vì nếu thiếu chúng tôi có đội quân đi mua lẻ ở các địa phương”. Minh chứng là vừa qua (thời điểm, người nông dân xã nọ bỏ sản xuất cây lạc-PV), vì thiếu nguyên liệu, đơn vị này đã phải ra Nghệ An để nhập gần 200 tấn lạc phục vụ sản xuất.

Vậy là thay vì cùng nhau ngồi lại bàn thảo, góp ý, xây dựng một mối quan hệ như đã cam kết trước đây, câu chuyện kết nối trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ở đây cứ luẩn quẩn trong cái vòng quay trách nhiệm giữa những người lãnh đạo ở địa phương, người nông dân và đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Bởi thực tế, thiết lập, xây dựng được mối liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản, vốn đã không phải là chuyện dễ, nhưng để “nuôi dưỡng” nó phát triển một cách bền vững lại càng khó. Trong khi nhiều địa phương chật vật trong việc tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, thì những cái “bắt tay” hiếm hoi và quý giá này lại có nguy cơ bị đổ vỡ bởi chính từ sự “giữ mình” theo kiểu... thân ai nấy lo.

Dương Công Hợp