"Bám" thiên tai... làm du lịch

  • 08:27 | Chủ Nhật, 15/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Khi mùa du lịch sôi động qua đi, những người làm du lịch ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng lại đối diện với muôn vàn khó khăn do mưa bão, lũ lụt triền miên. Thay vì chỉ nghĩ đến chuyện phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt, nhiều ý tưởng bắt đầu được thực hiện để “sống chung với lũ”, ứng phó với thiên tai.

Homestay vượt lũ

Trận lũ vừa qua, Chày Lập Farmstay của Công ty TNHH Oxalis (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) bị ngập hơn 2m. Thế nhưng, 14 nhà nổi trong khuôn viên đã thể hiện được tính ưu việt khi hầu hết đều không bị ảnh hưởng.

 Các căn nhà nổi tại Chày Lập Farmstay không bị ảnh hưởng do lũ lụt nhờ thiết kế độc đáo.
Các căn nhà nổi tại Chày Lập Farmstay không bị ảnh hưởng do lũ lụt nhờ thiết kế độc đáo.

“Chày Lập đóng trên địa bàn khá thấp nên nếu bị lũ lụt thường xuyên sẽ dẫn đến việc hư hại tài sản lại mất thời gian dọn dẹp. Làm nhà nổi sẽ có ưu thế là hoàn toàn không bị ngập nước. Chỉ cần mất thời gian dọn khu sân vườn là hai ngày sau khi lũ rút có thể đón khách trở lại”, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty TNHH Oxalis chia sẻ.

Từ hiệu quả chống lũ của Chày Lập Farmstay, tại Sơn Trạch bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình cơ sở lưu trú được xây dựng đáp ứng yêu cầu vượt lũ, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Đưa vào hoạt động từ năm 2018, Pomelo Homestay (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) được thiết kế khá khác biệt so với các cơ sở lưu trú khác tại khu vực Phong Nha -Kẻ Bàng. Pomelo có 5 căn riêng biệt, được xây dựng để thích ứng với tình trạng mưa lũ diễn ra thường xuyên tại địa phương.

Phía dưới mỗi căn lắp 28 thùng nhựa to kết nối với nhau, tạo nên một bè lớn. Khi lũ lên, các thùng nhựa này sẽ giúp cho cả căn nhà nổi trên mặt nước. Anh Phan Văn Châu, chủ nhân của Pomelo Homestay khẳng định: “Thời gian để thi công một căn nhà nổi 24m2 chỉ mất gần 3 tháng. Mình tự tìm hiểu, rồi nghiên cứu và thi công nên tiết kiệm được kha khá chi phí”.

Tuy nhiên, những loại hình nhà nổi này sẽ chỉ phù hợp với khu vực nước lặng. Với địa bàn nước chảy xiết trong mùa lũ, những căn nhà như ở Chày Lập hay Pomelo không bảo đảm được tiêu chí an toàn. Đóng chân ngay tại trung tâm xã Sơn Trạch, Đoàn Gia Resort Phong Nha hiện đang thi công 25 căn nhà nổi phục vụ du lịch. Nằm ngay dưới chân núi lại sát sông Son, mỗi khi lũ đến, nơi đây thường bị ngập lụt, nước chảy mạnh.

Vì vậy, thay vì xây dựng bằng bê tông cốt thép theo lối truyền thống, Đoàn Gia Resort Phong Nha chọn phương án xây dựng các nhà nổi, phía dưới mỗi căn là 24 thùng nhựa loại lớn có thể nâng căn nhà lên cao khi nước dâng.

Theo anh Nguyễn Thái Hòa, Giám đốc Đoàn Gia Resort Phong Nha, trước khi bắt tay vào xây dựng, đơn vị đã tìm hiểu nhiều mô hình tương tự tại các nước trong khu vực, đồng thời thuê đơn vị tư vấn thiết kế tại thành phố Hồ Chí Minh để tính toán những phương án phù hợp nhất. 25 căn nhà nổi được thiết kế khá đặc biệt, nhất là hệ thống các thanh trượt giúp cho căn nhà có thể linh động di chuyển vào những thời điểm nước lũ chảy xiết.

Theo ông Trần Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, hiện toàn xã có 110 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 58 homestay. Sơn Trạch là vùng “rốn lũ” nên có 90%homestay được xây dựng theo mô hình nhà tránh lũ, chủ yếu là dạng nhà sàn.

Trận lũ vừa qua, toàn xã có 70% cơ sở lưu trú bị ảnh hưởng, tuy nhiên, với những homestay xây dựng kiểu nhà sàn, thiệt hại không đáng kể. Những trận lũ liên tiếp trong các năm 2016, 2019 đã khẳng định được hiệu quả của những mô hình nhà ở, nhất là các cơ sở kinh doanh du lịch phù hợp với điều kiện thời tiết, ứng phó với thiên tai.

Tour trải nghiệm nước lũ, nên chăng?

Trong những ngày mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã Sơn Trạch có gần 500 khách du lịch lưu trú lại. Số ít không kịp di chuyển đi nơi khác, còn chủ yếu là muốn lưu lại trong những ngày lũ để có những trải nghiệm khác biệt. Để bảo đảm an toàn cho du khách, UBND xã Sơn Trạch đã có khuyến cáo yêu cầu các cơ sở lưu trú không cho khách đi vào rừng trong những ngày lũ.

Anh Lê Lưu Dũng, chủ nhân của Jungle Boss Homestay cho biết: “Khi có tin sắp có lũ, chúng tôi đã thông báo cho khách, nói trước với họ sẽ có những khó khăn gì khi lũ đến và khuyên họ nên di chuyển.

Tuy nhiên, một số du khách nước ngoài xin được lưu lại để trải nghiệm và giúp đỡ mình dọn lũ. Họ rất thích thú và bảo rằng đó là những trải nghiệm chưa bao giờ được trải qua trong đời”.

Cũng theo anh Dũng, trong những ngày lũ, anh đã có dịp chèo thuyền ra khu vực rừng keo ngay dưới chân núi. Thời điểm tạnh mưa, lại đúng lúc từng đàn cò kéo nhau trở về, cảnh sắc rất thú vị. Điều đó khiến anh nảy ra ý tưởng có thể sẽ xây dựng một tour du lịch mùa lũ vào năm sau để phục vụ cho những khách ưa khám phá và thích mạo hiểm.

Tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), loại hình du lịch trải nghiệm lũ lụt bắt đầu manh nha từ năm 2011. Du khách lưu trú tại đây vào những ngày mưa lũ có thể chèo thuyền hoặc lội nước ngay trên chính những con phố cổ ngập lũ. Sản phẩm này được coi là ý tưởng độc đáo và khá táo bạo. Thực tế, loại hình du lịch thiên tai cũng đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới.

Theo đó, du khách sẽ trực tiếp đến tại những vùng có thiên tai, thảm họa, trải nghiệm những cảm giác mới lạ, chứng kiến những hậu quả của thiên tai và cùng tham gia vào việc cứu hộ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Xu hướng du lịch này thường được du khách châu Âu-những người ưa thích du lịch mạo hiểm và du lịch có trách nhiệm-tham gia trải nghiệm khá nhiều.

Du khách trải nghiệm nước lũ tại Phong Nha.
Du khách trải nghiệm nước lũ tại Phong Nha.

Quay lại với câu chuyện nên chăng xây dựng tour trải nghiệm mùa lũ ở Phong Nha-Kẻ Bàng, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty TNHH Oxalis khẳng định: “Việc xây dựng một tour du lịch mới đòi hỏi phải có kế hoạch bài bản và thực hiện lâu dài. Trong khi đó, thiên tai, lũ lụt là điều không ai mong muốn và cũng không được báo trước.

Vì vậy, thay vì xây dựng tour, các đơn vị kinh doanh du lịch cần tổ chức một vài hoạt động cho khách cùng trải nghiệm. Điều này sẽ làm giảm những lo lắng cho du khách khi mắc kẹt lại vì lũ”.

Cũng theo một số đơn vị trên địa bàn Phong Nha, rất nhiều khách hào hứng với việc trải nghiệm lội nước, chèo thuyền hay kéo lưới, bắt cá tại vùng nước lũ. Tuy nhiên, điều này đặt ra yêu cầu phải bảo đảm tính an toàn và không ảnh hưởng đến các hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt của người dân trên địa bàn.

Biến đổi khí hậu mà đặc trưng nhất là tình hình diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai đang ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh du lịch. Thay vì chỉ nghĩ đến việc phòng chống và khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, du lịch cần tiệm cận dần việc thích ứng với biến đổi khí hậu, "bám" thiên tai làm du lịch.

Theo chị Lê Thị Bích, Giám đốc Công ty TNHH Le Mitchell, cùng với việc thay đổi cách thức làm du lịch, điều quan trọng nhất là chú trọng phát triển du lịch bền vững. Muốn vậy, cần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương để hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu.

Diệu Hương