Xã Ngư Hóa:

Thoát nghèo từ trồng rừng kết hợp chăn nuôi

  • 10:18 | Thứ Bảy, 10/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa) đã tập trung triển khai các chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn thả các loại gia súc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân từ xuất phát điểm đời sống khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng từ việc phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp.

Trước đây, gia đình chị Trần Thị Sâm ở thôn 5, xã Ngư Hóa là một trong những hộ nghèo, khó khăn nhất ở địa phương, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào đất màu ít ỏi trồng sắn và khoai lang. Năm 2003, xã Ngư Hóa có chủ trương giao rừng cho người dân để trồng rừng kinh tế. Nhận thấy đây là một hướng đi mới có thể làm giàu hiệu quả, hai vợ chồng chị mạnh dạn nhận 15 ha rừng để trồng keo lai.

Nhờ anh chị chịu khó chăm sóc cùng với việc được trồng trên chất đất tốt nên cây keo phát triển nhanh. Với mỗi lứa keo sau 4 đến 5 năm có thể thu hoạch, chị cho trồng xen kẽ qua từng năm để có thu nhập liên tục, nhờ đó, gia đình chị có thể quay vòng vốn để tiếp tục đầu tư vào phát triển chăn nuôi các loại gia súc, như: trâu, bò, dê. Hiện tại, trung bình mỗi năm gia đình chị có mức thu nhập từ chăn nuôi và trồng rừng trên 100 triệu đồng, bảo đảm cuộc sống và nuôi các con ăn học.

Phát triển kinh tế rừng trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Phát triển kinh tế rừng trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Xã Ngư Hóa có tổng diện tích tự nhiên hơn 6 nghìn ha, trong đó, diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 5,5 nghìn ha. Với điều kiện địa hình bao quanh là núi rừng, nhưng phần lớn diện tích lại nằm trải dài khá bằng phẳng nên có rất nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế rừng.

Nhận thấy tiềm năng đó, năm 2003, xã Ngư Hóa bắt đầu đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho người dân và triển khai trồng rừng đồng loạt trên địa bàn, đồng thời coi trồng rừng kinh tế là mũi nhọn để đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy hàng năm. Bên cạnh đẩy mạnh việc trồng rừng kinh tế, xã Ngư hóa còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm nguồn thu nhập thường xuyên, liên tục giữa các lứa keo, tràm.

Anh Nguyễn Ngọc Thành ở thôn Tân Lâm có trên 20 ha đất rừng trồng keo lai, khoanh trồng theo từng nhóm tuổi. Ngoài ra, anh còn mạnh dạn vay mượn thêm từ NHCSXH huyện để mua bò lai sinh sản về chăn thả trong diện tích cây trồng của gia đình. Mỗi năm, lợi nhuận thu được từ trồng keo và chăn nuôi bò lai giúp anh có thu nhập bình quân từ 100-120 triệu đồng.

Từ buổi đầu nhiều khó khăn, nay gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá giả của xã. Anh Thành chia sẻ: “Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và Hội Nông dân xã, bản thân tôi đã chủ động vay vốn để phát triển trồng rừng và chăn nuôi bò lai sinh sản, bước đầu cho thu nhập khá ổn định. Từ thu nhập đó, tôi đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng trong gia đình và nuôi các con ăn học”.

Xã Ngư Hóa hiện có 3 thôn, 160 hộ/484 khẩu, trong đó, có 140 hộ tham gia trồng rừng kinh tế với tổng diện tích trên 1.900 ha, trung bình mỗi hộ có từ 8-10 ha rừng trồng. Có 94/140 hộ tham gia xây dựng mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi với các loại gia súc, gia cầm mang lại thu nhập cao.

Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ 40-50 triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập cao trên 150 triệu đồng/năm. Nhờ biết tận dụng lợi thế từ chăn nuôi và trồng rừng để xóa đói giảm nghèo nên diện mạo nông thôn ở xã Ngư Hóa ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 40,6 % năm 2011 xuống còn 26,8% năm 2019.

Ông Thái Văn Thế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Hóa cho biết, hiện nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã đều có rừng trồng, ít nhất từ 3 ha trở lên và nhiều mô hình phát triển kinh tế kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi mang lại thu nhập cao, từng bước xóa đói giảm nghèo. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động đưa đề án phát triển kinh tế vườn hộ, vườn rừng ngày càng phát huy hiệu quả trên địa bàn.

X.P