Vương vấn trầm hương…

  • 08:30 | Thứ Sáu, 16/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - “Được hun đúc bởi nắng gió và các điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, trầm hương đã trở thành một phẩm vật quý. Hàng mỹ nghệ trầm hương vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang tính thẩm mỹ nên có giá trị kinh tế cao”, ông Trần Văn Thuận, chủ cơ sở sản xuất trầm hương Thuận Quy (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) đã mở đầu câu chuyện như vậy khi chia sẻ với chúng tôi về nghề sản xuất trầm hương.

Rời quân ngũ từ vùng biên giới Vị Xuyên, Hà Tuyên (cũ), người cựu chiến binh Trần Văn Thuận sớm lăn lộn với nghề tìm trầm. Quãng thời gian nghiệt ngã nơi rừng thiêng nước độc, đối diện với nhiều rủi ro, hiểm nguy tuy không quá dài nhưng cũng đủ để ông bén duyên và gắn bó thực sự với nghề trầm hương.

Năm 2009, ông Trần Văn Thuận bàn với vợ mở cơ sở chế tác trầm hương Thuận Quy. Đây là cách để ông gắn bó thêm với nghề trầm hương, cũng là điều kiện để ông tạo thêm việc làm cho bà con, đặc biệt là những cựu chiến binh rời quân ngũ trở về như mình.

Cơ sở sản xuất trầm hương Thuận Quy tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Cơ sở sản xuất trầm hương Thuận Quy tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Ông Thuận chia sẻ, trầm hương có nơi gọi là dó bầu, trồng từ 15 năm trở lên mới khai thác được. Quá trình tạo ra một sản phẩm trầm hương đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường chính là “hành trình” dài của sự sáng tạo. Kinh nghiệm của những tháng ngày lặn lội trong rừng sâu tìm trầm đã giúp ông Thuận nắm rõ, để tạo ra trầm, bản thân cây dó bầu phải trải qua quá trình “khổ luyện” khi thân cây bị hư hại, bị sâu, kiến ăn...

Để bảo vệ chính mình, cây dó bầu đã tự tiết ra một chất dính có mùi thơm đặc biệt và tập trung nguồn nhựa, kháng chất để bao bọc vết thương. Chính sự tương tác này là điều kiện tạo trầm trên cây dó, nơi có vết thương được chất dịch bao bọc chính là trầm hương.

Cũng theo ông Thuận, chế tác một sản phẩm trầm hương dù với hình dáng nào cũng đều phải đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng của người thợ. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế tác, đóng gói sản phẩm, tất cả phải được thực hiện một cách cẩn thận thì mới có thể tạo ra được những sản phẩm đạt chất lượng.

Để có trầm phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh, ông Thuận phải liên hệ với nhiều nơi khác nhau để “tìm nguồn” trầm tự nhiên và tự tạo. Để lấy trầm, người làm phải thực hiện nhiều công đoạn từ cưa cây, chặt thành khúc rồi đẽo, xổ; riêng với việc chế tác trầm cảnh nghệ thuật sẽ có thêm công đoạn phá xác, tỉa sạch và lắp ghép hoàn thiện sản phẩm.

Từ trầm hương có thể sản xuất, chế tác ra được nhiều sản phẩm có tính nghệ thuật , phục vụ nhu cầu đa dạng, như: hương que, hương nụ, vòng tay, trầm cảnh nghệ thuật… Với mức giá dao động từ vài triệu đến vài trăm triệu/sản phẩm, cơ sở sản xuất trầm hương Thuận Quy đã tạo việc làm thường xuyên cho 7-10 thợ lành nghề với mức thu nhập 7-12 triệu đồng/tháng.

Các sản phẩm trầm hương Thuận Quy làm ra chủ yếu được bán tại các gian hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Trừ mọi chi phí, bình quân hàng năm cơ sở sản xuất trầm hương Thuận Quy thu về nguồn lãi vài trăm triệu đồng.

Với việc tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, cơ sở sản xuất trầm hương Thuận Quy của cựu chiến binh Trần Văn Thuận chính là điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của địa phương.

Th.H