Tiếp tục chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm

  • 08:22 | Thứ Bảy, 03/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng. Phóng viên (PV) Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về một số nội dung liên quan đến các giải pháp phòng, chống dịch bệnh này.

PV: Thưa ông, tình hình bệnh DTLCP diến biến như thế nào trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng?

Ông Mai Văn Minh: Từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh DTLCP xảy ra ở 5.661 xã thuộc 534 huyện của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 3.470.967 con (cả nước chỉ còn tỉnh Ninh Thuận chưa bị dịch).

Riêng tại tỉnh Quảng Bình, đầu tháng 6-2019, DTLCP xuất hiện đầu tiên tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình trở thành tỉnh thứ 56/63 tỉnh, thành phố bị DTLCP) và tiếp tục lây lan tại một số địa phương trong tỉnh.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 106 hộ/54 thôn, bản/22 xã/6 huyện, thành phố (Minh Hóa; Lệ Thủy; Tuyên Hóa; TP. Đồng Hới; Quảng Ninh, Quảng Trạch) có dịch DTLCP, số lợn buộc tiêu hủy là 869 con, trọng lượng tiêu hủy là 44.621kg.

Hiện, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa đã công bố hết dịch; xã Đức Hóa, Phong Hóa và Mai Hóa huyện Tuyên Hóa đã qua 30 ngày, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang tham mưu UBND huyện công bố hết dịch.

Các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc “5 không” để phòng, chống dịch bệnh.
Các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc “5 không” để phòng, chống dịch bệnh.

PV: Vì sao DTLCP lại lây lan nhanh trong khi Quảng Bình đã tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn, thưa ông?

Ông Mai Văn Minh: DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên loài lợn (kể cả lợn rừng và lợn nhà), gây chết lên đến 100% số lợn mắc bệnh. Hiện chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, sức đề kháng của vi rút gây bệnh cao và có đường truyền lây đa dạng, khó kiểm soát.

Quảng Bình lại nằm ở vị trí phức tạp, có Quốc lộ 1A đi qua, giáp ranh với các tỉnh đã xảy ra DTLCP, chăn nuôi chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó trong việc phòng, chống dịch… Vì vậy, mặc dù đã triển khai các giải pháp quyết liệt phòng dịch và đã giữ được khoảng thời gian tương đối dài, nhưng trước áp lực lây lan dịch bệnh từ các tỉnh lân cận nên nguy cơ bệnh DTLCP phát sinh là điều khó tránh khỏi.

PV: Ông có thể cho biết mức độ ảnh hưởng của DTLCP đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh như thế nào?

Ông Mai Văn Minh: DTLCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh không chỉ lây trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, ký chủ trung gian quá đa dạng (ve, chuột, ruồi…).

Tuy nhiên, bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không lây sang người và không gây bệnh cho các động vật khác. Do vậy, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng thịt lợn đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát và không nên “quay lưng” với thịt lợn làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi.

Do ảnh hưởng DTLCP nên giá lợn hơi xuống thấp, trung bình từ 33.000-39.000 đồng/kg, có khi xuống đến 25.000đồng/kg. Việc tái đàn gặp nhiều khó khăn do nguồn cung cấp con giống hạn chế (các tỉnh đang có dịch), tâm lý người chăn nuôi hoang mang chưa dám tái đàn vì bệnh không có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh giảm mạnh, chỉ đạt 227.124 con/380.000 con theo kế hoạch.

Thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi và đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng.

PV: Vậy những giải pháp tiếp theo để phòng, chống DTLCP là gì, thưa ông?

Ông Mai Văn Minh: Để dập tắt hoàn toàn bệnh DTLCP trong thời điểm hiện nay vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện các văn bản của Trung ương; Chỉ thị số 31/CT-UBND ngày 21-3-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Công văn số 693-CV/TU ngày 30-5-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 28-2-2019 của UBND tỉnh; Kịch bản số 790/UBND-KT ngày 29-5-2019 của UBND tỉnh về công tác phòng, chống bệnh DTLCP.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát tại các chốt kiểm dịch phía Bắc và Nam của tỉnh nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn bệnh vào địa bàn; tăng cường cán bộ kỹ thuật về địa phương phối hợp tham gia trực tiếp chống dịch; xử lý tiêu hủy và hỗ trợ thiệt hại kịp thời theo quy định khi lợn bị bệnh DTLCP; nắm chắc diễn biến dịch bệnh, tham mưu UBND tỉnh có giải pháp sát đúng trong công tác chống dịch; tăng cường công tác kiểm tra nguồn gốc thức ăn công nghiệp, điều kiện kinh doanh buôn bán thức ăn...

Huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung chỉ đạo quyết liệt với phương châm: “hộ giữ hộ, thôn giữ tại thôn, xã giữ tại xã, huyện giữ tại huyện”, “cơ sở là chính, người chăn nuôi là chính” và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống DTLCP.

Đối với người chăn nuôi, phải thực hiện nghiêm túc “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; không vứt heo chết ra môi trường).

Do ảnh hưởng của DTLCP, tổng đàn lợn toàn tỉnh đã giảm nhiều so với kế hoạch. Để bảo đảm cho việc tái đàn sau khi khống chế được hoàn toàn dịch bệnh, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các trang trại phải có biện pháp bảo vệ các đàn lợn nái; tăng cường áp dụng các biện pháp nuôi lợn an toàn sinh học.

Bên cạnh đó, ngành cũng phối hợp tuyên truyền, vận động người dân không nên “quay lưng” với thịt lợn sạch, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi.

Trước mắt, các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê...), gia cầm, các vật nuôi khác và nuôi trồng thủy sản... để bù đắp sự thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm của nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Lê Mai (thực hiện)