Thúc đẩy phục hồi rừng và quản lý rừng bền vững

  • 10:12 | Thứ Năm, 08/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Là một trong 6 tỉnh nằm trong vùng thực hiện đề án "Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2025" (đề án), Quảng Bình có cơ hội để giải quyết các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của việc mất rừng và suy thoái rừng, nâng cao chất lượng rừng và công tác quản lý rừng bền vững. Đây là đề án thí điểm REDD+ cấp vùng đầu tiên ở nước ta.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp của việc mất rừng và suy thoái rừng của vùng Bắc Trung Bộ được xác định chủ yếu do việc mở rộng diện tích đất nông nghiệp để trồng cao su, mở rộng diện tích rừng trồng thay thế rừng tự nhiên, các dự án thủy điện và cơ sở hạ tầng, lấn chiếm và khai thác gỗ.

Tập huấn về kỹ thuật sử dụng máy tính bảng trong theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp tại huyện Minh Hoá.
Tập huấn về kỹ thuật sử dụng máy tính bảng trong theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp tại huyện Minh Hoá.

Đằng sau những nguyên nhân trực tiếp này là các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa ảnh hưởng đến các quyết định sử dụng nguồn lực ở cấp quốc gia và địa phương. Do đó, cách tiếp cận và thiết kế tổng thể của đề án là nhằm mục đích giải quyết các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của việc mất rừng và suy thoái rừng, tăng cường nâng cao chất lượng rừng và công tác quản lý rừng bền vững.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris và hoàn toàn phù hợp với các chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, như: Chiến lược tăng trưởng xanh, Chương trình hành động REDD+quốc gia, Chương trình mục tiêu về phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo.

Hơn nữa, đề án còn đóng góp tích cực vào việc thực hiện Luật Lâm nghiệp và Luật Quy hoạch 2017, Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

REDD+ là một sáng kiến quốc tế, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, thông qua 5 hoạt động chính:

- Hạn chế mất rừng

- Hạn chế suy thoái rừng

- Bảo tồn trữ lượng các-bon rừng

- Quản lý bền vững tài nguyên rừng

- Tăng cường trữ lượng các-bon

Đề án được kỳ vọng tạo ra khoảng trên 32triệu tấn CO2e (bao gồm cả giảm phát thải và tăng hấp thụ các-bon rừng) trong thời gian thực hiện đề án từ 2018-2025.

Trong đó, Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2e, tương đương với 51,5 triệu đô la Mỹ, số còn lại sẽ được mua bán tự do trên thị trường.

Ngoài lợi ích về tài chính, đề án còn mang lại các lợi ích phi tiền tệ trên các khía cạnh kinh tế-xã hội, như: duy trì sinh kế bền vững, văn hóa và cộng đồng, canh tác truyền thống và tri thức bản địa được tôn trọng, trân trọng nguồn tài nguyên rừng, tăng thu nhập và việc làm.

Lợi ích về môi trường bao gồm thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; bảo vệ và phát triển cây dược liệu và các biện pháp chữa bệnh truyền thống; các quy định về nước và quản lý lưu vực. Lợi ích về quản trị bao gồm tăng cường quản trị xã hội cấp thôn bản; quản lý và quản trị rừng bền vững; cải thiện quản lý đất, rừng tại các tỉnh và quy hoạch sử dụng đất...

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, Quảng Bình là một trong những tỉnh và vùng duyên hải thực hiện đề án. Toàn tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 64.777 ha, trong đó rừng tự nhiên 472.949 ha, tỷ lệ che phủ đạt 67,4%. Tỉnh xác định vùng ưu tiên thực hiện REDD+ cũng như vùng ưu tiên thực hiện đề án, bao gồm 6 huyện và 19 xã.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu Quảng Bình bảo vệ rừng tự nhiên tốt và tăng cường trồng rừng gỗ lớn, chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và tái sinh rừng tự nhiên hiệu quả thì tỉnh giảm phát thải ròng 2.063.288 tấn CO2 (sau khi trừ 25% không chắc chắn); đóng góp 10,5% giảm phát thải, hưởng lợi ròng 7.334.233 USD, đứng thứ nhì toàn vùng sau Nghệ An.

Tuy nhiên, Quảng Bình sẽ phải đối mặt với một số bất lợi do chưa có các mô hình quản lý rừng bền vững đối với rừng trồng và diện tích rừng trồng cung cấp gỗ lớn không nhiều trong khi rừng tự nhiên vẫn chưa dừng được đà suy thoái và mất rừng. Bên cạnh đó, việc làm thế nào để bảo đảm gỗ hợp pháp (đặc biệt là gỗ rừng trồng) và xuất khẩu lâm sản theo hiệp định có hiệu lực và được thi hành từ ngày 1-6-2019 cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Vì vậy,  theo ông Phạm Hồng Thái, để đạt được những mục tiêu của Chương trình giảm phát thải, Quảng Bình đang thực hiện các giải pháp lồng ghép Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh, có chỉ tiêu và lộ trình cụ thể.

Hội thảo về tăng cường thực thi lâm luật và bảo đảm gỗ hợp pháp tổ chức tại huyện Lệ Thủy.
Hội thảo về tăng cường thực thi lâm luật và bảo đảm gỗ hợp pháp tổ chức tại huyện Lệ Thủy.

Với việc nâng cao diện tích trồng rừng gỗ lớn và chứng chỉ rừng, tỉnh chú trọng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng theo Quyết định 4691/QĐ-BNN-TCN ngày 27-11-2018, nỗ lực tìm kiếm liên kết với các doanh nghiệp lớn xây dựng vùng nguyên liệu chứng chỉ rừng và bao tiêu sản phẩm.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đang tích cực xây dựng đội ngũ theo dõi diễn biến rừng có đủ trang bị hiện đại, được nâng cao năng lực và trình độ để đáp ứng việc đo đạc đánh giá, báo cáo, kiểm chứng lượng giảm phát thải, làm căn cứ chi trả tín chỉ các bon đến năm 2025; đồng thời, triển khai công tác tuyên truyền tới người dân, chính quyền địa phương các xã nằm trong vùng thực hiện đề án về những nội dung mới liên quan đến Luật Lâm nghiệp 2017, Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU), các nội dung liên quan đến đề án.

Với những nỗ lực thực hiện REDD+ từ năm 2012, Quảng Bình đặt mục tiêu thực hiện thành công đề án, góp phần giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng ở các điểm nóng, thúc đẩy phục hồi rừng và quản lý rừng bền vững, đóng góp trực tiếp vào cam kết của Việt Nam trong mục tiêu giảm phát thải với toàn cầu.

Quảng Bình xác định vùng ưu tiên thực hiện REDD+ cũng như vùng ưu tiên thực hiện đề án, bao gồm 6 huyện và 19 xã. Đó là: Thượng Trạch, Tân Trạch, Phúc Trạch (huyện Bố Trạch), Lâm Thuỷ, Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), Thượng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn, Hồng Hóa, Tân Hóa (huyện Minh Hóa), Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch), Cao Quảng, Kim Hoá, Lâm Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa).

Các giải quyết can thiệp tại tỉnh cũng được đưa ra bao gồm: bảo vệ rừng tự nhiên (236.620 ha), bảo vệ rừng ven biển (380 ha), chuyển đổi rừng chu kỳ ngắn sang chu kỳ dài (6.252 ha), trồng rừng gỗ lớn chu kỳ dài (3.500 ha), làm giàu rừng nghèo kiệt (3.450 ha), làm giàu rừng ven biển (2.000 ha), trồng rừng ven biển trên đất cát (1.000 ha), trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng (2.000 ha).

Hương Trà