Thành công bất ngờ của dưa hấu Dương Thủy

  • 08:31 | Thứ Sáu, 09/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Mùa hè năm nay, thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài, dưa hấu Dương Thủy là một trong số những nông sản địa phương được nhiều người tiêu dùnglựa chọn để giải khát. Xuất phát của "thương hiệu" dưa hấu này chính là từ đôi vợ chồng trẻ Võ Văn Thế và Đinh Thị Lý.

Anh Võ Văn Thế (SN 1982, thôn Nam Thiện, xã Dương Thủy) kết duyên cùng chị Đinh Thị Lý ở huyện Bố Trạch. Sau nhiều năm trồng dưa hấu ở quê vợ, anh nhận thấy loại cây trồng này có nhiều điểm tương đồng, phù hợp với chất đất Lệ Thủy.

Thêm nữa, hiện tại, loại cây này ít được người dân Lệ Thủy chọn trồng trên địa bàn nên khả năng đầu ra tiêu thụ sản phẩm dễ dàng. Nghĩ là làm, vợ chồng anh Thế quyết định trồng dưa hấu ngay tại đồng đất Lệ Thủy.

Năm 2017, 2 vợ chồng anh mạnh dạn thuê 1,7 ha đất rừng tràm đã khai thác của người dân để trồng cây dưa hấu. Áp dụng kỹ thuật trồng như bà con nông dân ở huyện Bố Trạch, cây dưa hấu phù hợp với vùng đất gò đồi Dương Thủy, lớn nhanh và cho quả to, chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao.

Tuy nhiên, do là năm đầu tiên trồng tại Lệ Thủy, kinh nghiệm chưa cao nên ruộng dưa hấu của vợ chồng anh bị sâu cạp vỏ từ rừng tràm tấn công, năng suất bị giảm phần nào. Vợ chồng anh thu lãi vụ đầu từ 40 đến 50 triệu đồng/ha. Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, vợ chồng anh tiếp tục mở rộng diện tích và mạnh dạn trồng gối vụ để bán rải rác phục vụ nhu cầu cho người dân trên địa bàn huyện.

Cây dưa hấu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân xã Dương Thủy.
Cây dưa hấu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân xã Dương Thủy.

Cuối năm 2018, vợ chồng anh Thế làm đất để tháng 12 xuống giống vụ dưa chính vụ. Nhờ đầu tư công chăm bón nên dưa hấu cho trái to, ruột đỏ, nước nhiều, ngọt, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tháng 3, 4-2019, dưa thu hoạch với năng suất đạt từ 15 đến 20 tấn/ha. Vừa tiêu thụ ở thị trường phía Bắc, vừa phân phối toàn huyện Lệ Thủy, vụ dưa mang về cho vợ chồng anh thu nhập 80 triệu đồng.

Tiếp đó, nhận thấy nhu cầu của người dân trên địa bàn ngày càng cao, anh Thế bàn với vợ mở rộng diện tích dưa hấu và trồng theo kỹ thuật gối vụ chỉ để phục vụ cho người tiêu dùng ngay tại địa phương. Và để hiệu quả, tiêu chí “sạch”, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được vợ chồng anh đặt lên hàng đầu.

Thấy đất ruộng của bà con nông dân HTX Đông Thiện chỉ trồng một vụ lúa đông-xuân, anh đã xin thuê đất trồng lúa kém hiệu quả của HTX này để chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Với 2 ha đất ruộng thuê được, vợ chồng anh mạnh dạn trồng dưa hấu giống Hai mũi tên đỏ cùng một số giống đang thịnh hành khác…

Trong điều kiện thời tiết nắng hạn, nhu cầu nước tưới cho dưa rất lớn, anh chị tính toán dẫn nguồn nước từ nhánh sông Đâu Giang chảy ngang địa bàn Đông Thiện để tưới cho cây trồng.

Với nguồn nước bảo đảm, vợ chồng anh chị luân phiên nhau ngày đêm bám ruộng, quan sát, theo dõi kỹ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây dưa. Các công đoạn tỉa nhánh, cắt đọt, bón phân, kê trái… được anh chị cẩn thận thực hiện đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài nên dưa quả nhỏ và vừa, sau 2 tháng trồng chỉ đạt trung bình từ 2kg đến trên 3kg/quả.

Tuy nhiên, dưa sạch, ngon ngọt nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Anh Võ Văn Thế cho biết: “Cứ đến mùa thu hoạch là thương lái đến thu mua tận vườn, giá dao động từ 8 đến 12 nghìn/kg. Có nhiều lúc dưa hết lứa nhưng người mua vẫn điện hỏi thường xuyên và chờ đợi đến kỳ thu hoạch tiếp theo để đến mua. 2 ha dưa hấu gia đình tôi trồng cho doanh thu trên 300 triệu đồng, trong đó lãi trên 160 triệu đồng”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Quang Organic ở thị trấn Kiến Giang chia sẻ: “Tôi mới nhập bán dưa hấu Dương Thủy được 2 lứa. Mỗi lần lấy 1 tạ và chỉ bán trong ngày là hết. Nói chung, người tiêu dùng rất thích dưa hấu Dương Thủy về cả độ ngon và giá cả phải chăng. Chỉ tiếc chúng tôi không có đủ nguồn hàng để bán”.

Theo chị Đinh Thị Lý, trồng dưa hấu lãi hơn trồng lúa rất nhiều lần. Trồng dưa hấu không khó, chỉ đòi hỏi nhiều công sức và tuân thủ các công đoạn kỹ thuật. Mỗi vụ, gia đình thuê đến hàng chục nhân công, với mức lương bình quân nam giới 200 nghìn đồng/người/ngày, còn đối với các mệ, các dì lớn tuổi thì khoảng 150 nghìn đồng/người/ngày.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ cây dưa hấu mang lại vượt trội hẳn so với trồng lúa, vừa qua, Hội Nông dân Lệ Thủy đã tổ chức cho cán bộ hội viên ở các xã vùng gò đồi có tiềm năng đến tham quan, học tập mô hình trồng dưa hấu của vợ chồng anh Thế, chị Lý. Đây là mô hình vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giải quyết công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn.

Từ cây dưa hấu, các cơ quan chức năng và nông dân Lệ Thủy cũng cần nghĩ đến nhiều loại cây trồng khác phù hợp, tìm hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thoát khỏi thế độc canh cây lúa truyền thống trên mảnh đất chiêm trũng này.

An Phương
(Đài TT-TH Lệ Thủy)