Tăng thu nhập, tạo việc làm từ cây hương

  • 08:49 | Thứ Năm, 01/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào phụ nữ vượt khó, vươn lên làm giàu do Hội LHPN huyện Lệ Thủy phát động và thực hiện đạt hiệu quả cao. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần nâng cao mức sống cho gia đình, phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, chị Trần Thị Hòa, sinh năm 1973, hội viên hội phụ nữ thôn Lộc Thượng, xã An Thủy là một điển hình như vậy.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, sau khi xây dựng gia đình, dù cả hai vợ chồng đều chịu khó làm lụng, nhưng cuộc sống vẫn không thoát khỏi khó khăn. Trước sự đeo bám của cái đói, cái nghèo, chị đã trăn trở rất nhiều mong tìm hướng đi mới để ổn định cuộc sống. Nghĩ là làm, năm 2012, có chút vốn dành dụm được, cùng với việc vay vốn ngân hàng, anh chị bắt đầu đầu tư máy móc, thiết bị làm hương và tận dụng toàn bộ khu nhà chính, khu vườn để làm xưởng sản xuất.

Bước đầu kinh doanh, do ít vốn lại chưa có nhiều kinh nghiệm, mối hàng lại nhỏ nên chị Hòa gặp rất nhiều khó khăn và có những thời điểm tưởng chừng như phải chuyển nghề. Nhưng với ý chí, nghị lực không khuất phục trước thử thách, trong quá trình sản xuất, chị vừa học hỏi, vừa trau dồi kinh nghiệm. Trời không phụ công người, thương hiệu nhang của gia đình chị được nhiều người biết đến và đơn đặt hàng ngày một nhiều.

Cơ sở sản xuất hương của chị Trần Thị Hòa tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Cơ sở sản xuất hương của chị Trần Thị Hòa tạo việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Khi đã có thị trường, chị tích cóp vốn đầu tư, trang bị thêm nhiều máy móc vào sản xuất nên sản phẩm hương của gia đình chị ngày càng đạt chất lượng cao, sản phẩm làm ra đến đâu, thương lái thu gom tiêu thụ ngay đến đó. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của chị sử dụng hết 1 tấn nguyên liệu, thu được 2 tạ thành phẩm.

Chị Hòa cho biết, để làm thành một cây nhang hoàn chỉnh, các nguyên liệu, như: tăm và bột nhang, chị đều nhập từ Hà Nội, mỗi lần cả chục tấn. Sản xuất tăm hương chủ yếu bằng máy, nhưng nhiều công đoạn, như: chẻ thanh, chọn lọc tre, phơi hương, đóng gói nhãn mác... đều phải qua bàn tay con người nên đòi hỏi sự cẩn thận, tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh vì sức khỏe người tiêu dùng.

Sau 7 năm gắn bó với nghề, xưởng sản xuất hương của gia đình chị đã trở thành một trong những cơ sở sản xuất hương lớn nhất tại xã, tạo công ăn, việc làm cho 7 chị em lao động thường xuyên và 10 chị em lao động thời vụ. Đây đều là những chị em có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Mức thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/tháng/lao động. Trung bình mỗi năm, cơ sở làm tăm hương của chị thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng.

Bên cạnh tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, cơ sở sản xuất của chị Hòa còn là địa chỉ tin cậy được Hội Nông dân huyện lựa chọn làm nơi tổ chức dạy nghề cho hội viên hội nông dân. Tính từ năm 2012 đến nay, cơ sở của chị Hóa đã dạy nghề miễn phí cho hàng trăm hội viên hội nông dân trong huyện.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Trần Thị Hòa luôn được các cấp hội đánh giá cao về mọi mặt, nhất là trong các phong trào thi đua, xây dựng hội. Chị luôn tích cực tham gia các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của chi hội phụ nữ thôn, Hội LHPN xã. Bản thân chị và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương và tự nguyện đóng góp kinh phí cùng với thôn xây dựng các công trình phúc lợi.

Nhiều năm liền, gia đình chị đạt gia đình văn hóa, bản thân chị được Hội LHPN các cấp biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế. Chị Võ Thị Soa, Chủ tịch Hội LHPN xã An Thủy cho biết, chị Trần Thị Hòa là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

Phạm Hà