Cùng nông dân trồng rau an toàn

  • 08:10 | Thứ Năm, 15/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Thời gian qua, tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) đã phát huy vai trò trong việc tổ chức sản xuất, đăng ký thương hiệu, thông tin thị trường cho hội viên. Nhờ đó, rau sạch của THT đã khẳng định được vị trí trên thị trường, góp phần giúp nhiều tổ viên vươn lên làm giàu.

Nghề sản xuất rau thực phẩm của thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy đã hình thành cách đây 30 năm. Trước đây, bà con chủ yếu sản xuất theo kiểu truyền thống và mang tính tự phát, quy mô còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong địa bàn huyện.

Trong quá trình sản xuất, bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khá phổ biến, thêm nữa, việc sử dụng phân bón, sản xuất chưa đúng quy trình đã dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Để giúp bà con trồng rau hiệu quả hơn, năm 2014, THT trồng rau an toàn thôn Hòa Luật Nam được thành lập nhằm hỗ trợ bà con về khoa học kỹ thuật, làm nhà lưới.

Sau khi thành lập THT, bà con được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được THT kiểm tra quy trình sản xuất chặt chẽ, tăng cường thông tin tuyền truyền nên nhận thức về trồng rau an toàn ngày càng được nâng cao. Hiện đã có 60 hộ nông dân tham gia THT và hàng chục hộ khác ngoài THT nhưng vẫn trồng rau theo quy trình được tập huấn.

Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Hòa Luật Nam đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều bà con.
Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Hòa Luật Nam đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều bà con.

Hiện các tổ viên của THT đang duy trì 7,3 ha diện tích đất trồng rau các loại, như: cải mầm, cải xanh, hành, ngò, mướp, đậu cô ve, rau cần… Toàn bộ các sản phẩm rau an toàn ở Hòa Luật Nam được bà con trồng trong nhà lưới, lấy nguồn nước tưới từ các động cát và sử dụng phân bón theo hướng dẫn. Nhờ đó, thời gian sinh trưởng của cây rau ngắn, giúp tăng thời vụ.

Bà Trần Thị Sen, một thành viên của THT phấn khởi: “Từ khi tham gia THT, tôi được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, như: cách làm đất, bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm nhà lưới.

Nhờ đó, rau phát triển nhanh, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn trước rất nhiều”. Gia đình bà Sen làm nghề trồng rau từ hơn 30 năm nay. Hiện bà có 600m2 đất vườn chuyên trồng rau an toàn, được phủ lưới.

Trong đó, bà trồng các loại rau, như: cải, ngò, hành, xà lách, cần, cải cúc… Các loại rau đều trồng gối vụ để có hàng bán thường xuyên. Trung bình mỗi năm, vườn rau đã cho bà Sen thu lãi trên 100 triệu đồng, nhờ đó, đời sống gia đình bà cũng ngày càng khấm khá.

Ông Võ Minh Nết, Tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn thôn Hòa Luật Nam nói: “Để trồng được rau an toàn, người nông dân cần làm nhà lưới, đầu tư máy bơm nước và hệ thống phun tưới với số tiền khoảng 10 triệu đồng. Trong quá trình sản xuất, bà con được hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bón phân đúng quy trình”.

Hiện nhà ông Nết đang trồng 1.000m2 diện tích đất trồng rau. Nhờ có hệ thống nhà lưới nên vườn rau của ông có thể sản xuất được quanh năm với hàng chục loại rau, mỗi năm gia đình ông thu lãi 250 triệu đồng từ tiền bán rau.

Về công tác quản lý, hoạt động của THT, ông Nết chia sẻ thêm: “THT mỗi tháng sinh hoạt một lần. Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi thường thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau cũng nhưng dự báo thời tiết, thị trường. Hàng ngày, các thành viên trong tổ còn giám sát lẫn nhau, giúp nhau phát triển sản xuất. Nhờ trồng đúng khoa học kỹ thuật, lại được quản lý chặt chẽ nên rau của thôn Hòa Luật Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nhờ đó, thị trường tiêu thụ rau đã được mở rộng ở tỉnh Quảng Trị, Huế, thành phố Đồng Hới và nhiều cửa hàng rau sạch trên địa bàn tỉnh. Người trồng rau cũng không còn cảnh gánh rau ra chợ bán nữa mà thương lái ở các nơi đưa xe ô tô về tận vườn để thu mua".

Ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy khẳng định: “THT trồng rau an toàn đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều bà con. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động, tạo điều kiện để các hộ trồng rau khác trên địa bàn vào THT để thuận lợi cho việc sản xuất, quản lý”.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Huyện Lệ Thủy cho hay: “Hiện chúng tôi cũng đang xây dựng sản phẩm rau an toàn của thôn Hòa Luật Nam trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP vào năm 2020. Trước mắt, Phòng cũng đã tiến hành làm các thủ tục để công nhận lại tiêu chuẩn Viet GAP và làm mã vạch để sản phẩm được đưa vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh và cả nước”…

Việt Hà