Bố Trạch:

Đánh thức tiềm năng từ kinh tế trang trại

  • 20:10 | Thứ Bảy, 24/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Bố Trạch là một trong những địa phương có nhiều lợi thế về tự nhiên để phát triển kinh tế trang trại, tạo nguồn thu nhập, giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo động lực của huyện trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình mở rộng sản xuất phù hợp với xu thế sản xuất hàng hóa theo hướng thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả.

Tiềm năng được đánh thức

Theo đánh giá chung của lãnh đạo huyện Bố Trạch, kinh tế trang trại trên địa bàn đã phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Các mô hình trang trại đã khai thác được tiềm năng về đất đai, cây trồng, con nuôi và phân bố đều ở các vùng, từ miền núi, gò đồi đến đồng bằng, ven biển.

Một số trang trại tổng hợp ở Bố Trạch vừa trồng trọt vừa chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định.
Một số trang trại tổng hợp ở Bố Trạch vừa trồng trọt vừa chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định.

Nhiều vùng sản xuất tập trung cũng đã được hình thành, như: vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp hay vùng chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, vịt và tôm cua xuất khẩu. Toàn huyện đã chuyển dịch được một phần nền kinh tế hộ sang làm kinh tế trang trại, số lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, tính đến nay, toàn huyện có 280 trang trại; trong đó có 40 trang trại trồng trọt, 41 trang trại chăn nuôi, 11 trang trại thủy sản và 187 trang trại tổng hợp.

Mặc dù trang trại ở Bố Trạch hiện giảm về số lượng nhưng quy mô và chất lượng các trang trại được tăng lên, giá trị sản phẩm tăng đã góp phần tăng thêm thu nhập cho các chủ trang trại. Nếu như trước đây chỉ có hộ nông dân thì nay đã có các công ty tham gia vào đầu tư xây dựng và phát triển trang trại trên địa bàn.

Ngoài các trang trại phát triển truyền thống, hiện Bố Trạch đã có các trang trại chăn nuôi gia công cho các công ty lớn, bước đầu góp phần vào việc phát triển chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị.

Tuy quy mô và hiệu quả khác nhau nhưng hầu hết các trang trại trên địa bàn bước đầu đã khai thác có hiệu quả tiềm năng về đất đai, thu hẹp dần diện tích đất trống, đồi núi trọc và sử dụng tối đa mặt nước, ao hồ vốn còn bỏ ngỏ; đẩy nhanh tốc độ phủ xanh, góp phần điều hòa khí hậu của vùng và cải tạo môi trường sinh thái.

Điển hình có các trang trại, như: Trang trại chăn nuôi lợn của bà Trịnh Thị Vinh, ở xã Nam Trạch, quy mô 300 lợn nái ngoại sinh sản, vốn đầu tư 10 tỷ đồng, tổng giá trị hàng hóa đến nay là 24 tỷ đồng, thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động.

Trang trại tổng hợp của ông Dương Đình Duật, xã Tây Trạch có 6ha trồng cao su và hồ tiêu, cùng tổng đàn gồm 15 con trâu, bò, 300 con gà, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 740 triệu đồng/năm. Về trang trại nuôi trồng thủy sản có mô hình của ông Trần Khánh, ở xã Đồng Trạch với 3,1 ha diện tích nuôi tôm, giá trị sản lượng hàng hóa 1.164 triệu đồng/năm...

Toàn huyện cũng đã hình thành được một số vùng trang trại tập trung ở các xã, đặc biệt các trang trại chăn nuôi ở xã Thanh Trạch đã liên kết với nhau để thành lập hợp tác xã sản suất, kinh doanh dịch vụ thực phẩm sạch Hiền Nguyên. Đây là bước khởi đầu cho hoạt động sản xuất trang trại có tính bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Đâu là hướng đi bền vững?

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà số lượng trang trại trên địa bàn huyện hiện giảm. Nếu tính tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì UBND huyện chỉ cấp chứng chỉ kinh tế trang trại cho 35 trang trại đạt chuẩn, gồm 11 trang trại chăn nuôi, 1 trại thủy sản và 23 trang trại tổng hợp.

Nguyên nhân là do phần lớn các trang trại có quy mô còn nhỏ; cơ sở vật chất còn nghèo nàn; các chủ trang trại thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật trong quá trình xây dựng trang trại. Nhiều trang trại còn lúng túng về phương hướng sản xuất, vẫn còn đang trong tình trạng tự cung, tự cấp và kinh tế tự nhiên.

Ngoài ra, khó khăn lớn nữa làm cản trở sự phát triển của trang trại là huyện chưa quy hoạch chi tiết vùng phát triển trang trại, vì vậy khó tạo ra sự liên kết giữa các trang trại trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Thêm vào đó, các trang trại thiếu vốn và chưa có điều kiện vay vốn để phát triển.

Bố Trạch nghiên cứu, xác định lại cơ cấu cây trồng để thích nghi với từng vùng sinh thái và xây dựng đầu ra ổn định
Bố Trạch nghiên cứu, xác định lại cơ cấu cây trồng để thích nghi với từng vùng sinh thái và xây dựng đầu ra ổn định.

Trước những vấn đề được đặt ra, ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, để đưa kinh tế trang trại ở huyện Bố Trạch trở thành lĩnh vực quan trọng nhằm khai thác tối đa những tiềm năng lợi thế trong nông nghiệp, sản xuất ra nông sản hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, chế biến nông sản, giữ vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã đề ra những định hướng căn bản, dài hơi.

Trong đó, thời gian tới, huyện sẽ hoàn thiện chính sách quản lý đất đai, như: thủ tục cho thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; đồng thời, hỗ trợ, đầu tư các trang trại mới phát triển, như: vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của trang trại.

Đặc biệt, huyện cũng huy động các nguồn lực từ bên ngoài đầu tư, từ đó tăng số vốn cho phát triển kinh tế trang trại. Đối với các trang trại hiện có, huyện khuyến khích các trang trại sử dụng đưa vào sản xuất các giống cây giống con mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với từng vùng sinh thái.

Một giải pháp mấu chốt mang tính căn cơ nữa là căn cứ vào đặc điểm tình hình từng địa phương, đặc thù các vùng, Bố Trạch tiếp tục rà soát để xác định lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên và sinh thái, quy hoạch, hình thành nên các vùng chuyên canh để đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trang trại điểm ở các vùng sinh thái, sau đó rút kinh nghiệm và nhân diện rộng trên địa bàn toàn huyện.

Hương Trà