Ấm no từ những cánh rừng…

  • 08:08 | Thứ Năm, 22/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Dưới những tán rừng xanh đang trỗi dậy đầy sức sống ở các địa phương vùng phía Tây huyện Lệ Thủy là những ngôi nhà khang trang vừa mới được xây dựng còn thơm mùi sơn, mùi vữa. Và, có thể khẳng định rằng, rừng đã thật sự trở thành một trong những tiềm năng to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế và đem lại cuộc sống ấm no cho người dân…

Những đổi thay từ rừng…

Đi trên những con đường chạy qua các thôn của xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, chúng tôi bắt gặp bạt ngàn màu xanh của những cánh rừng, thấp thoáng dưới những tán rừng là những ngôi nhà kiên cố, nhà hai tầng khang trang, đẹp đẽ. Nhiều năm trở lại đây, phát triển kinh tế rừng ở Trường Thủy đã mang lại một cuộc sống no đủ từ những cánh rừng do chính bàn tay người dân tạo dựng nên.

Ông Phan Văn Đê, xã Trường Thủy đã trả lại 30ha đất rừng để giao lại cho người dân địa phương.
Ông Phan Văn Đê, xã Trường Thủy đã trả lại 30ha đất rừng để giao lại cho người dân địa phương.

Hơn 20 năm gắn bó với rừng, gia đình ông Phan Văn Đê, thôn Giang Sơn, xã Trường Thủy hiểu được giá trị kinh tế của rừng đem lại. Không những thoát khỏi đói nghèo từ rừng mà gia đình ông còn trở thành một trong những hộ khá giàu của xã với mức thu nhập hơn 120 triệu đồng mỗi năm.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi ngay sát cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, ông Đê chia sẻ rằng, trước đây, gia đình ông cũng thuộc diện khó khăn tại địa phương. Những năm 90 của thế kỷ trước, ông được giao đất, giao rừng với diện tích gần 50 ha từ các chương trình, dự án trồng rừng của Nhà nước.

Sau khi nhận được đất, hàng ngày, vợ chồng ông tay dao, tay cuốc lên đồi cải tạo đất để trồng keo, tràm, cao su. Sau gần 10 năm trồng, chăm sóc, bảo vệ, thời điểm những cánh rừng của gia đình ông chuẩn bị khai thác thì cũng là lúc thực hiện chủ trương của địa phương để mỗi hộ dân đều có rừng, ông đã mạnh dạn trả lại hơn 30ha đất rừng trồng cho xã Trường Thủy để địa phương giao về cho người dân.

“Hiện tại, gia đình tôi còn hơn 6 ha rừng chủ yếu trồng keo và 2 ha cây cao su. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vùng có cây giống để trồng rừng, gia đình tôi đã mở cơ sở chuyên cung cấp cây giống cho nhân dân trong địa phương và các vùng phụ cận. Nhờ trồng rừng, gia đình tôi đã xây được nhà cửa khang trang, có cuộc sống ổn định…”, ông Đê cho biết.

Đến Thái Thủy hôm nay, chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể thấy màu ấm no đang hiện về qua những cánh rừng keo, tràm, bạch đàn bạt ngàn. Thành quả có được chính là nhờ những chính sách hỗ trợ của các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước và các dự án trồng rừng.

Theo giới thiệu của lãnh đạo xã Thái Thủy, chúng tôi về thôn Minh Tiến thăm mô hình kinh tế rừng của gia đình chị Phạm Thị Hằng. Bên chén trà đặc quánh, chị Hằng kể về thời kỳ khốn khó của gia đình mình.

Năm 1999, gia đình chị nhận 1,9 ha diện tích rừng từ dự án trồng rừng Việt-Đức để trồng keo. Đến năm 2003, gia đình chị tiếp tục khai hoang những vùng đất trống, đồi núi trọc tại địa phương để trồng keo, tràm. Nhờ kiên trì, đầu tư hợp lý, đến nay, gia đình chị Hằng đã có thu nhập khá cao từ trồng rừng và cuộc sống gia đình đã trở nên khấm khá hơn so với trước đây.

“Vậy là thành quả sau 20 năm kể từ khi đặt những nhát cuốc đầu tiên trồng rừng, với bao nhiêu giọt mồ hôi khổ cực đến nay gia đình đã được đền đáp xứng đáng. Hiện tại, diện tích rừng trồng gia đình có được khoảng 15 ha, trong đó có 2ha rừng thông nhựa đang cho thu hoạch, thu nhập hàng năm của gia đình đạt trên 120 triệu đồng/năm...”, chị Hằng chia sẻ.

Nâng tầm kinh tế rừng…

Những vùng đồi ở phía tây huyện Lệ Thủy nay đã được bao phủ bởi màu xanh của cây rừng, đó là thành quả của nhiều năm tháng miệt mài trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Đối với người dân các địa phương phía Tây huyện Lệ Thủy, họ lấy việc trồng rừng làm kế sinh nhai, mong no ấm, làm giàu và nâng tầm kinh tế rừng.

Lệ Thủy hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 108.000ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên có hơn 61.000ha, rừng trồng gần 39.000ha. Những năm qua, huyện Lệ Thủy xác định phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Các dự án về trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng được triển khai đồng bộ đã tạo điều kiện cho kinh tế rừng trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ.

Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết, toàn xã Thái Thủy có hơn 5.700ha đất rừng, trong đó, diện tích rừng sản xuất là gần 4.400ha. Cách đây hơn 10 năm, người dân Thái Thủy bắt đầu chú trọng vào trồng rừng. Đến nay, hầu như toàn bộ diện tích đất rừng tại địa phương đã được "xanh hóa". Ở đây, mọi người dân đều ý thức được vai trò của rừng, chủ động đầu tư, bảo vệ rừng bởi họ thấy được những lợi ích thiết thực của rừng đem lại…

Cũng theo ông Văn, hiện tại, trung bình mỗi hộ dân tại địa phương có khoảng 3ha rừng, hộ có nhiều nhất là 70ha rừng. Mỗi năm, thu nhập từ rừng trồng chiếm hơn 55% thu nhập toàn xã. Hiện nay, địa phương đang chú trọng vận động bà con xây dựng, triển khai trồng những cánh rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng. Đến nay, địa phương đã triển khai trồng với diện tích gần 50ha, những cánh rừng này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tăng khả năng phòng hộ của rừng…

Những cánh rừng mang lại no ấm cho người dân vùng phía Tây Lệ Thủy.
Những cánh rừng mang lại no ấm cho người dân vùng phía Tây Lệ Thủy.

Theo ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, những năm qua, địa phương luôn xác định trồng rừng là hướng đi quan trọng để nâng cao đời sống cho người dân. Ðến nay, xã Trường Thủy có 1.200ha rừng trồng, chủ yếu là keo, tràm, thông nhựa và 160ha cây cao su phần lớn đã đến tuổi khai thác. Tính ra, với 550 hộ dân toàn xã, bình quân mỗi hộ dân có khoảng 2ha rừng trồng.

Hiện nay, địa phương vẫn gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng, tranh chấp đất đai liên quan đến rừng trồng nhưng từ trồng rừng, nhiều hộ đã có cuộc sống ấm no và nhờ rừng trồng, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương chỉ còn 15 hộ (chiếm 2,37%).

“Tại xã Trường Thủy, việc quản lý và phát triển rừng theo định hướng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa đã và đang làm thay đổi thói quen, nhận thức của nhân dân về kinh tế rừng. Đặc biệt, xã đang khuyến khích, vận động nhân dân triển khai trồng rừng gỗ lớn để người dân có thu nhập cao hơn từ trồng rừng, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế rừng, từ đó góp phần bảo vệ môi trường …”, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, Nguyễn Thanh Quyết khẳng định.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, trồng rừng đã tạo thêm việc làm, đem lại thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều địa phương ở vùng phía Tây huyện Lệ Thủy…

Để nâng tầm kinh tế rừng tại địa phương mà trước hết là nâng cao chất lượng rừng trồng, thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ chú trọng tuyên truyền giúp người dân nhận thức được giá trị kinh tế và vai trò của rừng đối với đời sống, khuyến khích nhân dân gắn bó với nghề rừng, yên tâm sản xuất; hỗ trợ chủ trương, chính sách và giống cây trồng cho bà con.

Bên cạnh đó, huyện cũng xác định tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng sau khai thác, từng bước mở rộng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế rừng có hiệu quả cao; xây dựng, mở rộng các diện tích trồng rừng gỗ lớn nhằm từng bước nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn…

Ngọc Hải