.

Rộng mở Cha Lo

.
16:51, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Từ nơi núi rừng biên giới hoang sơ, heo hút ngày nào, Cha Lo đã và đang chuyển mình để trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh, là cầu nối đặc biệt quan trọng trong quan hệ hợp tác, giao lưu hàng hóa, dịch vụ giữa miền Trung Việt Nam với vùng Trung Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Cha Lo đang rộng mở để đón luồng sinh khí mới, phát triển mạnh, nhanh, đúng tầm với vị thế.
 
Trở lại Cha Lo vào những ngày đầu tháng 5 nắng như đổ lửa, chúng tôi nhớ mãi lời bộc bạch của ông Trần Xuân Cảnh, Nguyên Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh: “Sau 109 ngày quyết liệt, khẩn trương chuẩn bị, ngày 8-6-1987, Hải quan cửa khẩu Cha Lo chính thức đi vào hoạt động, trở thành đơn vị thứ 3 cắm chốt tại cửa khẩu (sau bộ đội biên phòng và công an). Lúc này, đường xá đi lại đặc biệt khó khăn, nhiều ngầm, phà, cầu tạm; hoạt động xuất nhập khẩu chưa có gì, cư dân biên giới qua lại cửa khẩu còn rất thưa thớt”.
 
Miên man theo dòng ký ức về một Cha Lo heo hút, hoang vu bởi màn đêm núi rừng không ánh điện vào những năm 80 của thế kỷ trước, tôi giật mình bởi cú phanh dừng xe kết thúc chuyến hành trình của đồng nghiệp. Hiện hữu trước mắt tôi là một Cha Lo hoàn toàn đổi thay, khang trang, đông vui với đoàn xe, người qua lại tấp nập. 
Diện mạo mới tại khu vực trung tâm Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Diện mạo mới tại khu vực trung tâm Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Khu trung tâm Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, theo Quốc lộ 12A được nối thông suốt với các trục giao thông chính, khu kinh tế, du lịch quan trọng, như: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, cảng Gianh, Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế Vũng Áng, khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền Quảng Bình và Khăm Muộn nói riêng, là một phần của tuyến đường xuyên Á nối liền Việt Nam-Lào-Thái Lan nói chung.
 
Nói về quá trình hình thành Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, ông Phạm Văn Năm, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh chia sẻ: “Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo là một trong những chủ trương lớn trong hợp tác về kinh tế giữa 2 Chính phủ Việt Nam-Lào, phù hợp với các cam kết trong các hiệp định hợp tác giữa hai nước.
 
Những năm trước 2002, cửa khẩu Cha Lo chưa có hoạt động xuất nhập khẩu, chỉ lác đác một vài cư dân vùng biên giới qua lại thăm người thân. Từ năm 2002 trở đi, khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 137/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu và áp dụng chính sách đối với Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, nơi đây mới chính thức mở cửa hội nhập, phát triển đi lên”.
 
Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo được hình thành với diện tích trên 537km2, bao gồm các xã: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc và Hồng Hóa thuộc huyện Minh Hóa. Từ quy mô và định hướng chung, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo sẽ phát triển trở thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng; là địa bàn đột phá, đầu tàu lôi kéo vùng phía Tây Quảng Bình; được xây dựng và phát triển một cách toàn diện với các hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa, trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch với kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; bảo đảm hiệu quả tổng hợp về kinh tế, chính trị, quốc phòng, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đồng thời, tăng cường củng cố và phát triển quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và quốc tế.
 
Vừa dẫn tôi tham quan khu vực trung tâm Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, anh Lê Thanh Sơn, Chánh văn phòng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho hay: “Từ khi thành lập đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã hỗ trợ có mục tiêu hàng chục tỷ đồng/năm để đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo. Vì vậy, nơi đây ngày càng phát triển và đổi thay diện mạo qua từng năm”.
 
Hiện tại, Khu trung tâm cửa khẩu đã được đầu tư san lấp mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng như: Trung tâm thương mại dịch vụ, hệ thống đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, bãi kiểm hóa; hệ thống cấp điện, cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; nhà làm việc liên ngành tại cửa khẩu bảo đảm hiện đại, thuận lợi, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, hiện đại hóa công tác cải cách hành chính và nhiều công trình tiện ích khác phục vụ giao thương hàng hóa qua cửa khẩu. Khu vực Bãi Dinh đã được xây dựng các khu kho bãi, khu thương mại dịch vụ, kho ngoại quan...
Giai đoạn 2008-2018, giá trị kim ngạch qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đạt 10,844 tỷ USD; hàng hóa qua cửa khẩu đạt gần 13,6 triệu tấn; phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu đạt gần 1,36 triệu lượt; thu thuế, phí, lệ phí hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu đạt 1.524 tỷ đồng; người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đạt gần 3,53 triệu lượt.

Tuyến đường 12A đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp phục vụ giao thông xuyên suốt.

Hệ thống mạng lưới thông tin viễn thông, Internet phát triển mạnh đã thúc đẩy hoạt động thương mại tại Khu kinh tế cửa khẩu; đời sống, văn hóa nhân dân trong vùng ngày càng được nâng lên. Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo được phân bổ trong giai đoạn 2008-2018 là trên 461 tỷ đồng.

“Những năm qua, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành, như: hải quan, bộ đội biên phòng... trong giải quyết nhanh gọn các thủ tục, giảm thời gian xử lý để hàng hóa được thông quan nhanh nhất. Các dự án kêu gọi xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo chủ yếu là các các lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, buôn bán hàng hóa, kho bãi trung chuyển, kho ngoại quan…

 
Khách hàng là các nhà đầu tư đến làm việc, giao dịch, kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo đã có các dịch vụ ăn nghỉ, văn phòng cho thuê khang trang, sạch đẹp. Tính đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo đã thu hút được 25 dự án với tổng mức đầu tư và đăng ký đầu tư hơn 473 tỷ đồng”, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phạm Văn Năm cho hay.
 
Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào, thời gian qua, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình-Khăm Muộn đã chú trọng đến việc xây dựng và phát triển kinh tế dọc tuyến đường 12A qua cặp cửa khẩu Cha Lo-Nà Phàu.
 
Hiện tại, đường 12A qua cặp cửa khẩu Cha Lo-Nà Phàu tiếp tục được các doanh nghiệp 2 nước và các nước trong khu vực lựa chọn làm đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Trung Lào đến Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.
 
Hàng hóa qua cửa khẩu khá đa dạng, phong phú, bao gồm: nông sản, hàng tiêu dùng, may mặc của Việt Nam xuất sang Lào, Thái Lan; quặng, phân bón, thạch cao, hoa quả, hàng gia dụng Lào, Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.
 
Tình hình hoạt động thương mại qua cửa khẩu đã có sự tăng trưởng vượt bậc và bền vững qua hàng năm. Hiện tại, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo là đơn vị đạt giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất trong các cửa khẩu có biên giới giữa Việt Nam và Lào.
 
Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo trong quá trình hình thành và phát triển đã thể hiện được vị thế, khẳng định chính sách đầu tư đúng hướng của Chính phủ. Kỳ vọng, với sự quan tâm, hỗ trợ về nguồn lực, chính sách phát triển của Chính phủ, cùng với nỗ lực của tỉnh trong xây dựng chủ trương chính sách ưu đãi đầu tư và xúc tiến đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo, nơi đây sẽ trở thành địa bàn đột phá, đầu tàu lôi kéo vùng phía Tây Quảng Bình.
 
Hiền Chi
,