.

Quyết tâm níu nghề

.
08:29, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhiều năm nay, ông Hồ Huôn, người Khùa, ở bản La Trọng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa luôn duy trì nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Mục đích của việc duy trì nghề với ông không chỉ là để cải thiện đời sống gia đình mà còn có cơ hội để nhắc nhở và truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu, dân làng cùng biết yêu nghề, học nghề và giữ nghề truyền thống mà ông cha mình để lại.

Bất kể ngày mưa hay nắng, bà con dân bản La Trọng luôn nhìn thấy ông Hồ Huôn miệt mài với việc chẻ nan, đan lát. Các sản phẩm ông làm thường là Cu Tôốc (mâm cơm), A Chói (gùi), Cà Nhăng (gùi nhỏ), Típ (giỏ nhỏ đựng cơm), Cù Pá (giỏ đựng cá)…Các sản phẩm này vừa phục vụ nhu cầu bà con dân bản và các xã kế bên, vừa được nhiều người ở TP.Đồng Hới tìm đến đặt hàng thường xuyên.

Ông Hồ Huôn cho biết, năm lên 10 tuổi, ông đã được bố chỉ dạy cho nghề đan lát, tuy nhiên, mãi đến năn 20 tuổi, sau khi lập gia đình, ông mới bắt đầu làm ra những sản phẩm đầu tiên. Ngày trước, các vật dụng trong gia đình đều được đan lát thủ công, từ cái rổ, cái rá cho đến cái nong, cái nia, cái gùi nên nhà nào cũng có người biết đan.

Hết vụ lên nương rẫy, nhà nhà lại đi rừng tìm tre, nứa để đan lát. Người già chỉ dẫn cho người trẻ. Bà con đồng bào các xã Dân Hóa, Trọng Hóa từ xưa có rất nhiều nghề thủ công truyền thống, như: nghề làm chổi đót, nghề đan lát…, trong đó, đan lát là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời.

Trong các loại sản phẩm đan lát của đồng bào nơi đây, gùi hoặc tiếng địa phương là A Chói thuộc loại sản phẩm đặc sắc nhất. Gùi được dùng như một phương tiện vận chuyển rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Khùa nói riêng và các dân tộc khác ở Minh Hóa nói chung. Không chỉ là vật dụng để cất giữ hay vận chuyển hàng hóa, đây còn là tài sản được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc được dùng làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình.

Thời gian đan một chiếc A Chói(gùi to) phải phải mất 1 tuần, còn đan chiếc Cà Nhăng (gùi nhỏ) thì chỉ mất hai ngày. Ngoài chiếc gùi, Cu Tôốc (mâm cơm) là sản phẩm đặc trưng thứ hai, mỗi gia đình của đồng bào người Khùa đều có ít nhất hai cái Cu Tôốc để sử dụng.

Ông Hồ Huôn giới thiệu về chiếc Cu Tôốc vừa mới đan xong.
Ông Hồ Huôn giới thiệu về chiếc Cu Tôốc vừa mới đan xong.

Chỉ vào những chiếc Cu Tôốc đã đan xong đặt ở góc nhà chuẩn bị giao cho khách, ông Hồ Huôn giới thiệu với chúng tôi, Cu Tôốc thường được ông đan theo hai kích cỡ và kiểu dáng, một loại to và một loại nhỏ hơn tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng. Hoàn thành mỗi chiếc Cu Tôốc phải mất hơn 10 ngày, đó là chưa tính ngày đi rừng để lấy vật liệu.

Nếu có sức khỏe tốt, kiên trì ngồi đan thì mỗi tháng sẽ làm được 3 sản phẩm, mỗi sản phẩm bán được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Bình quân mỗi năm, ông Hồ Huôn cũng chỉ làm được 8 đến 10 chiếc Cu Tôốc, vài chục chiếc Cà Nhăng….Sản phẩm làm ra đều bán được hết, đặc biệt là trong ngày chợ phiên ở Y Leng, xã Dân Hóa.

Tại bản Rông, già làng Hồ Mai cũng được xem là một trong những người đan lát giỏi của xã Trọng Hóa. Hàng ngày, trong căn nhà sàn của mình, già Hồ Mai vẫn chăm chút vót từng sợi lạt để đan Cà Nhăng, Cù Pá, A Chói. Theo già Hồ Mai, để đan được bất kỳ sản phẩm nào, thì việc chọn và khai thác nguyên liệu vô cùng quan trọng. Bà con phải mất cả tuần đi rừng kiếm tre nứa.

“Phải chọn cây không quá già cũng không quá non mới có thể đan được. Bởi nếu tre nứa già quá, nan sẽ bị giòn, dễ gãy; còn nếu non quá thì nan sẽ bị teo lại”.Trao đổi với chúng tôi, cả ông Hồ Huôn và già làng Hồ Mai  đều chia sẻ: “Đã gọi là đan lát thì đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, khéo léo và kiên trì thì mới cho ra sản phẩm bền và đẹp được”.

Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại khiến cho nghề đan lát truyền thống đang dần bị mai một. Thế nhưng, vẫn còn có những con người như Hồ Huôn, Hồ Mai, bằng sự đam mê, tâm huyết với các sản phẩm đan lát đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa truyền thống quê hương.

Tuy nhiên, để những người đan lát thêm gắn bó với nghề, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, tìm kiếm đơn đặt hàng mới, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, tạo thương hiệu cho nghề truyền thống, góp phần bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan.

Đồng thời, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, qua đó, vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề, góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thùy Linh
(Đài TT-TH Minh Hóa)

,