.

Quỹ hộ trợ nông dân huyện Tuyên Hóa: Điểm tựa vững chắc của nhà nông

.
10:47, Thứ Sáu, 26/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa đã chú trọng phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp hội viên xây dựng các mô hình sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Năm 2000, gia đình ông Đoàn Xuân Niệm ở thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa cùng 30 hộ dân khác trong thôn di dời nhà cửa vào khu vực Bản Trầm làm kinh tế mới theo chủ trương của xã. Gia đình ông Niệm thuộc diện hộ nghèo nên được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện. Với số tiền trên, ông Niệm đã đầu tư mua một máy phay đất và cây giống để trồng rừng.

Mô hình trồng cây ăn quả đã giúp gia đình ông Đoàn Xuân Niệm ở Bản Trầm, xã Đức Hóa thoát nghèo bền vững.
Mô hình trồng cây ăn quả đã giúp gia đình ông Đoàn Xuân Niệm ở Bản Trầm, xã Đức Hóa thoát nghèo bền vững.

Nhờ chăm chỉ làm ăn nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Ban đầu, ông Niệm sử dụng máy phay để khai phá đất đai trồng cây ngắn ngày, đồng thời mỗi năm trồng từ 1 đến 2 ha rừng cây lấy gỗ, kết hợp chăn nuôi trâu, bò. Đến năm 2017, gia đình ông chính thức thoát nghèo, trở thành hộ khá trong thôn. Hiện nay, gia đình ông Niệm sở hữu hơn 20 ha rừng trồng, 1 ha cây ăn quả... , mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ông Đoàn Xuân Niệm chia sẻ: “Thời điểm mới vào đây lập nghiệp, kinh tế gia đình hết sức khó khăn, đất đai có nhưng nguồn vốn không có để đầu tư sản xuất. Quỹ hỗ trợ nông dân đã kịp thời tháo gỡ, giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.

Đến thăm gia đình anh Cao Duy Thuận ở thôn Xuân Phú, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, nhìn cơ ngơi nhà cửa khang trang, chuồng trại chăn nuôi gà với quy mô hàng nghìn con, ít ai nghĩ rằng trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Có được cơ ngơi đó, theo anh Thuận là nhờ vốn vay 25 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế.

Ban đầu, anh Thuận sử dụng nguồn vốn trên để mua hai con bò cái sinh sản, đến năm 2018, đàn bò phát triển thành 6 con, gia đình anh đem bán để đầu tư xây dựng chuồng trại chuyển sang nuôi gà thương phẩm. Hơn một năm nay, đàn gà nhà anh thường xuyên duy trì từ 1.500 đến 2000 con, mỗi tháng thu từ 20 đến 30 triệu đồng. “Nếu không có nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, chưa chắc gia đình tôi đã thoát nghèo”, anh Thuận nói.

Nhằm tăng cường hỗ trợ hội viên về vốn để phát triển sản xuất, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa đã chú trọng việc xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân bằng nhiều hình thức.

Trong đó, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng quỹ; tăng cường chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trích ngân sách bổ sung quỹ hàng năm. Đặc biệt, Hội đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả thư kêu gọi vận động ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân của Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh, kết quả đến ngày 30-6-2019, toàn huyện đã vận động được 127,1 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, Quỹ hỗ trợ nông dân huyện xây dựng được 110 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, vốn cấp bổ sung từ ngân sách huyện 100 triệu đồng, vốn tự bổ sung từ kết quả hoạt động năm 2018 được 10 triệu đồng.

Đến nay, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện đạt hơn 1 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội, Tỉnh Hội ủy thác 3,7 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã phân bổ cho 118 hội viên vay để phát triển sản xuất, bình quân mỗi hộ vay 40 triệu đồng.

Cùng với nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Tuyên Hóa còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ do Hội quản lý trên 500 tỷ đồng với hơn 9.000 lượt hộ vay.

Ông Nguyễn Quang Tuynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa cho biết: “Qua kiểm tra, giám sát, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Nhờ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên đã đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có hộ trở thành hộ giàu, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Mô hình nuôi gà thương phẩm của anh Cao Duy Thuận, xã Sơn Hóa mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi gà thương phẩm của anh Cao Duy Thuận, xã Sơn Hóa mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Cùng với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội còn tổ chức các hoạt động dịch vụ, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật; vận động nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng 11 mô hình sản xuất có hiệu quả, như: mô hình trồng bưởi Phúc Trạch tại xã Kim Hóa; mô hình chăn nuôi gà sạch tại xã Sơn Hóa; mô hình trồng cây ăn quả có múi xã Kim Hóa và xã Hương Hóa…”.

Có thể khẳng định rằng, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân ở Tuyên Hóa đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã giúp nhiều hội viên nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình, dám nghĩ, dám làm, xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương để tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

X.Phú

,