.

Phong Nha-30 năm ấy, biết bao nhiêu tình...

.
08:25, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Những năm 90 của thế kỷ trước, tiến sỹ Howard Limbert cùng các chuyên gia thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã đến với làng Phong Nha (Sơn Trạch, Bố Trạch) để khám phá một trong những hệ thống hang động bí ẩn, hoang sơ nhất thế giới. Và chắc chắn, bản thân họ cũng không thể ngờ rằng, từ đó đến nay, "nàng công chúa" Phong Nha-Kẻ Bàng bừng tỉnh giấc, mở ra biết bao cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho những người dân Phong Nha hiền lành, chất phác. Và cũng không ít chuyên gia đã lựa chọn ở lại mảnh đất thắm đượm tình người này...
 
Theo gia phả của nhiều dòng họ hiện có ở xã Sơn Trạch, lời kể của các bậc cao niên và cuốn "Ô Châu cận lục" của Dương Văn An, lịch sử làng xã của Sơn Trạch khởi nguồn từ cách đây 465 năm. Xã Sơn Trạch có 4 làng cổ, đó là: Cù Lạc, Phong Nha, Xuân Sơn và Gia Tịnh.
 
Làng Phong Nha gọi là làng Chùa Nghe, bởi mỗi khi có sấm sét thì dân làng nghe thấy tiếng vọng từ hang động Phong Nha phát ra, trước cửa động, dân làng lập một ngôi chùa thờ Thần Hoàng nên gọi là Chùa Nghe. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, làng Phong Nha cũng có bấy nhiêu đổi thay, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh đến nay, sự đổi thay đó hiển hiện rõ từng ngày.
 
Làng Phong Nha những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 vẫn nguyên vẹn trong ký ức của tiến sỹ Howard Limbert. Ông chia sẻ: "Khi tôi lần đầu tiên đặt chân đến đây, thật sự Phong Nha rất khác so với bây giờ. Chúng tôi phải mất tới 5 ngày để đi từ Hà Nội đến Phong Nha bởi điều kiện cầu cống, đường xá vô cùng khó khăn.
 
Thậm chí, trên thực tế, chúng tôi mất gần 1 ngày để đi từ Đồng Hới đến Phong Nha... Người dân Phong Nha ngày đó rất nghèo, không sử dụng tiền mặt mà chỉ trao đổi gạo hoặc cá. Phong cảnh thiên nhiên không mấy thay đổi, chỉ khác tại thời điểm đó, làng quê rất nhiều hố bom và không có một ngôi nhà xây bằng xi măng nào.

Nhưng người dân rất thân thiện với đoàn thám hiểm và giúp đỡ rất nhiệt tình mặc dù bà con không có nhiều lương thực, thực phẩm. Trong chuyến đi đầu tiên đó, chúng tôi mất 8 ngày để khám phá các hang động ở Phong Nha và đó cũng là những ngày tháng thú vị, tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mỗi chúng tôi".

Phong Nha yên bình chào ngày mới
Phong Nha yên bình chào ngày mới.

Hầu như dành trọn những năm tháng thanh xuân để khám phá Phong Nha-Kẻ Bàng, hơn ai hết, ông Limber luôn cảm thấy may mắn và không một hối tiếc nào kể từ giây phút đặt chân đến làng Phong Nha, với ông và vợ mình đó là một niềm hạnh phúc bất ngờ. Giờ đây, vợ chồng tiến sỹ Howard Limbert vẫn bền bỉ tiếp tục con đường chinh phục các hang động kỳ bí của Phong Nha-Kẻ Bàng và gắn bó với mảnh đất này như một người dân Phong Nha thực thụ.

Ông Nguyễn Duy Cầm, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Sơn Trạch từ năm 1994 đến 2005 chia sẻ, những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cuộc sống của người dân Sơn Trạch nói chung, làng Phong Nha nói riêng còn rất nhiều bộn bề. Sản xuất vẫn độc canh cây lúa, chưa khai thác thế mạnh vùng đồi, chưa phát triển cây màu và chăn nuôi.
 
Nhiều người dân bỏ đi làm ăn xa, đi tìm trầm, đào vàng trái phép… Thực hiện tinh thần đổi mới, Sơn Trạch đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… Nhưng mãi đến những năm cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, Sơn Trạch mới thực sự khuyến khích phát triển ngành nghề dịch vụ, nhưng lúc này, du lịch vẫn chưa có chỗ đứng.
 
Từ năm 2000 đến nay, hoạt động dịch vụ-thương mại và du lịch có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt từ khi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 2002).
 
Theo thống kê, chỉ chưa đầy 1 năm rưỡi sau khi được công nhận, hơn 20 tỷ đồng đã được đầu tư để sửa chữa, nâng cấp, xây mới các nhà nghỉ, nhà hàng, nâng cấp thuyền du lịch…, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tiếp thị, giải quyết việc làm và mang lại thu nhập chính đáng cho người dân. Đây là hướng phát triển đúng đắn, mang tính đột phá để khai thác tiềm năng không chỉ trước mắt mà còn lâu dài của xã trên con đường chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Làng Phong Nha những năm 90 của thế kỷ 20.(Ảnh: Howard Limbert)
Làng Phong Nha những năm 90 của thế kỷ 20. (Ảnh: Howard Limbert)
Từ năm 2005, Sơn Trạch lấy phát triển dịch vụ du lịch, thương mại làm khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của xã trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, xã nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô ngành dịch vụ, khai thác tốt thế mạnh của xã trong việc phát triển thương mại, dịch vụ, động viên, khuyến khích các hộ gia đình mở thêm các nhà hàng, nhà nghỉ có chất lượng cao, thái độ phục vụ văn minh lịch thiệp. Từ đó, đời sống của người dân Sơn Trạch nói chung, làng Phong Nha nói riêng đã có những đổi thay mạnh mẽ.
 
Ông Trần Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết, năm 2018, về cơ cấu kinh tế, ngành dịch vụ đã chiếm 52%, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng.
 
Đáng ghi nhận, nhận thức của người dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, bà con đã thực sự chung tay cùng với chính quyền làm du lịch, thể hiện rõ nét chính là số lượng các nhà nghỉ, homestay được nâng cấp, xây mới được tăng qua từng năm. Nhiều "lâm tặc" đã thực sự "rửa tay gác kiếm", tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch, từ porter, buôn bán… cho đến là chủ nhân của các nhà nghỉ, homestay.
 
Anh Hồ Xuân An (chủ nhân của Phong Nha Moutain House) chia sẻ, homestay gồm 5 bungalow này mang lại thu nhập cho cả đại gia đình anh, từ 3 anh em cho đến cha mẹ-vốn dĩ là những nông dân chân lấm tay bùn. Anh cùng người thân học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau để homestay có được ấn tượng tốt, tạo điểm nhấn trong lòng du khách, nhất là khách quốc tế.
 
Ngoài ra, để du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống làng quê, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của Phong Nha, cơ sở của anh còn tích cực liên kết với các homestay khác, những hàng xóm xung quanh... Từ đó, mạng lưới du lịch cộng đồng được rộng mở, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người làng Phong Nha. 
 
Giờ đây, làng Phong Nha đã khoác lên mình một "tấm áo" hoàn toàn mới mẻ với 16 cơ sở homestay (số liệu đến tháng 11-2018), 3 nhà nghỉ. Cùng với đó, thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch nông thôn mới, các tuyến đường nội đồng và đường giao thông nông thôn, tuyến kênh mương thủy lợi… đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của xã Sơn Trạch nói chung, làng Phong Nha nói riêng.
 
Trong tương lai, dẫu biết vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng mảnh đất di sản này luôn giữ mãi những tình cảm nồng hậu, chân thành của một thời đi lên trong khốn khổ. Phải chăng đây cũng chính là "đặc sản" của làng Phong Nha?
 
Mai Nhân
,