.

Mưa "vàng" giải nhiệt cơn khát...

.
10:58, Thứ Sáu, 05/07/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ chiều ngày 1-7, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có trận mưa khá lớn. Đây được ví như "cơn mưa vàng" sau đợt nắng hạn gay gắt kéo dài…

Có nước dự trữ để uống

Mưa xuất hiện đầu tiên ở khu vực thành phố Đồng Hới, sau đó kéo dài sang các huyện phía Nam, như: Quảng Ninh, Lệ Thủy; khu vực phía Bắc của tỉnh, như: thị xã Ba Đồn; các xã ven biển thuộc huyện Quảng Trạch cũng đã có mưa vừa, mưa to…Sáng ngày 2-7, một số địa phương của huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa đã có mưa và màu xanh "trỗi dậy".

Cánh đồng Quảng Phương lúa đã bật màu xanh.
Cánh đồng Quảng Phương lúa đã bật màu xanh.

Sáng sớm, ông Nguyễn Lanh (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) ra thăm rừng trồng phía đồi cát. Hàng chục ha phi lao, keokhô hạn chết đứng. Trận mưa lớn đã kéo màu xanh trở lại. Bới cát dưới gốc cây keo để kiểm tra độ thấm, ông hy vọng: “Mưa thấm được thế này là tốt rồi. Nếu trời hạn thêm 1 tháng nữa thì cây cũng có thể xanh lá. Nước chảy từ chân động cát cũng đã có dấu hiệu nhiều lên”.

Ông Võ Doãn Dực (thôn Hoành Vinh, xã An Ninh) mừng ra mặt: “Trận mưa khá lớn và kéo dài hơn giờ đồng hồ nên bà con cũng hứng được nhiều nước để dự trữ. Nhiều giếng cạn cũng đã có nước trở lại”.

Vùng hạn Hàm Ninh, Duy Ninh, Vạn Ninh… (huyện Quảng Ninh) mưa cũng đến khá sớm. Nhà nhà huy động hết xô, chậu, thùng… để hứng nước mưa. Hàng nghìn hộ gia đình nhờ trận mưa đã hứng được vài khối nước dự trữ vào bể chứa.

Bà Hoàng Thị Vân (xã Hàm Ninh) vui mừng: “Hơn tháng nay, bể nước nhà tôi khô rốc. Trận mưa đưa nước về thật đúng lúc. Cả nhà đi hứng nước đổ vào bể được gần 10 khối nước, vậy cũng đủ dùng cho những ngày tới nếu không còn mưa”. Nhiều gia đình không có bể chứa thì dùng bạt khằng bốn góc lên rồi hứng nước mưa đổ vào đó dự trữ cho những ngày tới.

Cây lúa trở mình…

Được trận mưa lớn, kéo dài, nhiều cánh đồng khô hạn đã có dấu hiệu hồi sinh. Cây lúa héo úa đã bật đứng thẳng lên. Ông Lê Thế Tiện (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) ra thăm ruộng  nói: “Trên ruộng đã có nước, đất cũng thấm được độ ẩm rồi. Trận mưa cũng giải khát cho ruộng được khoảng tháng nếu trời khô nắng”. Lãnh đạo huyện Lệ Thủy cũng đã tổ chức các đoàn công tác triển khai kiểm tra thực tế diện tích lúa và cây trồng bị hạn để có giải pháp tưới cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết, toàn huyện gieo cấy được 1.034 ha, trong đó diện tích bị hạn khô trên 130 ha. “Mưa cũng làm giảm hạn cho cây trồng. Hy vọng những ngày tiếp theo có mưa để cung cấp thêm nước cho hồ đập nhắm tưới đủ nước cho cuối vụ”, ông Vương nói thêm.

Trước đó, vào ngày 30-6, một vụ cháy rừng thông đã xảy ra tại địa bàn huyện Bố Trạch khiến hàng chục ha rừng bị thiêu rụi. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch nhìn nhận, hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu trên địa bàn huyện tưởng chừng sẽ mất trắng, nhưng khi có mưa, diện tích lúa và hoa màu này sẽ cho thu hoạch, dù sản lượng đạt thấp.

Cùng với đó, cơn mưa cũng giúp giảm nguy cơ cháy ở các cánh rừng. “Trận mưa làm cho khu vực cháy được đập tắt triệt để, ngăn chặn được cháy rừng trở lại và có thể phục hồi rừng nhanh hơn”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Bà con các xã Quảng Phương, Quảng Thanh, Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Hợp… (huyện Quảng Trạch) vui mừng khôn tả. Mừng vì người có nước để dùng, cây lúa đã được giải hạn.Xã Quảng Phương có 480 ha lúa vụ hè-thu đang bị khô hạn, chết héo.

Trên địa bàn có 5 hồ phục vụ tưới cho diện tích trồng trọt thì đã có 3 hồ trơ đáy từ đầu vụ. Chỉ có hồ Bàu Sen và Bàu Mây còn dưới 20% dung tích nên cũng chỉ tưới nhỏ giọt. Trận mưa đưa nước về trên đồng ruộng. Cây lúa lấy lại màu xanh chỉ trong một đêm. Nước trên ruộng đầy xăm xắp, nước dưới mương cũng mấp mé đến bờ.

Chị Phan Thị Hà Trang, cán bộ nông nghiệp xã Quảng Phương đi kiểm tra ruộng cho hay: “Sau trận mưa này, cây lúa đã có thể đứng vững đến gần cuối vụ nếu như không có mưa bổ sung. Trước mắt, toàn bộ diện tích lúa của xã đã thoát được khô hạn. Chúng tôi sẽ chỉ đạo bà con nạo vét kênh mương, trữ nước và sử dụng tưới hợp lý để chống hạn cho đến cuối vụ, phấn đầu có mùa vụ năng suất cao”.

Bà con tranh thủ trữ nước trong hồ bạt.
Bà con tranh thủ trữ nước trong hồ bạt.

Tuyến kênh Kênh Kịa có chiều dài trên 15 km vốn đã khô cạn, đáy mương nứt toác nay đã có nước để dự trữ. Đây cũng là nguồn chống hạn cho các xã trung tâm của huyện Quảng Trạch trong thời gian tiếp theo.

Trên vùng hạn Tuyên Hóa, Minh Hóa, trời trở dịu mát, cây cối bắt lại màu xanh. Ông Đinh Văn Thảo (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) ngước mắt nhìn bầu trời đang âm u rồi thầm thì: “Trận mưa cho tiền vàng, bạc nén đó chớ. Cây cối sống lại, ruộng vườn hết cháy và bà con có được nước mát để dùng”.

Sau hai ngày mưa, nước trên các hồ nhỏ, khe, suối…cũng được tăng lên đáng kể. Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình đã có kế hoạch nhằm tận dụng các nguồn nước để tưới cho diện tích lúa trong thời gian tiếp theo.

Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty cho biết:  “Nhờ mưa lớn, mực nước trong các hồ thủy lợi tăng lên được 0,2-0,3m nên cũng có thể dự trự được một ít. Hiện các trạm bơm của chúng tôi tạm dừng để bảo dưỡng và chuẩn bị nhiên liệu. Sau trận mưa khoảng 7-10 ngày mà không có mưa bổ sung thì các trạm bơm dã chiến của chúng tôi tiếp tục hoạt động bơm lấy nước tận dụng tưới lúa”.

Hạnh Châu

,