.

Để Quảng Bình cất cánh

.
08:31, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - 30 năm trước, thị xã Đồng Hới chỉ có vài toà nhà hai tầng, quốc lộ 1A qua thị xã như một vệt mỏng thưa thớt người xe, sân bay Đồng Hới là một mảng quá khứ ngủ yên. Thời điểm ấy, người Quảng Bình ít ai dám mơ giấc mơ sân bay hồi sinh. Nhưng dù đó là một giấc mơ xa ngái, thì trong lòng mỗi một người dân Quảng Bình, niềm hy vọng ấy chưa bao giờ tắt. Vì thế,  trong những tháng ngày gian khổ nhất, hệ thống đường băng, phần còn lại của sân bay sau hai cuộc chiến, vẫn được bảo vệ. Cho đến năm 2008, chuyến bay đầu tiên cất cánh, biến giấc mơ năm nào thành hiện thực, đưa Quảng Bình gần hơn với thế giới.
 
Chuyện cũ nhớ lại
 
Toạ lạc trên địa phận xã Lộc Ninh (thành phố Đồng Hới), nhiều người vẫn quen gọi Cảng hàng không Đồng Hới (CHKĐH) là sân bay Lộc Ninh hay sân bay Hữu Cung. Với vị trí địa lý thuận lợi, đầu những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp đã cho xây dựng sân bay.
 
Từ thời điểm Pháp tái chiếm Đồng Hới năm 1947 đến năm 1954, sau khi được cải tạo lại thành sân bay dân dụng, sân bay Lộc Ninh hoạt động khá nhộn nhịp với các chuyến bay đến Huế, Sài Gòn. Người Đồng Hới trong vùng tạm chiếm và người Pháp coi sân bay như một điểm giao thông, thương mại hàng không với nhiều tiện ích. Số lượng nhà buôn lớn sử dụng máy bay thường xuyên ngày một đông hơn. Máy bay thời ấy nhỏ nhất là 7 chỗ, lớn nhất là 45 chỗ.
Trường bay Đồng Hới trước năm 1954.
Trường bay Đồng Hới trước năm 1954.
Sau ngày giải phóng Đồng Hới, sân bay Lộc Ninh không còn được sử dụng. Nhưng ngày 16-6-1957, nơi đây đã vinh dự đón chuyên cơ đặc biệt mang số hiệu IL II 203 hạ cánh, đưa Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Và cũng từ đây, chuyến bay bí mật rời đường băng, nghiêng cánh chào Quảng Bình, đưa Bác trở lại Thủ đô sau trọn một ngày về thăm nhân dân vùng tuyến lửa.  
 
Trong những năm chống Mỹ, sân bay Lộc Ninh là mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ thù. Đơn vị cao xạ của bộ đội ta và nhân dân Lộc Ninh đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi một số máy bay giặc Mỹ. Hòa bình lập lại, người Đồng Hới bắt tay xây dựng quê hương trên nền đất cũ lỗ chỗ hố bom. Thập kỷ 70, 80 đến những năm 2000, sân bay Lộc Ninh là điểm sinh hoạt tập thể của người dân quanh vùng.
 
Chị Đinh Thị Tuyết Thu (sinh năm 1980 tại xã Lộc Ninh), người tự nhận là “cư dân sân bay”, bồi hồi nhớ lại: “Khi tôi sinh ra và lớn lên, sân bay là một vùng đất trống. Trên những tấm kim loại trải dài, người làng tôi phơi khoai, phơi lúa, người Quang Phú thì phơi cá tôm. Buổi chiều, thanh niên trai tráng, trẻ con thả diều, chơi bóng. Tối sáng trăng mọi người đi bộ, tập thể dục, tập xe đạp, xe máy, không khí rất rộn ràng.
 
Cũng những năm ấy, thi thoảng chúng tôi lại nghe tiếng máy bay trực thăng đáp xuống sân bay. Mỗi lần như thế, trẻ con trong xóm ùa ra xem, ngưỡng mộ nhìn cánh quạt trực thăng quay tít mù, cuốn theo gió bụi, ai cũng háo hức đợi chờ tiếng máy bay!”.
 
Và không chỉ có “cư dân sân bay” mới gắn bó với nơi này, mà những năm 90 của thế kỷ trước cho đến những năm đầu của thiên niên kỷ mới, người dân các phường nội thị sắm được ô tô cũng rủ nhau ra đây tập lái. Chạy xe trên đường băng, họ cũng như những “cư dân sân bay”, mang trong mình giấc mơ sân bay hồi sinh.
 
Bởi sự gắn bó với không gian ắp đầy niềm tự hào và kỷ niệm ấy, người Đồng Hới nói chung, “cư dân sân bay” nói riêng, trong suốt nhiều thập kỷ đã âm thầm gìn giữ chứng tích cuối cùng của sân bay là hệ thống tấm kim loại lát đường băng năm xưa. Có lẽ những năm tháng ấy, trong lòng mỗi người dân Đồng Hới đều đợi chờ một ngày tiếng máy bay dân dụng vang lên, đánh thức sân bay Lộc Ninh bừng tỉnh sau giấc ngủ dài
 
Giấc mơ thành hiện thực
 
Năm 2004, kế hoạch khôi phục sân bay Lộc Ninh được bắt tay thực hiện. Bốn năm sau đó, ngày 18-5-2008, sân bay Lộc Ninh, giờ là CHKĐH đón chuyến bay đầu tiên cất  cánh và hạ cánh.
 
Thời khắc ấy, những “cư dân sân bay” năm xưa dù đang ở dưới mặt đất ngóng lên trời, lòng cũng hồi hộp không kém những hành khách đầu tiên trên chuyến bay. Rốt cuộc giấc mơ nhiều thập kỷ về sự hồi sinh của sân bay Lộc Ninh cũng thành hiện thực. Bây giờ, CHKĐH đạt cảng hàng không cấp 4C, đáp ứng phục vụ máy bay tương đương A320/321 trở xuống. Công suất nhà ga hành khách 500.000 hành khách/năm.
 
Giờ cao điểm có thể đáp ứng 300 hành khách/giờ. Sân bay được xây dựng hiện đại với hệ thống hỗ trợ hạ cánh bằng thiết bị và hệ thống đèn hiệu hàng không hỗ trợ khai thác ban đêm.
 
Đến thời điểm này hiện có 4 hãng hàng không đang tham gia khai thác các đường bay đi, đến CHKĐH gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air , Jetstar Pacific và Bamboo Airways với các dòng máy bay tiên tiến, trong đó có những máy bay mới, công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới.
Cảng hàng không Đồng Hới được xây dựng ngày càng hiện đại. (Ảnh: Tiến Hành)
Cảng hàng không Đồng Hới được xây dựng ngày càng hiện đại. (Ảnh: Tiến Hành)
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, người Quảng Bình nhanh chóng lựa chọn phương tiện này cho những chuyến đi của mình. Tổng lượng khách đến và đi trong năm 2018 là 2.351 hành khách. Mười năm sau, năm 2018, con số này là 534.856 hành khách.
 
Và chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2019, sân bay Đồng Hới đã đón, tiễn 1.234 chuyến bay với 153.297 lượt khách. Hiện CHKĐH đang phục vụ các đường bay Hà Nội-Đồng Hới-Hà Nội với tần suất từ 4 đến 6 lượt chuyến/ngày; thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Hới-thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 6 lượt chuyến/ngày.
 
Từ đây, một số đường bay mới như Chiang Mai-Đồng Hới-Chiang Mai, Hải Phòng-Đồng Hới-Hải Phòng cũng được mở… Những con số và sự kiện trên là minh chứng rõ nét nhất cho sự lớn mạnh của CHKĐH, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Sẵn sàng cất cánh
 
Với những tiềm năng lớn về du lịch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Và CHKĐH là một trong những “đòn bẩy” quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch.
 
Ngày 27-8-2018, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu đầu tư nâng cấp CHKĐH thành sân bay quốc tế, bởi hiện sắp vượt công suất thế kế và dự kiến phát triển còn tăng cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Bình phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu chậm một ngày, Quảng Bình và ngành Du lịch Việt Nam sẽ lỡ đi một cơ hội”.  
 
Cùng với việc sở hữu những tiềm năng lớn về du lịch, đặc biệt là hệ thống hang động độc nhất vô nhị tại Phong Nha-Kẻ Bàng, sự thành công trong hoạt động xúc tiến đầu tư những năm gần đây đã đưa Quảng Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn. Những năm tiếp theo, Quảng Bình sẽ phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải nâng cấp, mở rộng CHKĐH đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp I, bảo đảm tiếp nhận máy bay B777 hoặc B747/B787, A350.
 
Đồng hành cùng những đường bay trên bầu trời, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ của Quảng Bình cũng đang triển khai những kế hoạch lớn. Đó là tuyến đường bộ cao tốc bắc – nam; quốc lộ 9B kết nối sang Lào qua cửa khẩu Chút Mút – Lã Vơn, hình thành tuyến vận tải Xa Vẳn Na Khệt - cảng Hòn La; tỉnh lộ 562 kết nối mới sang Lào qua cửa khẩu Cà Ròong - Nọong Ma.
 
Đầu tư nâng cấp Cảng Hòn La giai đoạn 2 để tiếp nhận cỡ tàu 30.000 - 50.000 DWT; nâng cấp cảng Gianh tiếp nhận cỡ tàu 2.000 DWT. Tuyến đường sắt, bên cạnh việc khai thác hiện quả tuyến đường sắt bắc – nam hiện có, tương lai sẽ là đường sắt cao tốc; giấc mơ tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà Khẹc - Viêng Chăn đã và đang hình thành.
 
Mười năm nữa, sân bay Lộc Ninh xưa, nay là CHKĐH sẽ tròn một thế kỷ ra đời và phát triển. Qua bao thăng trầm, gian khó, CHKĐH đã và đang sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới, là tiền đề quan trọng để Quảng Bình vững tin cất cánh.
 
Ngọc Mai
,