.

Triển khai OCOP: Những khó khăn bước đầu

.
09:43, Thứ Sáu, 21/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo kế hoạch thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030", giai đoạn 2018-2020, nhiều nội dung chương trình sẽ được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, như: khởi động chương trình, xây dựng bộ máy tổ chức, hội nghị hội thảo, đào tạo nguồn nhân lực… Trong giai đoạn đầu triển khai OCOP, nhiều địa phương vẫn lúng túng, gặp phải một số vướng mắc, khó khăn.

Mật ong Trường Thủy là một trong các dự án được huyện Lệ Thủy hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020. Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy (Lệ Thủy) cho biết, hiện tại, mật ong Trường Thủy đang chờ đợi huyện hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu "Mật ong Lệ Thủy" cùng với các địa phương khác.

Phát triển sản phẩm OCOP sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng tiêu thụ tiềm năng.
Phát triển sản phẩm OCOP sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng tiêu thụ tiềm năng.

Thành lập từ năm 2018 với 18 xã viên, HTX nuôi ong lấy mật Trường Thủy gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đề phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và nhất là đầu tư khâu quảng bá, đầu ra cho sản phẩm. Sắp tới, để mật ong Trường Thủy đạt tiêu chí là sản phẩm OCOP, HTX cần nguồn kinh phí lớn để đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, như: máy đóng chai, máy thủy phần…, đồng thời, có cơ hội đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Trong khi đó, khó khăn của sản phẩm tinh dầu tràm Thái Thủy, theo bà Nguyễn Thị Vượng, chủ cơ sở sản xuất tinh dầu tràm Giáo Vượng lại chính nằm ở khâu nguyên liệu, bởi cây tràm tự nhiên hiện rất khan hiếm để cung cấp đủ nguyên liệu.

Gia đình bà đang trồng 3ha tràm để cung ứng nguyên liệu cho sản xuất tinh dầu. Trước mắt, cơ sở vẫn rất cần sự hỗ trợ kinh phí để ổn định đầu vào và được hướng dẫn các khâu, các bước trong lộ trình xây dựng chuỗi liên kết giá trị.

Để triển khai OCOP đạt kết quả cao nhất, UBND huyện Lệ Thủy đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án; đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ sở sản xuất rà soát, đăng ký kế hoạch, lộ trình thực hiện giai đoạn 2019-2020.

Theo đó, huyện có 20 sản phẩm đăng ký thực hiện giai đoạn này. Huyện cũng chú trọng kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành thực hiện đề án OCOP cho BCĐ các chương trình MTQG cấp huyện; bố trí cán bộ chuyên trách.

Đáng chú ý, Lệ Thủy cũng đã thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm OCOP tại các tỉnh bạn. Năm 2018, huyện đã phê duyệt 7 thuyết minh dự án chuỗi giá trị, gồm: gạo sạch, khoai deo, nấm, mật ong, ớt, tinh dầu tràm, cá lóc.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn. Theo đó, mặc dù Phòng Nông nghiệp-PTNT đã tích cực tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, đơn vị chủ trì triển khai thực hiện các dự án chuỗi, tuy nhiên, tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị chủ trì dự án xây dựng thuyết minh có nội dung còn sơ sài, chưa đầy đủ, chưa đáp ứng theo yêu cầu. Thêm vào đó, các văn bản hướng dẫn về những hạng mục được hỗ trợ đầu tư, hạng mục không được hỗ trợ trong thực hiện các dự án chuỗi giá trị chưa cụ thể, nên khó khăn trong việc lập dự toán và thẩm định các thuyết minh dự án chuỗi.

Thời gian tới, huyện mong muốn UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về các bước triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực OCOP từ huyện đến xã; hỗ trợ kinh phí để hoàn thành các sản phẩm OCOP theo kế hoạch.

Ông Hoàng Tiến Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, việc kiện toàn BCĐ và ban hành kế hoạch thực hiện chương trình OCOP ở tỉnh và cấp huyện đã cơ bản hoàn thành. UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí để làm căn cứ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Một số địa phương đã tích cực chỉ đạo và tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm về thực hiện chương trình OCOP, như: Lệ Thủy, Bố Trạch. Các địa phương cũng cơ bản xác định được các sản phẩm OCOP chủ lực cần tập trung đánh giá, xếp hạng và nâng cấp.

Đến nay, huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn đã tổ chức hội nghị chuyên đề về chương trình OCOP, các địa phương còn lại cơ bản lồng ghép nội dung OCOP vào các hội nghị về xây dựng nông thôn mới và liên kết theo chuỗi sản xuất.

Nhưng, lộ trình triển khai OCOP trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn nhất định. Các địa phương hiện vẫn lúng túng trong việc thực hiện chương trình OCOP. Theo đó, công tác này mới chỉ dừng lại ở cơ quan UBND huyện và Phòng tham mưu cấp huyện.

Sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm và người dân chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện chương trình OCOP bước đầu còn hạn chế, chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình. Công tác tuyên truyền về chương trình chưa được đẩy mạnh.

Lệ Thủy có nhiều nông sản nổi bật đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP.
Lệ Thủy có nhiều nông sản nổi bật đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền về chương trình OCOP trong từng ngành, lĩnh vực để nâng cao nhận thức về chương trình cho từng cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, tổ chức tập huấn về chuyên môn và tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm về thực hiện chương trình OCOP cho cán bộ quản lý, thực hiện chương trình OCOP các cấp; tiếp tục triển khai các nội dung theo đề án đã được phê duyệt và Kế hoạch số 528/KH-SNN của Sở Nông nghiệp-PTNT. Đáng chú ý, sắp tới, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh sẽ được thành lập.

Ông Hoàng Tiến Cường cho biết thêm, đối với các huyện, thị xã, thành phố, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Công văn số 394/UBND-KT để tiến hành triển khai thực hiện chu trình OCOP; tập trung công tác tuyên truyền về chương trình OCOP bằng nhiều hình thức (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở cấp huyện; hội nghị; hội thảo; tập huấn, họp dân...).

Ngoài ra, cần sớm tổ chức hội nghị để rà soát lại các sản phẩm theo hướng OCOP trên cơ sở sản phẩm hiện có và bổ sung các ý tưởng sản phẩm mới. Lựa chọn tối thiểu mỗi địa phương 2 sản phẩm hiện có để đánh giá, xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP, mang tính đặc trưng của địa phương và được đăng ký nhãn hiệu. Trong quý III-2019, các địa phương sẽ tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và chuẩn bị các điều kiện để tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Mai Nhân

,