.

Quê anh hai mùa lúa...

.
18:20, Chủ Nhật, 30/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Dòng Kiến Giang bao đời gắn bó với những cánh đồng bát ngát của hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy-vốn là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình. Vài ba thập kỷ chỉ là khoảng khắc trong dòng chảy ngàn đời của dòng sông, nhưng những gì đã có trên con sông mến thương này được coi là kỳ tích, để những cánh đồng trong lưu vực của nó tốt tươi hai mùa lúa…
 
Sinh ra và lớn lên bên dòng Kiến Giang, ông Võ Văn Khinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX SXKD DVNN Thượng Phong (xã Phong Thủy, Lệ Thủy) là người gắn bó suốt cả cuộc đời với đồng ruộng quê hương.
 
Nói vậy bởi với ông chỉ có hơn chục năm “cầm súng xa nhà đi kháng chiến”, còn lại là những năm tháng lặn lội trên đồng đất quê nhà. Trong đó, hơn hai chục năm làm bí thư rồi chủ nhiệm HTX Thượng Phong.
 
Nên chẳng lạ, nói chuyện với ông phần lớn là chuyện cây lúa, là chuyện bờ vùng, bờ thửa… Trong một ngày hè nắng như đổ lửa, mở đầu câu chuyện, tôi được nghe ông nhắc lại trận lũ đầu hè năm 1989.
 
Rằng, trước những ngày “chia tỉnh” sôi động, thiên tai lại “đánh úp” người dân Quảng Bình, đặc biệt là người dân Lệ Thủy, Quảng Ninh với một trận lũ “tai quái”. Nước lũ đã cướp trắng vụ lúa đông- xuân đã đến kỳ thu hoạch, nông dân bàng hoàng trước bất ngờ của thiên tai. Lúa thối đồng, dân tiếc đứt ruột và nguy cơ thiếu đói hiện hữu.
 
Tại thời điểm đó, an ninh lương thực đang là vấn đề nóng, lúa gạo còn khan hiếm,nên ai ai cũng phải trồng lúa, kể cả cán bộ nhà nước.
 
Mấy người bạn của tôi đang dạy học ở Lệ Thủy có một “định nghĩa” về nghề thật chua chátvà đã thành câu cửa miệng thời ấy: “Giáo viên là nông dân có nghề phụ dạy học”, bởi thời gian dành cho làm ruộng để có thêm lương thực nhiều hơn thời gian đứng lớp. Một chút hoài niệm để có thể hình dung ra “vị thế” của hạt lúa lúc bấy giờ.
Lệ Thủy và Quảng Ninh luôn đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng An
Lệ Thủy và Quảng Ninh luôn đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng An
Tất nhiên, trận lũ ấy cũng nằm trong “kịch bản” thời tiết của thiên nhiên với tên gọi quen thuộc: lũ tiểu mãn. Chỉ có điều lũ tiểu mãn năm ấy quá lớn, vượt quá sức chống đỡ của hệ thống đê điều vốn không mấy vững chãi trên địa bàn nên cánh đồng hai huyện đã phải “vỡ trận”.
 
Cũng vì lý do đê điều mà hàng năm lũ tiểu mãn luôn đe dọa sự an toàn của cây lúa. Ông Khinh nhớ lại, có nhiều năm, cả làng đi hộ đê, dù là đêm hay ngày, nhưng vẫn khó tránh khỏi những vùng bị ngập nước, đành mất trắng hay chí ít cũng giảm năng suất của những vùng bị ngập úng.
 
Trái ngược với lũ lụt, về mùa khô, dòng Kiến Giang và cả lưu vực rộng lớn của nó nhiều năm không còn giọt nước nào cấp cho những cánh đồng khô khát. Không những thế, những năm hạn hán, nạn nhiễm mặn từ phá Hạc Hải đe dọa mất mùa những vụ kế tiếp, nhất là những địa bàn giáp ranh phá Hạc Hải…
 
Trong những năm tháng ấy, ông Khinh có câu” tổng kết” đượm buồn, nhưng khá chính xác: “Làm được hạt lúa ở Lệ Thủy quả là gian nan, như là đánh bạc với trời, là những ngày thấp thỏm lo âu, nín thở nhìn trời…”.
 
Bây giờ, những chuyện buồn ấy đã là quá khứ. Ông Khinh đã có một đánh giá khái quát: "Ba chục năm qua chúng ta đã thực sự “thay đổi đất, trời” tạo những điều kiện phải nói là rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp”. 
 
Và như để cụ thể hóa cho điều khẳng định ấy, ông nói tiếp:"Hai việc tôi cho là có tính quyết định để sản xuất cây lúa chắc ăn ở Lệ Thủy và Quảng Ninh là xây dựng hồ chứa An Mã và nâng cấp hệ thống đê điều Thượng Mỹ Trung”.
 
Có lẽ, những công trình mà ông Khinh vừa nhắc đến ở trên quá quen thuộc với người dân tỉnh ta và cả những ai đã từng đến Quảng Bình. Nhưng để hiểu thấu đáo tác động của nó với những cánh đồng thẳng cánh cò bay vùng chiêm trũng thì không phải ai cũng tỏ tường.
 
Với hồ chứa nước An Mã (Kim Thủy, Lệ Thủy), phải đến cuối những năm 90, được sự hỗ trợ của Trung ương, công trình mới được khởi công xây dựng và vài năm sau, vào năm 2001, nó được tích nước.
 
Án ngữ trên một nhánh của sông Kiến Giang, với dung tích 67 triệu m3 nước, hồ chứa có thể giải quyết về cơ bản nạn hạn hán cho phần lớn diện tích trồng lúa ở Lệ Thủy và một phần của huyện Quảng Ninh.
 
Vài năm sau đó, Dự án Thượng Mỹ Trung với mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng-con số thuộc hàng lớn nhất đối với đầu tư cho thủy lợi ở tỉnh ta từ trước đến nay-được khởi công xây dựng. Dự án đã nâng cấp hệ thống đê điều một vùng rộng lớn thuộc hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
 
Sau khi hoàn thành, hệ thống đê điều này sẽ góp phần quan trọng chống lũ tiểu mãn, lũ sớm cho lúa đông-xuân và hè-thu, ngăn nạn xâm nhập mặn cho một vùng rộng lớn. Nói về xâm nhập mặn, ông Lê Đại Xúng, người có ngót 20 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) từ những năm đầu tái lập tỉnh, cho biết, trước đây, khi hệ thống đê bao chưa được nâng cấp, Hồng Thủy hàng năm có trên 70% diện tích lúa bị nhiễm mặn, còn nay nạn nhiễm mặn đã cơ bản chấm dứt..
 
Hồ chứa An Mã, hệ thống đê điều Thượng Mỹ Trung và mấy năm sau là hồ chứa Rào Đá (huyện Quảng Ninh) thực sự là những “vệ sỹ vĩ đại” cho cây lúa.
 
Cùng với đó là bộ giống lúa với thời gian sinh trưởng ngắn đã góp phần thay đổi diện mạo sản xuất trên những cánh đồng hai huyện.Và có lẽ nói rằng, chúng ta đã thay đổi “đất, trời” đối với sản xuất nông nghiệp ở vùng vựa lúa của tỉnh quả không ngoa chút nào.
 
Ngày tái lập tỉnh (1989), tại Phong Thủy, anh Khinh nói gắng lắm năng suất vụ đông-xuân cũng chỉ 50 tạ/ha, bây giờ đã đạt hơn 75 tạ/ha. Với HTX Thống Nhất (xã An Ninh, Quảng Ninh), theo ông Nguyễn Duy Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, con số đó là 80 tạ/ha. 
 
Điều quan trọng nữa là ước mơ ngàn đời của nông dân trên vùng đất này đã thành hiện thực: làm lúa hai vụ chắc ăn. “Chắc ăn” là hai từ mà có lẽ đã phải đổi bao công sức, trí tuệ của nhiều thế hệ trên lưu vực dòng Kiến Giang.
 
Vâng, ba chục năm qua, những gì đã có trên dòng Kiến Giang và cánh đồng hai huyện thực sự là kỳ tích. Nhưng, cuộc sống luôn đặt ra những thách thức, đòi hỏi lớn hơn. Người nông dân trồng lúa nhìn chung vẫn chưa khá lên.
 
“Thương hiệu” hạt gạo vùng chiêm trũng chưa thực sự rõ nét và giá còn quá thấp so với nhiều vùng, miền khác…Những điều đó hình như đang đọng lại trong tâm tư của các vị chủ nhiệm HTX từng trải vùng “rốn lúa”.
 
Theo ông Khinh, quy mô HTX như hiện nay (hàng trăm hộ gia đình) vẫn chưa thoát ra được kiểu làm ăn cũ, tức là ở đó vẫn còn nhiều điều trì trệ, nhiều việc làm mang tính phong trào mà thiếu thực chất…
 
Còn ông Viên lại cho rằng, để tạo bước đột phá ở vùng trọng điểm lúa thì cần phải có nhà đầu tư với vốn lớn. Nhưng để mời gọi được nhà đầu tư đến với vùng lúa, điều quan trọng có tính tiên quyết là phải có những chính sách để nhà đầu tư thấy được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp là rõ ràng, sáng sủa…
 
Văn Hoàng
,