.

Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi: Khẩn cấp và quyết liệt

.
15:20, Thứ Bảy, 08/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh cho hay, đến ngày 4-6-2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xảy tại 53 tỉnh, thành phố, tiêu hủy trên 2 triệu con lợn. Riêng tại vùng Bắc Trung Bộ dịch đã xảy ra tại 5 tỉnh. Ở ngay sát Quảng Bình, hai địa phương láng giềng cũng đã lần lượt xuất hiện bệnh dịch này, trong đó, Quảng Trị xuất hiện dịch ngày 28-3 và Hà Tĩnh ghi nhận xuất hiện dịch vào ngày 17-5. Với diễn biến dịch bệnh như vậy, công tác phòng, chống bệnh DTLCP đang được các ngành, địa phương siết chặt.

Tính đến thời điểm hiện nay, Quảng Bình chưa ghi nhận trường hợp lợn bị bệnh DTLCP. Tuy nhiên, tại tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan mạnh, giá lợn hơi có sự chênh lệch cao nên các tư thương đã vận chuyển lợn từ các huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh và huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị qua các trục đường liên thôn, liên xã nhập vào địa bàn tỉnh ta với số lượng rất lớn.

Cán bộ Thú y đến từng hộ buôn bán, giết mổ lợn để tuyên truyền, ký cam kết phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cán bộ Thú y đến từng hộ buôn bán, giết mổ lợn để tuyên truyền, ký cam kết phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Do vậy, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh và lây lan ra diện rộng do việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao. Mặt khác, hiện tại, thời tiết diễn biến bất lợi, mưa ẩm, nắng nóng tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, phát triển.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh DTLCP trên thế giới và trong nước, mặc dù trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh, nhưng trong thời gian qua tỉnh ta đã quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống.

UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT đã chủ động ban hành nhiều công điện, chỉ thị, kế hoạch để chỉ đạo các cấp, ban ngành trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện các giải pháp phòng bệnh, bảo đảm sự đồng bộ, quyết liệt. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh xuống tận cơ sở, các hộ chăn nuôi, hộ buôn bán, giết mổ động vật.

Qua đó, thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh và tuyên truyền các giải pháp phòng chống dịch bệnh đến người dân, chính quyền các cấp để chủ động có các giải pháp phòng, chống.

Đến hiện tại, về cơ bản cơ quan Thú y và các địa phương đã triển khai xong việc ký cam kết với các hộ buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn, bảo đảm kiểm soát được tình trạng buôn bán, giết mổ an toàn dịch bệnh.

Sau thời gian tuyên truyền, áp dụng các biện pháp quyết liệt trong phòng chống dịch, đến nay, người dân trong tỉnh đã dần có ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, không “quay lưng” lại với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn góp phần giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi.

Đáng chú ý là tỉnh đã kịp thời thành lập 4 chốt kiểm dịch tạm thời (tại Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh) nhằm kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào và đi qua địa bàn tỉnh.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi cục Chăn nuôi-Thú y, lực lượng Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, các ban, ngành, các địa phương có liên quan nên công tác phòng chống DTLCP ở các chốt hoạt động rất hiệu quả, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan từ các địa phương có dịch vào địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phương, phụ trách Chốt kiểm dịch động vật tạm thời Bắc Quảng Bình cho biết: "Chốt kiểm dịch luôn làm việc trong không khí khẩn trương hết sức, thường trực 24/24h, không kể nắng mưa, không để sót bất cứ một phương tiện vận chuyển động vật nào đi qua mà không kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, thực hiện các bước tiêu độc khử trùng theo đúng quy định.

Ngày cao điểm, chốt thực hiện kiểm tra đến 25 xe chở lợn đi qua, chủ yếu là từ các tỉnh phía Bắc vào. Ngoài trực tại chốt, cán bộ thú y còn bám sát địa bàn dân cư, đi vào từng nhà dân, hộ buôn bán, giết mổ lợn để tuyên truyền, vận động họ chấp hành nghiêm các quy định phòng chống bệnh DTLCP; triển khai ký cam kết không thu mua, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợn bệnh...".

Theo thống kế, từ khi thành lập đi vào hoạt động đến nay, các chốt kiểm dịch động vật tạm thời đã kiểm tra, kiểm soát và thực hiện phun tiêu độc khử trùng 2.310 xe (633.321 con) vận chuyển lợn ra, vào và đi qua địa bàn tỉnh. Trường hợp vận chuyển vào địa bàn tỉnh, các chốt thông báo cho các địa phương, đơn vị nơi đến để tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng cũng đã xử phạt 1 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (xe vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ) và buộc kiểm dịch lại. Cơ quan Chăn nuôi-Thú y cũng đã thực hiện lấy 15 mẫu giám sát chủ động bệnh DTLCP và tất cả đều cho kết quả âm tính.

Bên cạnh việc lập và duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, cơ quan Chăn nuôi-Thú y và các địa phương trong tỉnh đã triển khai, thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn toàn tỉnh và cấp phát hóa chất, áo quần chống dịch khi dịch bệnh xảy ra.

Đến nay, Chi cục Chăn nuôi-Thú y đã cấp cho các địa phương 10.000 lít hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi và 700 bộ áo quần chống dịch. Chi cụccũng đã thành lập 2 đội ứng phó nhanh phòng, chống DTLCP để phản ứng kịp thời khi có thông báo lợn ốm tại cơ sở; phối hợp với UBND các xã giám sát, nắm thông tin từ cơ sở, báo cáo kịp thời cho Chi cục Chăn nuôi-Thú y, UBND huyện nếu phát hiện lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh.

Công tác kiểm tra, kiểm soát động vật tại các chốt được tiến hành 24/24h.
Công tác kiểm tra, kiểm soát động vật tại các chốt được tiến hành 24/24h.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y cho biết: Diễn biến của bệnh DTLCP hiện tại là hết sức phức tạp, đòi hỏi công tác phòng, chống bệnh lúc này là vô cùng khẩn cấp, quyết liệt. Dịch bệnh đang tiếp tục lây lan nhanh, nguy cơ bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh ta là rất cao.

Vì vậy, cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn để ngăn chặn triệt để tình trạng lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các tỉnh có dịch sang các tỉnh chưa có dịch. Triển khai thường xuyên hoạt động vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và thực hiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đặc biệt, Chi cục Chăn nuôi-Thú y đã thực hiện khảo sát thực địa và đang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành lập thêm các chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát được tất cả các tuyến đường có thể vận chuyển động vật xâm nhận vào địa bàn Quảng Bình.

Cụ thể, tại huyện Tuyên Hóa kiến nghị thành lập 1 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp huyện trên tuyến đường Xuyên Á (nối thị trấn Đồng Lê với huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Tại huyện Quảng Trạch, thành lập 2 chốt tạm thời cấp huyện tại xã Quảng Hợp (tuyến đường nối xã Quảng Hợp với xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và xã Quảng Phú (tuyến đường biển).

Tại huyện Lệ Thủy, xem xét thành lập chốt kiểm dịch tạm thời trên tuyến giáp ranh huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị hoặc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện đảm bảo kiểm soát việc vận chuyển lợn nhập vào địa bàn, nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan.

A.T

,