.

Kiểm soát ô nhiễm không khí trong sản xuất công nghiệp: Đồng bộ, hiệu quả, khuyến khích xã hội hóa

.
08:32, Thứ Tư, 05/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Với nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú, thời gian qua, Quảng Bình đã khai thác và phát huy hiệu quả trong việc đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, việc kiểm soát nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng đã được các cấp, ngành và doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Theo Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh ta gồm có 167 khu vực mỏ; trong đó, có 56 khu vực mỏ đá làm vật liệu xây dựng, 23 khu vực mỏ sét gạch ngói, 49 khu vực mỏ cát sỏi làm vật liệu xây dựng, 38 khu vực mỏ đất làm vật liệu san lấp và 1 khu vực mỏ titan.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất nhằm hạn chế phát sinh khí thải.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất nhằm hạn chế phát sinh khí thải.

Số liệu thống kê từ cơ quan chức năng cho biết, tỉnh ta hiện có năng lực sản xuất 4.700 nghìn tấn xi măng; 348 triệu viên vật liệu xây và gần 3 triệu m2 vật liệu lợp/năm. Ngoài ra, theo giấy phép khai thác, chế biến đá trên địa bàn tỉnh đã đạt tương đương 3,2 triệu m3/năm; năng lực khai thác cát đạt khoảng 460.000m3; năng lực khai thác đất san lấp đạt khoảng 1.400.000m3/năm.

Nhằm bảo đảm khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất vật liệu xây dựng, thời gian qua, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Trên cơ sở sự chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc thường xuyên, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng… cũng đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Công ty CP Xi măng sông Gianh là đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm clinker và xi măng. Trong quá trình sản xuất, việc xử lý ô nhiễm bụi luôn được công ty đặc biệt quan tâm. Ông Tạ Lương Tâm, Trưởng ban an toàn lao động và môi trường, Công ty CP Xi măng sông Gianh cho biết, để giảm thiểu các yếu tố gây ô nhiễm, công ty đã lắp đặt hệ thống giám sát khí thải tự động truyền trực tiếp về Sở TN-MT; vận hành 60 cụm lọc túi bụi, 3 cụm máy lọc bụi tĩnh điện tại các khu vực.

Ngoài ra, công ty đã lắp đặt thêm hệ thống lưới chắn bụi, hệ thống phun sương tại một số khu vực sản xuất có khả năng gây ô nhiễm bụi cao và áp dụng chu trình vận chuyển khí thải khép kín đối với công đoạn nung và làm lạnh clinke-một trong những công đoạn thải bụi nhiều nhất trong quá trình sản xuất.

Vào thời điểm khô nóng, đều đặn 6 lần/ngày, công ty tiến hành phun ẩm nhằm hạn chế đến mức tối đa bụi phát sinh; lắp đặt hệ thống phun nước áp lực cao trên đường nội bộ để rửa đất đá rơi vãi trên đường vận chuyển.

Hiện toàn công ty có khoảng 3ha cây xanh và đang mở rộng thêm diện tích trồng cây để cải tạo điều kiện vi khí hậu, đồng thời, hạn chế ảnh hưởng của bụi và tiếng ồn đến khu vực dân cư xung quanh.

Tương tự, tại nhà máy gạch Tuynel (thuộc Công ty CP Vật liệu xây dựng 1-5), báo cáo kết quả quan trắc môi trường cho thấy, trong quá trình hoạt động, nhà máy gạch có các nguồn chính gây tác động đến môi trường gồm nguồn gây tiếng ồn, nguồn ô nhiễm không khí và nguồn gây ô nhiễm nước.

Đặc biệt, đối với nguồn ô nhiễm không khí, bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm và bãi chứa nguyên liệu. Ngoài ra, với lượng than tiêu thụ khoảng 600 tấn/tháng, bình quân mỗi tháng nhà máy phát thải ra môi trường khoảng 16,2 tấn khí CO và 8,4 tấn khí SO2.

Nhằm giảm thiểu những yếu tố gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người lao động và khu dân cư, trong quá trình sản xuất, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Đối với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nhà máy đã thường xuyên vận hành hệ thống quạt thông gió tại khu vực tạo hình và lò nung nhằm tạo sự lưu thông không khí trong nhà xưởng, bảo đảm môi trường làm việc thông thoáng cho công nhân; lượng khí thải từ lò nung và lò sấy được phát tán và pha loãng vào môi trường bằng ống khói có chiều cao 12m.

Để hạn chế bụi phát tán trong khu vực sản xuất và trên tuyến đường vào nhà máy, bình quân 2 lần/ngày, đơn vị tiến hành tưới và phun nước; đồng thời, chú trọng phát triển và bảo vệ hệ thống cây xanh bao quanh để vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa hình thành hàng rào ngăn cách ảnh hưởng của bụi và tiếng ồn phát sinh trong quá trình sản xuất.

Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, công tác đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp luôn được Sở TN-MT chú trọng thực hiện.

Trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường cho các dự án theo đúng quy định trước khi cấp phép khai thác khoáng sản.

Sản xuất công nghiệp cần đi đôi với kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Sản xuất công nghiệp cần đi đôi với kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, Sở cũng ưu tiên tập trung quản lý, kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản đa số các doanh nghiệp đã chú trọng các biện pháp bảo vệ môi trường; tuân thủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và các quy định hiện hành; các thông số môi trường kiểm tra nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam hiện hành.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Mạnh Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng đối với việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp; đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát, kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ô nhiễm môi trường để xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó.

Bên cạnh đó, Sở khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường; đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất nhằm hạn chế phát sinh khí thải; thực hiện việc đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục theo đúng quy định pháp luật.

Thanh Hải

,